Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Những con chip CPU Intel cho máy tính PC bắt đầu có thêm chữ “Vietnam”

140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-062_resize

 

Chiều 29-7-2014, nhà máy Intel Products Việt Nam tại khu công nghệ cao TP.HCM đã chính thức công bố sản phẩm chip vi xử lý (CPU) cho máy tính PC đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.

Đây là họ CPU Intel Core thế hệ thứ 4 mới nhất (phiên bản Haswell Refresh) với công nghệ sản xuất 22 nanomet dành cho máy laptop, máy tính để bàn và máy chủ server. Nhà máy Intel Products Việt Nam cho biết khoảng nửa năm nữa, có tới 80% số lượng CPU Intel cho máy tính PC trên toàn cầu sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Nhà máy Intel Products Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29-10-2010 nằm trong dự án đầu tư 1 tỷ USD của Intel vào Việt Nam công bố năm 2006. Đây là nhà máy lắp ráp và kiểm định (Assembly and Test Manufacturing, ATM) lớn nhất thế giới của Intel. Nhiệm vụ của nhà máy ATM là thực hiện những công đoạn hoàn tất thành phẩm, thử nghiệm và đóng gói chuyển cho hệ thống phân phối đưa tới người tiêu dùng. Intel hiện có 7 nhà máy ATM ở Costa Rica, Malaysia (3 nhà máy), Việt Nam và Trung Quốc (2 nhà máy).

Sản phẩm đầu tiên của nhà máy Intel Products Việt Nam là các bộ chipet cho máy tính (đã sản xuất được 7 dòng sản phẩm, và ngưng vào tháng 6-2014 để tập trung cho sản xuất CPU). Kế đó là chip Atom SoC (system on chip) như một hệ thống máy tính với đầy đủ chức năng được nhà máy sản xuất từ tháng 12-2013. Bà Hồ Uyên, Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam, cho biết, tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng đội ngũ của nhà máy Intel Việt Nam đã chứng tỏ trình độ cao, đạt tỷ lệ sản phẩm lỗi cực thấp. Chính điều này đã góp phần thuyết phục ban lãnh đạo tập đoàn chuyển giao việc sản xuất CPU về Việt Nam. Hiện nay trong đội ngũ nhân sự của nhà máy có hơn 1.000 người Việt Nam và chỉ còn khoảng 60 chuyên gia nước ngoài.

Quyết định đưa CPU Haswell về sản xuất tại Việt Nam được tập đoàn Intel công bố hồi tháng 4-2014. Chỉ sau gần 2 tháng chuẩn bị máy móc và đội ngũ, nhà máy Intel Việt Nam đã chính thức sản xuất loại CPU này, sớm hơn 1 tuần so với kế hoạch.

Các tấm wafer in các die chip xử lý từ các nhà máy chuyên dụng Fab của Intel ở Mỹ và Israel được đưa về nhà máy Intel Products Việt Nam để lắp ráp thành CPU thành phẩm, thử nghiệm, và đóng gói xuất khẩu tới hệ thống phân phối toàn cầu của Intel. Hoạt động này sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Có 2 câu hỏi mà nhiều người vẫn có thói quen đặt ra mỗi khi có một sản phẩm nổi tiếng của nước ngoài được sản xuất tại Việt Nam.

1. Sản xuất hay lắp ráp? Thế giới hầu như không có phân biệt rạch ròi chuyện này (thật ra họ cũng chẳng hơi đâu quan tâm tới chi tiết này mà để dành tâm sức soi cái khoản chất lượng). Bởi lẽ trong thế giới liên lập ngày nay, mọi nước đều có những mối liên kết với nhau và có sự phân công trong sản xuất hay những vấn đề chung. Mọi chiếc máy bay Airbus (châu Âu) hay Boeing (Mỹ) đều được lắp ráp bởi các thành phần do nhiều nước sản xuất theo một chuẩn chung. Theo thông lệ và cũng là quy định, nơi xuất xưởng thành phẩm được ghi tên lên sản phẩm “Made in…” hay “Made by…”. Như các sản phẩm do nhà máy Samsung ở Việt Nam sản xuất và xuất đi toàn cầu đều được ghi là “Made in Vietnam by Samsung”. Tuy nhiên, hai kiểu ghi xuất xứ “Made in…” và “Made by…” có thể hiểu “hàng hai” là nơi sản xuất hay sản phẩm của nước nào đó. Để cho mọi sự rành mạch, tránh bị lợi dụng mà chập cheng, người ta chọn cách ghi “Product of…” để khẳng định sản phẩm của nước nào hay nhà sản xuất nào. Chỉ có điều, cách ghi này chỉ được sử dụng khi nước đó thật sự có uy tín và danh tiếng. Còn thì phải giấu nhẹm hay tìm cách đánh lận con đen, giống như kiểu ngày càng có thêm nhiều sản phẩm của Trung Quốc hay được sản xuất ở Trung Quốc tránh ghi “Made in China” mà dùng là “Made in PRC” (viết tắt của cụm từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) vừa né được chữ “China”, vừa dễ bề trà trộn với hàng của Đài Loan (ngoài “Made in Taiwan”, Đài Loan còn ghi “Made in ROC” (viết tắt của Cộng hòa Trung Hoa). Cũng có những sản phẩm được ghi là “Assembled in….” để chỉ rõ nơi đó chỉ là chỗ lắp ráp sản xuất với các thành phần được nhà sản xuất cung cấp. Chủ yếu là do sợ bị đánh đồng với sản phẩm có nhiều tai tiếng của nước gia công lắp ráp thôi.

Trong trường hợp của Intel, các nhà máy ATM như ở Việt Nam (Intel có cả thảy 7 nhà máy ATM trên thế giới) đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quy trình sản xuất chip. Đó chính là công đoạn các miếng silicon chứa các nhân xử lý (gọi là die) do nhà máy chuyên dụng gọi là Fab (fabrication facility) làm ra được các nhà máy ATM gắn lên đế (package) bằng nhựa hay sứ cùng những thành phần khác để tạo thành một chip CPU hoàn chỉnh. Sau khi trải qua quy trình test kiểm định chất lượng từng CPU một, nếu đạt yêu cầu, CPU mới được chuyển sang bộ phận đóng gói để xuất xưởng. Intel hiện có 12 nhà máy Fab gồm 9 nhà máy ở Mỹ và 3 nhà máy ở nước ngoài (Israel, Ireland và Trung Quốc). Nhà máy Fab dù sao cũng chỉ có nhiệm vụ làm ra những nhân xử lý (theo công nghệ in photolithography lên silicon). Còn nhà máy ATM “phiền phức” hơn khi phải se duyên cho các thành phần cực kỳ nhạy cảm và tinh vi lại với nhau. CPU được hoàn tất ở nước nào thì tên nước đó được in trên lưng thành phẩm.

2. Người tiêu dùng trong nước có được hưởng lợi gì, như giá rẻ hơn? Xin nói ngay là cho dù sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam thì người Việt cũng chẳng thể được hưởng giá ưu đãi hơn đâu. Bởi lẽ trong quy trình sản xuất của các hãng quốc tế, khâu sản xuất tách biệt hẳn khâu phân phối. Cho dù được sản xuất ở đâu, các sản phẩm vẫn phải được đưa về tập trung ở bộ phận phân phối khu vực để xuất đi các nước có nhu cầu. Các nhà phân phối và bán lẻ ở nước có nhà máy không hề được quyền giao dịch trực tiếp với nhà máy. Bên cạnh đó, các nhà máy nước ngoài như vậy đều nằm trong diện chế xuất để được hưởng các ưu đãi khuyến khích đầu tư, và vì thế tất cả sản phẩm đều phải xuất ra nước ngoài trước khi quay trở lại theo kênh phân phối của hãng. Thật ra, trong kinh doanh, giá cả ở từng nước phải được nhà sản xuất cân đối hài hòa với giá cả chung của khu vực. Không thể viện lẽ thu nhập của nước nào thấp hơn nên nhà sản xuất giảm giá sản phẩm bán ở nước đó xuống thấp hơn hẳn các thị trường chung quanh. Làm vậy thị trường khu vực sẽ bị rối, sẽ xảy ra tình trạng hàng hóa trào ngược sang các nước chung quanh. Tuy nhiên, giá thực tế trên thị trường thường là do các đòn phép của các nhà phân phối cộng với yếu tố thuế nhập khẩu. Vì lẽ đó, bạn chớ nên quạu quọ mà lên máu nguy hiểm khi thấy giá nhiều sản phẩm, thậm chí Mỹ cũng phải nhập, ở Mỹ còn rẻ hơn ở Việt Nam! Mà thu nhập của người dân 2 nước thì một trời một vực!

Như vậy Việt Nam được hưởng những lợi ích gì? Ôi trời, quá chừng là lợi ích. Như thu được tiền cho thuê đất, thu các khoản thuế má, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao tên tuổi quốc gia trên bản đồ thế giới, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động, tạo cơ hội làm ăn cho các nhà cung cấp dịch vụ và nhà thầu phụ, đào tạo tay nghề cho lực lượng lao động,…. Sự có mặt của những nhà máy lớn của những “tên tuổi lớn” như Intel, Samsung,… luôn kéo theo hàng lô lốc các hãng, công ty cung ứng các dịch vụ và các bộ phận, phụ liệu. Ngoài các công ty từ nước ngoài vào theo, họ còn gầy tạo được nền công nghiệp phụ trợ nội địa (cái này làm được tốt xấu là do năng lực của các doanh nghiệp trong nước thôi). Hiện nay nhà máy Intel Việt Nam có 80 nhà cung ứng các loại cho sản xuất và hoạt động hàng ngày, trong đó có 20 nhà cung ứng Việt Nam.

Nhà máy Intel Products Việt Nam đã góp phần đào tạo một đội ngũ lao động công nghệ cao Việt Nam có tay nghề cao, đạt đẳng cấp quốc tế. Và giờ đây người Việt Nam có thể tự hào khi các con chip CPU Intel thế hệ mới nhất có in nơi sản xuất “Vietnam” sẽ được “inside” trong các máy tính trên khắp thế giới. Cũng đáng để mà ‘tự sướng” lắm chứ!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-7-2014)

 

NHỮNG HÌNH ẢNH TRONG LỄ RA MẮT CPU INTEL CHO MÁY TÍNH PC ĐẦU TIÊN SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM CHIỀU 29-7-2014.

140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-001_resize

Từ tấm wafer này, các die xử lý được cắt bằng dao kim cương rồi được lắp ráp vào các chiếc đế thành CPU thành phẩm.

140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-017_resize

Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam.

140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-004_resize 140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-009_resize 140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-020_resize 140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-023_resize 140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-024_resize 140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-032_resize 140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-039_resize 140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-052_resize 140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-054_resize 140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-057_resize  140729-intel-cpu-dautien-sx-vietnam-phphuoc-064_resize