Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Báo động toàn cầu về dịch Ebola xuất phát từ Tây Phi

140730-ebola-west-africa-deaths-2

 

Đợt bùng phát bệnh dịch do virus Ebola gây ra chết chóc nhất trong lịch sử đang tiếp tục gieo rắc kinh hoàng ở Tây Phi.

Hồi hạ tuần tháng 7-2014, nữ Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf của Liberia đã ra lệnh đóng cửa hầu hết các cửa khẩu biên giới của nước mình trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus này. Tại một ít cửa khẩu còn hoạt động, nhà chức trách cho lập những trung tâm xét nghiệm Ebola và thực hiện những biện pháp phòng ngừa. Tổng thống Liberia cũng ban hành những quy định nghiêm ngặt về tụ họp đông người và ra lệnh cho các khách sạn, nhà hàng và các nơi vui chơi giải trí phải cho chiếu thường xuyên một video clip dài 5 phút cảnh báo công chúng về dịch Ebola. Bà cũng ra lệnh đóng cửa các trường học và phần lớn công chức phải ở trong nhà; cũng như đóng cửa các ngôi chợ ở một khu vực gần biên giới 2 nước Guinea và Sierra Leone.

Nữ Tổng thống Leberia đã hủy bỏ việc tham dự một cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington để ở nhà lãnh đạo cuộc chiến chống Ebola. Bà đã cành báo toàn dân: “Hỡi các bạn Liberia của tôi, Ebola là thật, Ebola dễ lây lan, và Ebola giết người. Việc bác bỏ sự hiện hữu của bệnh này là không có lợi cho bạn, vì thế hãy giữ mình và các người thân yêu của mình đưọc an toàn.”

Báo Anh Daily Mail (30-7) dẫn số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có 1.201 trường hợp nhiễm virus Ebola đã được báo cáo ở 3 nước Tây Phi Guinea, Liberia và Sierra Leone. Từ ngày 18 tới 20-7, người ta phát hiện 45 ca nhiễm virus mới. Trong số 672 người chết tính tới ngày 31-7, cao nhất là ở Guinea (319 người), kế đó là Sierra Leone (224 người) và Liberia (129 người). Trong khi đó, các chuyên gia ước tính có tới 30.000 người đã bị nhiễm virus Ebola mà chưa phát hiện.

140730-ebola-west-africa-deaths-3

 

140730-ebola-west-africa-deaths

Đây là lần đầu tiên virus đe dọa cả khu vực Tây Phi. Ngày 25-7, một người Liberia tên Patrick Sawyer đã chết tại Lagos (Nigeria) vì Ebola. Ông này tới sân bay Lagos ngày 20-7 và bị cách ly tại một bệnh viện địa phương sau khi nhà chức trách phát hiện hành khách có những triệu chứng Ebola. Sawyer đã bay từ Liberia sang Ghana, sau đó tới Togo rồi chuyển máy bay tới Nigeria. Tuy nhiên, do sự trì hoãn của hãng hàng không, cho tới nay nhà chức trách chỉ xác nhận được có 59 hành khách cùng đi trên 3 chuyến bay đó.

Theo Các Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) Mỹ, không phải tất cả mọi người có mặt trên phương tiện giao thông có người mắc bệnh Ebola là đều bị nhiễm virus chết người này. Virus chỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với những chất dịch cơ thể của người bệnh. Các triệu chứng chung của người nhiễm Ebola là sốt, mệt mỏi và nhức đầu. Chúng có thể xuất hiện trong vòng 2 tới 21 ngày sau khi bị nhiễm. Vì thế nhiều người không biết mình đang mang virus Ebola. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Khi phát bệnh, người bệnh bị ói mửa, tiêu chảy, suy thận, suy gan, một số trường hợp bị xuất huyết trong và ngoài.

Ngày 28-7, hãng hàng không Arik Air, một trong những hãng hàng không lớn nhất Nigeria, đã đình hoãn các chuyến bay tới thủ đô Monrovia của Leberia và thủ đô Freetown của Sierra Leone.

Đài truyền hình Mỹ CNN (28-7) cho biết bác sĩ Kent Brantly, một người Mỹ 33 tuổi, đang giúp điều trị các bệnh nhân Ebola tại Monrovia vừa có những triệu chứng bị lây nhiễm virus Ebola. Một phụ nữ Mỹ là Nancy Writebol cũng bị nhiễm virus Ebola tại Monrovia. Chị thường cùng chồng tới Liberia thực hiện những công việc chăm sóc trẻ mồ côi và những trẻ em nghèo khó.

Trong khi đó ở Sierra Leone, nước láng giềng của Liberia, bác sĩ Sheik Humarr Kahn, người giữ vai trò then chốt trong cuộc chiến ngăn chặn virus Ebola ở nước này, cũng đã bị nhiễm virus Ebola.

140730-ebola-virus

Virus Ebola.

Virus Ebola được phát hiện đầu tiên năm 1976 tại khu vực sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (xưa có tên là Zaire). Tứ đó tới nay, nó thường xuyên gây ra những đợt bùng phát dịch với những quy mô khác nhau. Các nhà lãnh đạo trong giới y tế quốc tế đánh giá đợt bùng phát dịch Ebola năm 2014 này là “chết chóc nhất chưa từng có”. Điều nguy hiểm là cho tới nay cuộc chiến chống virus Ebola lẫn là phòng ngừa tối đa để tránh lây lan và lây nhiễm. Tỷ lệ tử vong của người bị nhiễm virus Ebola cao tới 90%. Chưa có vắc-xin phòng ngừa Ebola. Trong đợt bùng phát này, tỷ lệ tử vong đã được kéo xuống còn 60% nhờ các tổ chức y tế và chính quyền các nước có người bị nhiễm đã tích cực điều trị sớm nhiều trường hợp. Bác sĩ Mỹ Sanjay Gupta của đài truyền hình CNN sau chuyến đi tới khu vực Tây Phi về nói rằng: “Có một thực tế kinh hoàng là virus Ebola thường giết người quá nhanh tới mức người ta không kịp lây lan nó. Ebola là một kẻ giết người khủng khiếp”. Tại Guinea, từ tháng 3 tới cuối tháng 6-2014 trong số 413 người bị nhiễm Ebola, có tới 303 người chết.

Điều bi kịch là dường như các nước Tây Phi đang có nguy cơ “rơi tự do”. Nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã không còn dám mạo hiểm với tính mạng của những người tình nguyện. Hãng tin truyền hình Mỹ Fox News (31-7-2014) đưa tin: tổ chức nhân đạo Peace Corp. đang sơ tán 340 nhân viên tình nguyện ra khỏi Liberia, Sierra Leone và Guinea. Bộ Ngoại giao Liberia cho biết có 2 nhân viên tình nguyện nước ngoài đang được theo dõi vì tình nghi nhiễm virus Ebola.

Hai hội truyền giáo của Mỹ cũng đã ra lệnh sơ tán những người không có nhiệm vụ thiết yếu ra khỏi Liberia sau khi có một bác sĩ quê ở Texas và một nhà truyền giáo quê ở North Carolina bị nhiễm virus Ebola.

Phòng ngừa tối đa sự lây lan và tích cực điều trị càng sớm càng tốt những trường hợp bị lây nhiễm hiện là cách mà ngành y tế thế giới đang chống lại dịch chết người Ebola. Cơ quan CDC của Mỹ ngày 28-7 cho biết họ đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe ở Mỹ để tăng cường giáo dục về virus Ebola cho các thầy thuốc, cũng như hướng dẫn cho cộng động biết cách phòng ngừa lây nhiễm. Những người từng đi tới các nước Tây Phi trong vòng 3 tuần qua cần được giám sát chặt chẽ. Việc phát hiện hành khách nhiễm virus Ebola ở sân bay, nhà ga là cực kỳ khó khăn, vì căn bệnh này có những triệu chứng ban đầu giống như nhiều chứng bệnh khác, như sốt rét, sốt thương hàn,… Mỗi tuần có cả trăm chuyến bay quốc tế từ 3 nước bùng phát dịch Ebola tới các nước khu vực. Khả năng lây lan khắp thế giới cao ngất.

 140730-ebola-west-africa-flights

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 31-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

Xin mời xem clip về hiểm họa Ebola từ Tây Phi: 

 

 

 NHỮNG NỖ LỰC QUỐC TẾ CHỐNG LẠI DỊCH EBOLA Ở TÂY PHI

140730-ebola-guinea-02

Các thành viên của tổ chức Các thầy thuốc không biên giới đang chuyển một nạn nhân bị tử vong vì virus Ebola tại Gueckedou (Guinea).

140730-ebola-liberia-01

Phun thuốc sát trùng lên thi thể bệnh nhân chết vì Ebola ở Liberia.

140730-ebola-nigeria-01

Phòng ngừa Ebola tại Nigeria.

140730-ebola-sierra-leone-01

Tại Sierra Leone.

140730-ebola-guinea-01

Trại cách ly bệnh nhân Ebola tại Guinea.

140730-ebola-sierra-leone-02

Tại Sierra Leone.

140730-ebola-sierra-leone-03

Tại Sierra Leone.

140730-ebola-sierra-leone-04

Tại Sierra Leone.

140730-ebola-sierra-leone-05

Tại Sierra Leone.

140730-ebola-sierra-leone-06

Tại Sierra Leone.

140730-ebola-sierra-leone-07

Tại Sierra Leone.

140730-ebola-uk-airport-gatwick

Tại sân bay Gatwick của Anh.