Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Phía sau những toan tính trục xuất 8 triệu người nhập cư lậu ở Mỹ

illigal-immigration-us-02

 

Hàng triệu người nhập cư lậu vào Mỹ mong tìm “thiên đường” đang ngồi trên lửa trước nguy cơ có thể bị trục xuất về nước. Đành rằng trước nay khi sống ở Mỹ không có một tờ giấy hợp pháp lận lưng, họ có thể bị trục xuất bất cứ khi nào bị nhà chức trách rờ tới; nhưng bây giờ một khi những nghị sĩ đảng Cộng hòa thành công trong việc ban hành luật mới, những người nước ngoài đang sống lậu ở Mỹ sẽ trở thành đối tượng bị săn lùng ráo riết hơn.

Ngày 1-8-2014, các nghị sĩ Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện đã bỏ phiếu chấm dứt hiệu lực của sắc lệnh Hành động được hoãn lại đối với những người đến Mỹ trong tuổi thơ ấu (DACA) mà Tổng thống Barack Obama đã ban hành năm 2012. Tuy nhiên, dự luật này sẽ khó lòng trở thành luật vì chắc chắn sẽ bị bác tại Thượng viện do đảng Dân chủ nắm đa số và ngay cả khi trình lên Tổng thống Obama.

Nếu như dự luật này trở thành luật, toàn bộ khoảng 500.000 trẻ em nhập cư đang hưởng chính sách từ Tổng thống Mỹ sẽ bị trục xuất. Theo sắc lệnh đặc biệt này, những trẻ em dưới 18 tuổi khi nhập cư lậu vào Mỹ sẽ được Mỹ xem xét tiếp nhận và giao cho những trung tâm hay những gia đình Mỹ nhận nuôi theo kiểu con nuôi và hàng tháng được nhận tiền trợ cấp của nhà nước.

Trong một lần tới thăm bà chị đồng môn Trung học Kiến Tường ở Massachusetts, tôi đã được sống chung với 2 cậu bé tuổi thiếu niên thuộc dạng này, một từ Iraq và một từ Honduras qua. Nhà rộng, con cái đi làm xa, anh chị lại ở tuổi retired nên nhận nuôi những đứa trẻ nhập cư này vừa có thêm chút tiền, vừa làm việc nhân đạo. Chị cho biết quy trình xem xét của nhà chức trách nghiêm ngặt lắm chứ không phải muốn giao cho ai nuôi thì giao đâu. Rồi sau đó có cả một quy trình kiểm tra thường xuyên rất chặt chẽ. Ngoài khoản chi phí nuôi trẻ theo dạng home stay, nhà nước bao giàn hết mọi chi phí cho chúng ăn mặc, học hành, thậm chí cả tiền tiêu vặt. Có xe bus đón đưa chúng đi học hàng ngày.  

130527-phphuoc-boston-thkt-187-1024

Ngồi bìa phải là một trong 2 trẻ nhập cư được nhà nước Mỹ giao cho gia đình bà chị đồng môn của tôi ở Massachusetts nuôi.

Những người phê bình chính sách này nói rằng nó vừa là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước Mỹ, vừa khuyến khích những người nước ngoài cho con em mình nhập cư lậu vào Mỹ.

Nhưng yếu tố kinh tế lộ rõ hơn trong việc tìm cách trục xuất đạo quân nhập cư lậu lên tới 8 triệu người ở Mỹ. Dân biểu Mo Brooks thuộc đảng Công hòa ở bang Alabama nói thẳng trên chương trình truyền hình Chris Hayes của đài MSNBC tối 1-8 rằng: “Có 8 triệu việc làm ở Mỹ giờ đây đã nằm trong tay những kẻ nhập cư trái phép, đó là 8 triệu cơ hội việc làm bị lấy đi từ các công dân Mỹ”. Khi người dẫn chương trình Hayes hỏi liệu nghị sĩ này “có muốn được nhìn thấy 8 triệu người đó bị trục xuất không”, Nghị sĩ Brooks trả lời ngay: “Vâng, nếu đó là điều cần thiết để bảo vệ việc làm cho những người Mỹ. Hoàn toàn như vậy.”

Thật ra, nói đi cũng cần nói lại cho công bằng. Phần đông những người lao động nhập cư lậu đó là người Mexico láng giềng của Mỹ. Và họ mới chính là những người chịu làm những công việc lao động cực nhọc, tiền công thấp và những việc lặt vặt mà những công dân Mỹ chính hiệu thà đi đứng đường ăn xin cũng chẳng thèm làm. Có những người Mỹ thực tế nói rằng họ sẽ cực khổ và lúng túng biết bao nếu như không có đội quân lao động dịch vụ này.

Mexico Raising Arizona

Những người nhập cư lậu bị cảnh sát biên phòng Mỹ bắt giữ.

Trong thực tế, nhiều năm nay những dòng người nhập cư lậu chủ yếu từ các nước Trung Mỹ theo ngã Mexico tràn vào luôn là một vấn nạn nhức nhối đối với các đời Tổng thống Mỹ. Biên giới giáp Mexico chạy dài tới 1.933 dặm. Thậm chí những kẻ buôn lậu người còn đào những đường hầm để đưa người vượt biên. Theo Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (USCBP), từ ngày 1-10-2013 tới 30-6-2014, nhà chức trách đã phát hiện được 57.525 trẻ em dưới 18 tuổi nhập cư lậu và không có cha mẹ hay người giám hộ đi cùng. Nhà Trắng dự báo rằng trong năm 2015 sẽ có tới 150.000 trẻ em nhập cư lậu vào Mỹ. Sau khi bị nhà chức trách phát hiện, chúng bị đưa tới các trung tâm tạm giữ và sau đó ra trước các tòa án di trú, nơi chúng có cơ hội được xét cho ở lại Mỹ. Chỉ có điều, theo hai thượng nghị sĩ Jeff Flake và John McCain thuộc đảng Cộng hòa ở bang Arizona, có tới 90% số trẻ nhập cư lậu không có người lớn đi cùng đã không chịu ra tòa di trú. Hiện Mỹ có hơn 59 tòa án di trú với 243 thẩm phán có quyền phán quyết cho người nhập cư lậu nào ở lại Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Obama than phiền rằng thời gian đợi ra tòa di trú quá lâu. Theo tổ chức nghiên cứu Pew Research, quy trình xử lý hồ sơ di trú có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Ngoài ra, cái chính có lẽ như kết quả nghiên cứu của Đại học Syracuse rằng chỉ có 47,5% trong số các trẻ nhập cư lậu tìm được luật sư bào chữa là được cho phép ở lại Mỹ. Còn trong trường hợp không có luật sư, có tới 9 phần 10 số trẻ em nhập cư lậu bị trục xuất. Năm 2014, Quốc hội Mỹ duyệt cấp ngân sách 312 triệu USD cho các tòa án di trú hoạt động (tăng so với 289 triệu USD của năm trước).

Có thể thông cảm mà nói rằng khi nền kinh tế Mỹ còn khởi sắc, công ăn việc làm được bảo đảm, cuộc sống sung túc, và ngân sách nhà nước rủng rỉnh, chuyện dài nhiều tập người nhập cư lậu không trở thành gánh nặng cho nước này. Bây giờ tình hình đã đảo ngược. Chỉ có điều, khi chính phủ không thể phục hồi được nền kinh tế như mong đợi và bộ máy nhà nước phải “vay nợ” để hoạt động, người ta sẽ không “fairplay” cho lắm khi trút tội lên đầu những người nhập cư lậu.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-8-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.