Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Điện mặt trời và điện gió thân thiện và an toàn, nhưng chẳng hề rẻ

windfarm-01-uk

 

Ai cũng biết việc dùng than và xăng dầu để tạo ra điện năng là nguy hiểm cho môi trường sống lâu dài. Chúng không chỉ làm cạn kiệt dần nguồn tài nguyên thiên nhiên  mà còn thải vào khí quyển lượng khí độc hại CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Trong nhiều năm qua, thế giới đang tích cực phát triển những nguồn năng lượng thay thế thuộc dạng có thể tái sinh (renewable energy) mà đầu bảng là điện gió, điện mặt trời, rồi thủy điện … cũng như điện hạt nhân.

Một công trình nghiên cứu mới của viện tư vấn chiến lược Brookings Institution ở Washington (Mỹ) cho người ta có thêm một sự so sánh về hiệu quả kinh tế của những loại năng lượng thay thế này.

Tác giả, nhà kinh tế học Charles Frank, đã so sánh những lợi ích và những phí tổn của năng lượng có thể tái sinh. Những lợi ích từ việc không tạo ra khí thải độc hại tới tiết kiệm chi phí mua nhiên liệu. Phí tổn bao gồm chi phí xây dựng và duy trì các cơ sở phát điện. Kể cả những tình huống “triệt buộc” như gió lặng, trời tối. Kết luận của tác giả là điện gió và điện mặt trời đắt hơn tất cả.

Nếu xét về hiệu quả kinh tế, điện hạt nhân, điện từ xăng dầu và khí tự nhiên có lợi nhiều hơn điện gió hay điện mặt trời.

Các nhà máy điện hạt nhân có thể chạy được khoảng 90% công suất, trong khi các turbine điện gió chỉ đạt hiệu quả khoảng 25% và các nhà máy điện mặt trời còn thấp hơn, chỉ đạt 15% hiệu quả. Về mức giảm khí thải CO2 cho mỗi đơn vị công suất, các nhà máy điện hạt nhân đạt mức cao gấp 4 lần so với điện gió và 6 lần so với điện mặt trời. Quy thành tiền, điện hạt nhân tiết kiệm được hơn 400.000 USD trị giá chất thải carbon cho mỗi megawatt công suất, so với chỉ 69.000 USD của điện mặt trời và 107.000 USD của điện gió.

Tuy nhiên, chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân là đắt thiên hạ vô đối. Chẳng hạn, một nhà máy điện hạt nhân mới tại Hinkley Point (miền tây nam nước Anh) trị giá tới 27 tỷ USD vào lúc hoàn thành. Sau đó, chi phí hoạt động của nó gia tăng do giống như tất cả các nhà máy điện hạt nhân khác, nó chẳng kiếm được nhà bảo hiểm thương mại nào dám bán dịch vụ cho nó.

Để thay thế một nhà máy nhiệt điện (chạy bằng than) có cùng công suất, người ta phải xây dựng 4 nhà máy điện gió hay 7 nhà máy điện mặt trời. Để tạo ra 1 megawatt điện mỗi năm như ở nhiệt điện, người ta phải tốn 189.000 USD chi phí hoạt động cho điện mặt trời, và mức cao gần như vậy cho điện gió.

Nhà kinh tế học Frank nói rằng điện hạt nhân chiếm ngôi vô địch trong cuộc so sánh về tính hiệu quả kinh tế giữa các nguồn phát điện không tạo ra khí thải độc hại. Mặc dù chi phí xây dựng ban đầu đắt nhất, nhưng nhà máy điện hạt nhân đạt tính hiệu quả cao nhất và có thể hoạt động suốt ngày đêm, chẳng phải ngó trời, dòm đất hay châm thêm dầu.

Trong khi đó, nếu xét về mức độ an toàn và thân thiện với môi trường, không loại hình phát điện nào qua mặt nổi điện gió và điện mặt trời. Thôi thì vì lợi ích của muôn đời sau, ta chấp nhận trả giá cho dù đắt để bảo vệ môi trường sống.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-8-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 10-8-2014 (http://m.tuoitre.vn/)

Offshore-Windkraftwerk Anholt im Kattegat / Anholt offshore wind power plant in the Kattegat

Điện gió trên biển ở Đan Mạch.

windfarm-02 windfarm-03 windfarm-04