Khán giả nhắn tin bình phẩm phim ngay trên màn hình
Thuật ngữ “bullet screen” được dùng để chỉ loại màn hình chiếu phim cho phép hiển thị trực tiếp những lời bình phẩm của khán giả về bộ phim mà họ đang xem. Chẳng biết tại sao người ta lại gọi là như vậy, không lẽ để diễn tả việc màn hình bị khán giả “bắn lỗ chỗ vết đạn” với những lời bình phẩm của mình?
Loại hình xem phim “bullet screen” này là một ý tưởng xuất phát từ Nhật Bản. Hiện nay có nhiều website chiếu phim của Trung Quốc ứng dụng nó cho phép người xem vừa xem phim, vừa gửi những lời bình luận về phim đó qua tin nhắn, mà nội dung tin nhắm sẽ được hiển thị ngay trên màn hình.
Bây giờ, loại hình xem phim này đã lan ra tới màn ảnh rộng, được một số rạp chiếu phim tại những thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu,… ứng dụng. Hệ thống mới thiết lập của rạp sẽ lập tức cho chiếu lên màn hình nội dung tin nhắn bình phẩm của khán giả đang ngồi xem phim. Tất nhiên, nội dung này đã được kiểm duyệt để loại bỏ những yếu tố “nhạy cảm”.
Những người chủ trương thử nghiệm loại hình xem phim mới này nói rằng họ dựa trên thực tế là giới trẻ ngày nay khó lòng mà rời mắt mình khỏi màn hình smartphone hay tablet lâu hơn 5 phút. Vì thế, họ khai thác thực tế khán giả vừa xem phim, vừa xài thiết bị di động để tạo ra loại hình xem phim mới như vậy.
Trong tháng 8-2014, rạp Luxin tại tỉnh Sơn Đông ở miền đông bắc Trung Quốc đã lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống “bullet screen” với bộ phim hoạt hình 3D Trung Quốc “The Legend of Qin” được chuyển thể từ phim truyền hình và cho tới nay đã thu được tiền vé tới 9,25 triệu USD ở Trung Quốc. Rạp đông nghẹt người xem, chiếm tới 90% số ghết. Mỗi khán giả gửi tin nhắn SMS bình phẩm phim sẽ tốn 10 xu cho mỗi tin nhắn. Theo website Nanfang, đạo diễn Shen Leping của bộ phim rất hào hứng với loại hình chiếu phim mới này. Ông nói rằng: “Điều này đặt đạo diễn và người xem phim vào vị thế bình đẳng. Tôi cho rằng có nhiều ý kiến từ khán giả sẽ rất hữu ích cho các nhà làm phim.”
Loại hình chiếu phim mới này nhận được nhiều lời khen lẫn chê. Những người phản đối kêu ca rằng họ bị phân tâm khi trên màn hình xuất hiện những lời bình phẩm của người khác. Còn những người ủng hộ cho rằng đây mới thật sự là một cách xem phim tương tác và thú vị, khi người xem được trực tiếp tham gia vào những gì mình thấy trên màn ảnh.
Tất nhiên là các nhà mạng di động thì vỗ tay, khua chân ủng hộ loại hình nhắn tin khi xem phim này rồi.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 26-8-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 25-8-2014 (http://m.tuoitre.vn/)