Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Những người “lớn tiếng” chỉ là số ít trên mạng xã hội

social-media

 

Nhiều khi lên các mạng xã hội, bạn đâm ra bực mình ví những người bạn hay người thân của mình quá hăng máu đưa ra những comment ý kiến này, lời chê bai nọ, nhất là với những vấn đề chính trị hay xã hội. Phải chăng những kẻ “lớn tiếng” đó là điển hình cho dân chơi mạng? Một cuộc nghiên cứu mới lại đưa ra kết quả khác cách nhiều người xưa nay lầm tưởng.

Trong báo cáo công bố ngày 26-8-2014, Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện rằng hầu hết những người dùng thường xuyên của các mạng truyền thông xã hội là những người thật sự ít thích chia sẻ các ý kiến của mình, cho dù dưới dạng offline. Trong cuộc khảo sát với khoảng 1.800 người lớn là “thường trú nhân” trên các mạng Facebook và Twitter, khi được họi có quan tâm và ý kiến gì về vụ cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden tiết lộ các thông tin nhạy cảm về cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), một hiện tượng “im lặng đáng sợ” đã xuất hiện. Hầu hết những người được hỏi không thích bày tỏ ý kiến của mình. Họ thú nhận là xưa nay mình ngại tham gia các cuộc trò chuyện qua lại trên mạng về những vấn đề nóng bỏng.

Keith Hampton, một giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Rutgers (bang New Jersey), người giúp Pew thực hiện cuộc khảo sát này, nhận xét: “Người ta không có khuynh hướng dùng mạng xã hội cho dạng thảo luận mang tính chính trị quan trọng này.” Cuộc khảo sát của Pew tập trung vào ý muốn của những người lớn trong việc chia sẻ ý kiến của mình về chuyện Snowden hồi năm 2013 tiết lộ nhà chức trách Mỹ tiến hành những cuộc giám sát điện thoại và email của người dân Mỹ. Giáo sư Hampton nói rằng vụ Snowden cho thấy một điển hình vững chắc về một vấn đề quốc gia hệ trọng làm chia rẽ những người Mỹ.

Theo kết quả khảo sát của Pew, trong số những thần dân Facebook điển hình, tức những người mỗi ngày phải đảo qua mạng này vài ba lần, chỉ có một nửa thảo luận về vụ Snowden tại một cuộc họp mặt công cộng; trong khi tỷ lệ này là 100% ở những người không dùng Facebook. Trong khi đó, những người thường xuyên lên mạng Twitter ngày vài ba lần chia sẻ ý kiến của mình ở nơi làm việc chỉ chiếm 1 phần 4 so với những người không bao giờ vào Twitter.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng các mạng truyền thông xã hội không phải sẽ làm cho việc chia sẻ những ý kiến, đặc biệt là những ý kiến khác người, dễ dàng hơn đâu. Trong số 14% của số người Mỹ không thích thảo luận về vụ Snowden với người khác, có chưa tới 0,5% cho biết họ sẵn sàng thảo luận nó trên mạng xã hội.

Lee Rainie, Giám đốc Dự án Internet của Trung tâm Pew, cho rằng có thể là do truyền thông xã hội thật sự làm nhạy cảm hóa người dùng đối với những ý kiến khác nhau. “Bởi vì họ dùng mạng truyền thông xã hội, họ có thể biết nhiều hơn về chiều sâu của sự bất đồng ý kiến trên vấn đề này trong cái vòng contact rộng của mình. Vì thế, họ tránh nói về nó cả online lẫn offline vì sợ sẽ khơi mào một cuộc tranh cãi mới, có thể làm mất đi bạn bè.”

Rõ ràng những người thường xuyên la cà trên mạng xã hội thấm nhuần được lời khuyên của những người thông thái: chớ nên tranh cãi hơn thua về chính trị và tôn giáo, đặc biệt là khi tranh cãi gián tiếp từ xa.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-8-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 27-8-2014 (http://m.tuoitre.vn/)