Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Khi đại dịch Ebola bùng phát ở những nước quá nghèo

Liberia Ebola

 

Tổ chức y khoa quốc tế Các thầy thuốc không biên giới (MSF) ngày 2-9-2014 nhận định rằng thế giới đang “thua trận” trong cuộc chiến chế ngự virus Ebola. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc đã khuyến cáo về tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng ở những nước bị Ebola tấn công nặng nhất.

Trong cuộc họp của LHQ tại New York (Mỹ), MSF kêu gọi một sự đáp ứng khẩn cấp toàn cầu về thảm họa sinh học để tập trung đưa hàng cứu trợ và nhân sự tới Tây Phi. Chủ tịch MSF Joanne Liu nói rằng: “6 tháng lâm vào trận bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử, thế giới đang thất bại trong trận chiến chế ngự nó. Các nhà lãnh đạo đang né tránh không đối mặt với sự thật về mối đe dọa xuyên quốc gia này.” Ngay cả việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8-8-2014 đã tuyên bố trận bùng phát dịch Ebola lần này là một “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở tầm mức quan ngại quốc tế” cũng không đem lại kết quả đáng kể. Bà Liu chua chát: “Các nhà nước về bản chất đã gia nhập một liên minh toàn cầu không hành động”.

MSF kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp tài trợ thêm giường bệnh cho hệ thống các bệnh viện dã chiến ở các nước Tây Phi, chi viện thêm các nhân sự được huấn luyện và triển khai các phòng thí nghiệm di động ở ba nước “nóng nhất” là Guinea, Sierra Leone và Liberia. Ngay lúc này, theo MSF, thủ đô Monrovia (Liberia) cần có thêm 800 giường bệnh nữa.

Tình trạng vỡ hệ thống điều trị khẩn cấp đã xảy ra ở Liberia do quá tải. Stefan Liljegren, một điều phối viên của MSF ở đây, nói với hãng tin Pháp AFP (3-9-2014) rằng: “Mỗi ngày chúng tôi phải từ chối những người bệnh vì chúng tôi đã quá đầy rồi. Tôi đã phải dặn các tài xế xe cứu thương hãy gọi điện cho tôi trước khi chở người bệnh tới. Vì chúng tôi thường không đủ sức tiếp nhận thêm họ.”

Hậu quả thấy ngay trước mắt của tình trạng các trung tâm điều trị Ebola ở Liberia và Sierra Leone bị quá tải là những người nhiễm virus này đang tiếp tục phải chịu chết trong cộng đồng của mình. Nguy cơ lây nhiễm càng cao hơn. Trong một thông cáo của mình, tổ chức MSF cho biết: “Ở Sierra Leone, những xác chết có nguy cơ lây nhiễm cao đang nằm thối rữa trên các đường phố.”

Theo số liệu của WHO mà báo chí ghi nhận ngày 3-9-2014, có 3.062 người nhiễm virus Ebola, trong đó có 1.552 người tử vong. Tỷ lệ tử vong hơn 50%. Và đó là những con số do nhà chức trách ghi nhận được. Con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. Tiền tiền tiền. Điệp khúc ấy lại được các tổ chức quốc tế xướng lên. WHO lo ngại rằng sẽ mất 6 tới 9 tháng nữa để có thể kiểm soát được dịch Ebola, và tới thời điểm đó có thể có tới hơn 20.000 người bị nhiễm virus chết người này. Số kinh phí mà WHO dự trù cho cuộc chiến chống Ebola này là ít nhất cũng 490 triệu USD.

Trong khi đó, Cơ quan Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) vừa phát đi báo động về nguy cơ khủng hoảng lương thực ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Do bị ảnh hưởng bởi việc nhà chức trách tiến hành cách ly các khu vực dịch, giới hạn đi lại, người dân đã đổ xô đi mua hàng hóa dự trữ dẫn tới tình trạng khan hiếm lương thực và đẩy giá lên cao ngất. Ở Liberia, nơi bị Ebola tấn công nặng nhất, tới nay có 694 người chết, giá lương thực chính tại thủ đô Monrovia đã tăng 150% trong những tuần đầu tiên của thàng 8-2014. Có những gia đình đã phải chi tới 80% thu nhập cho khoản lương thực.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ ngày 2-9-2014 đã bắt đầu một hoạt động cứu trợ khẩn cấp để cung cấp 65.000 tấn lương thực cho 1,3 triệu người tại các vùng bị Ebola nặng nhất.

Cũng khổ, hầu hết các nước Tây Phi bị Ebola tấn công lần này vốn nghèo khổ, một số vừa thoát khỏi những cuộc nội chiến tàn phá khốc liệt chưa kịp phục hồi. Sierra Leone và Liberia nằm trong số 10 nước nghèo nhất châu Phi. Hai nước này cùng với Guinea nằm trong danh sách 20 nước nghèo nhất thế giới. Senegal cũng thuộc diện con nhà nghèo, xếp hạng tới 111 trên thế giới. Chỉ có Nigeria là có của ăn của để, là nước giàu thứ 3 ở châu Phi và thứ 30 trên thế giới.

Bi kịch ở chỗ cộng đồng quốc tế bây giờ nghèo hơn xưa do hậu quả của suy thoái kinh tế kéo quá dài. Họ lại phải gánh quá nhiều nhu cầu cứu trợ cho các điểm nóng mọc lên như nấm trên thế giới.

Nhân loại vẫn đang tiếp tục bị nhấn chìm trong cái vòng lẩn quẩn: chiến tranh – dịch bệnh – thiên tai – nghèo đói.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-9-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

140821-ebola-west-point-africa-02

Một gia đình bị nhiễm virus Ebola ở Liberia ngày 21-8-2014 đang nằm chờ bên ngoài một trung tâm điều trị đã quá tải.

Liberia Battles Spreading Ebola Epidemic

140827-ebola-west-point-africa-03