Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Ngăn chặn “Nhà nước Hồi giáo” lan rộng từ Tây Á sang Nam Á tới châu Phi

is-iraq-syria-map

 

Điều mà giới phân tích quốc tế cảnh báo về tầm ảnh hưởng ngày càng rộng của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” IS đã trở thành sự thật. Họ nói rằng: các phần tử Hồi giáo cực đoan lâu nay hoạt động khắp thế giới đang được kích thích bởi những gì IS đang làm, đặc biệt là với những “cái đầu và bàn tay sắt” của IS như chặt đầu, hành quyết tập thể,… những kẻ chống lại mình. Và các lực lượng Hồi giáo cực đoan khác cũng đang háo hức làm theo như vậy.

Sau khi chiếm được một vùng lãnh thổ rộng ở Iraq và Syria, lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) ngày 29-6-2014 đã tuyên bố thành lập “vương quốc Hồi giáo” (caliphate) và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS) với thủ lĩnh al-Baghdadi tự xưng là “vua Hồi giáo” (caliph). IS đã áp dụng luật Hồi giáo Sharia phiên bản khắc nghiệt nhất ở nơi chúng chiếm đóng và coi những người thuộc các tôn giáo khác, ngay cả với phái Hồi giáo Sunni, là những kẻ thù của mình.

Trong những ngày qua, Nam Á bắt đầu nóng lên với việc cả hệ thống khủng bố quốc tế Hồi giáo al-Qaeda lẫn IS đều đang lăm le tiến hành “thánh chiến” ở khu vực này. Thủ lĩnh al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri ngày 3-9-2014 đã tuyên bố thành lập chi nhánh Nam Á của hệ thống khủng bố này để “phất cao ngọn cờ thánh chiến” ở tiểu lục địa Ấn Độ. Hãng tin Anh Reuters (8-9-2014) cho biết: những tài liệu tuyên truyền và những lá cờ đen của IS đã thấy xuất hiện tại một số nơi ở Pakistan và Ấn Độ.

Người ta cũng hiểu việc IS từ Tây Nam Á mở rộng sang Nam Á còn để phòng ngừa khi chúng bị đánh bại ở Iraq và Syria thì vẫn còn đất dung thân.

Trong khi đó ở Nigeria (Tây Phi), lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram trong những ngày qua đã chiếm thêm được một số thị trấn dọc theo biên giới đông bắc giáp Camroon. Chúng đang theo đuổi chiến lược chiêu dụ người dân sinh sống ở các nơi chúng kiểm soát. Theo hãng tin Mỹ AP (8-9-2014), được truyền cảm hứng bởi IS ở Tây Á, Boko Haram đã đặt ra mục tiêu mới là xây dựng một “vương quốc Hồi giáo” dưới lá cờ hai màu đen trắng của chúng.

Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp IS ở Iraq và Syria, hầu hết những người Hồi giáo bình thường không hề muốn sống dưới luật Hồi giáo khắc nghiệt. Gần 26.000 người đã bỏ chạy khỏi Bama sau khi thị trấn này rơi vào tay quân Hồi giáo Boho Haram hồi cuối tháng 8-2014. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, kể từ sau khi Nigeria ban hành tình trạng khẩn cấp hồi tháng 5-2013 tới nay, có 1,5 triệu người dân đã phải bỏ nhà cửa lánh nạn tránh hiểm họa Hồi giáo cực đoan.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo thế giới đã lên tiếng lên án IS sử dụng sai trái tên gọi “Nhà nước Hồi giáo” làm sai lệch theo hướng xấu xa hình ảnh của thế giới Hồi giáo. Các ngoại trưởng Arập họp tại Cairo (Ai Cập) hồi cuối tuần qua chuẩn bị cho một cuộc họp cấp cao của Liên đoàn Arập (AL) gồm 22 nước thành viên đã thề sát cánh bên nhau và hợp tác với các nỗ lực quốc tế chống lại IS. Ngày 7-9-2014, Tổng thư ký Liên đoàn Arập Nabil el-Araby nói rằng: “Cái cần thiết là một quyết định rõ ràng cho một cuộc đối đầu toàn diện về quân sự và chính trị.” Tuy nhiên, trong nội bộ một số nước Arập gần đây đã xuất hiện những ý kiến không muốn tham gia cuộc chiến chống lại IS.

Bất chấp việc IS đã trả thù bằng cách lần lượt chặt đầu 2 con tin nhà báo Mỹ bị chúng bắt giữ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định gia tăng các cuộc không kích vào các mục tiêu của IS ở Iraq. Tính từ ngày bắt đầu chiến dịch (7-8-2014) tới nay, máy bay Mỹ đã thực hiện hơn 130 cuộc không kích chống IS. Mọi người đang chờ nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có một bài nói chuyện tập trung về IS vào ngày 10-9-2014, trước ngày tưởng niệm hàng ngàn nạn nhân của cuộc tấn công chấn động địa cầu ngay trên lãnh thổ Mỹ ngày 11-9-2001 do khủng bố Hồi giáo ra tay. Người ta hy vọng ông Obama sẽ quyết định mở rộng phạm vi các cuộc không kích chống IS sang Syria, nơi được cho là hang ổ của chúng. Lâu nay, các nghị sĩ Mỹ đã gây sức ép để Tổng thống Obama quyết dịnh như vậy, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn thoái thác với lý do cần tham vấn các cố vấn quân sự của mình. Sáng sớm 7-9-2014, máy bay Mỹ đã thực hiện những cuộc tấn công đầu tiên vào các mục tiêu IS ở miền tây Iraq (trước nay, Mỹ chỉ hoạt động ở miền bắc). Giới quan sát quốc tế cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ sắp đánh ngay “đầu con rắn IS” trên lãnh thổ Syria.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-9-2014)

+ Ảnh: Quân IS đang chiếm một vùng rộng ở miền bắc Iraq và Syria.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM 9-9-2014