Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Thấy gì khi thế giới đồng lòng chống mối đe dọa chung?

f22-raptor-02

 

Chính sự dã man và cực đoan tôn giáo thời Trung cổ của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS), hay với tên gọi tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đã khiến cho lực lượng Hồi giáo cực đoan này trở nên nguy hiểm hơn cả những tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế, đứng đầu bảng là al-Qaeda của trùm khủng bố Osama bin Laden. Cái “vương quốc Hồi giáo” (caliphate) với thủ lĩnh ISIS tự xưng “vua Hồi giáo” (caliph) cai trị bằng luật Hồi giáo Sharia phiên bản khắc nghiệt nhất buộc mọi người Hồi giáo phải tuân phục và coi mọi người không phải thần dân của nó đều là kẻ thù, và mưu đồ mở rộng vương quyền ra toàn cầu đã khiến IS trở thành mối đe dọa chung của thế giới, trước hết là các nước chung quanh Iraq và Syria. Và những hành động truy sát ở những nơi chúng chiếm được và tàn ác với những nạn nhân rơi vào tay chúng đã khiến IS trở thành kẻ thù chung của nhân loại.

Vì thế mà Mỹ đã dễ dàng hơn trong việc thành lập một liên minh quốc tế chống lại IS. Quy mô của liên minh này lớn chưa từng thấy. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24-9-2014 nói tại Liên Hiệp Quốc rằng có hơn 40 nước đã gia nhập liên minh do Mỹ đứng đầu. Ngày hôm trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry loan báo có hơn 50 nước đã đồng ý tham gia liên minh. Một tài liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cùng ngày cho biết có 62 nước (trong đó có Liên minh châu Âu EU và Liên đoàn Arập AL) đã cung cấp sự hỗ trợ cho liên minh này. Ngày 3-9-2014, EU nói rằng khối 28 nước châu Âu này “tích cực hơn bao giờ hết” đối với cuộc chiến quốc tế chống IS. Điều đáng nói nữa ở chỗ đây là lần đầu tiên các nước Hồi giáo Arập tạm dẹp qua một bên những này nọ giữa nhau để cùng chống lại một thực thể cùng tôn giáo với mình (nhưng nó không chỉ làm ô danh Hồi giáo mà còn đe dọa chính sự sinh tồn của các nước này). Trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, chỉ còn Nga và Trung Quốc đứng bên ngoài, thỉnh thoảng lên tiếng phản đối các hoạt động của liên minh này.

Mỹ đã bắt đầu không kích “có giới hạn” các mục tiêu của IS ở miền bắc Iraq từ ngày 7-8-2014. Từ ngày 22-9, Mỹ mở rộng mục tiêu sang các cứ điểm hang ổ của IS ở Syria. Sau Pháp, ngày 27-9, máy bay chiến đấu của Anh cũng bắt đầu tham gia các cuộc không kích chống IS. Úc, Bỉ và Đan Mạch cũng đã gửi những phi đội máy bay chiến đấu F/A-18 và F-16 tới tham chiến.

Phải nói rằng đây là một cuộc tấn công tổng lực vào chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tuy với danh nghĩa là chống IS, Mỹ còn nhắm vào cả al-Qaeda và nhóm khủng bố  Khorasan, một chi nhánh của al-Qaeda ở Syria mà Mỹ giám sát trong 2 năm nay. Cơ quan tình báo Mỹ cho biết Khorasan có thủ lĩnh là Muhsin al-Fadhli, 33 tuổi, một thành viên thuộc nhóm thân cận với trùm khủng bố Bin Laden. Nhóm khủng bố này đang chế tạo những loại chất nổ không thể dò tìm được bằng các thiết bị cầm tay và đang có âm mưu tấn công ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Ngày 28-9-2014, nhóm giám sát SITE xác nhận tin thủ lĩnh al-Fadhli của Khorasan đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ ở Syria.

Tất nhiên là cả IS lẫn al-Qaeda đều đã tuyên bố sẽ báo thù Mỹ và các nước tham gia liên minh. Chúng kêu gọi người Hồi giáo trên toàn cầu báo thù. Ngày 28-9, Abu Mohammed al-Golani, thủ lĩnh một chi nhánh al-Qaeda ở Syria gọi là Mặt trận Nusra, đã lên tiếng chống lại liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu mà hắn gọi là “liên minh thập tự chinh” (Crusader alliance). al-Golani tố cáo liên minh này đang chống lại người Hồi giáo phái Sunni và thề sẽ dùng mọi cách để bảo vệ người dân Syria, cũng như trả đũa các nước tham gia liên minh.

Giới quan sát quốc tế cho rằng các cuộc tấn công hiện nay của Mỹ và liên minh chỉ có giá trị tinh thần là chính. Chúng có thể triệt hạ một phần sức mạnh quân sự của IS. Nhưng như người ta trước nay vẫn khẳng định: IS không chỉ là một lực lượng, một thực thể cụ thể mà còn là đại diện cho một xu hướng Hồi giáo cực đoan. Nó không chỉ là những tay súng mà còn ở tư tưởng.

Có một thực tế là trong lực lượng IS ở Iraq và Syria hiện có hàng ngàn người nước ngoài, phần lớn tới từ châu Âu và Mỹ. Các phần tử này chính là những quả bom nổ chậm khi quay trở lại nước mình.

Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Mỹ CBS ngày 28-9, Tổng thống Obama thừa nhận các cơ quan tình báo Mỹ đã đánh giá sai khả năng chiến đấu của quân đội Iraq và mối đe dọa của IS. Như một thách thức và trả lời về sức mạnh của mình, trong khi bị Mỹ và liên quân oanh kích dữ dội, quân IS ngày 21-9 vẫn đánh chiếm được căn cứ Saqlawiyah của quân đội Iraq ở gần thủ đô Baghdad và có tin nói chúng đã hành quyết tập thế khoảng 300 binh lính Iraq. Ngày 25-9, Đô đốc Hải quân Mỹ Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho các nhà báo biết rằng IS đã tuyển mộ được hơn 1.000 tay súng thánh chiến mới từ các nước châu Á.

IS như một bóng ma. IS như một con bạch tuộc nhiều vòi. Cuộc chiến chống nó chẳng hề đơn giản và không thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-10-2014)

+ Ảnh: Ngày 22-9-2014, Mỹ đã cho máy bay chiến đấu mới nhất và mạnh nhất của mình là F-22 Raptor tham chiến tấn công các mục tiêu IS ở Syria. Đây là lần tham chiến đầu tiên của loại máy bay này sau gần 9 năm được trang bị cho Không quân Mỹ. (Nguồn: Internet. Thanks.)