Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Biển Đông sóng yên gió lặng có lợi cho ai?

SouthChinaSea-map

 

Nhìn lên bản đồ Thái Bình Dương, chúng ta thấy khu vực mà Việt Nam gọi là Biển Đông trải dài từ Singagore và Eo biển Malacca tới Eo biển Đài Loan. Chung quanh là các nước Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong đó, Việt Nam là nước có bờ biển tiếp giáp Biển Đông dài nhất, gồm toàn bộ bờ biển của mình dài hơn 3.400km.

Biển Đông xưa nay có vị trí địa – chính trị đặc biệt. Với diện tích rộng tới 3,5 triệu km vuông, Biển Đông có trữ lượng dầu khí và hải sản dồi dào. Đây cũng là tuyến đường biển tấp nập thứ 2 trên thế giới, mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa thông thương.

Vì thế, an ninh và ổn định của Biển Đông trước hết có lợi cho các nước và vùng lãnh thổ có liên quan. Và rộng ra là cho cả thế giới xưa nay vốn hưởng lợi từ vùng biển này, cụ thể là giao thương đường biển. Khi Biển Đông sóng yên, gió lặng, các bên trong khu vực có thể tập trung mọi nguồn lực của mình vào phát triển kinh tế, đặc biệt quan trọng khi thế giới đang tiếp tục chìm trong cơn suy thoái kinh tế chung. Việc hợp tác để cùng nhau vượt khó cũng suôn sẻ hơn.

islands-disputes-in-the-south-china-sea

Cũng giống như các vùng biển cận kề khép kín khác trên thế giới, với những hòn đảo nằm ở những vùng chồng lấn, Biển Đông không thể tránh khỏi những tranh chấp, nhẹ thì về quyền thông thương và kinh tế, nặng là về chủ quyền lãnh hải. Từ nhiều năm nay, các nước Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, cũng như lãnh thổ Đài Loan, đang tranh chấp chủ quyền ở đây. Ngoại trừ Trung Quốc và Đài Loan, các nước có chung Biển Đông đều thuộc Tổ chức các nước Đông Nam Á (ASEAN), có tranh chấp thì cũng ở chừng mực nào đó như giữa anh em một nhà. Dù gì họ cũng nằm chung một tổ chức. Vấn đề chỉ thực sự trở nên nóng bỏng và căng thẳng trong những năm gần đây khi Trung Quốc công bố đường lưỡi bò 10 đoạn (trước đó là 9 đoạn) do họ tự vẽ để đòi chủ quyền 90% diện tích Biển Đông, bất chấp các vùng lãnh hải của các nước trong khu vực theo công pháp quốc tế.

Cho tới nay chẳng ai còn mù mờ gì về nguyên nhân chính khiến Biển Đông dậy sóng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ một khi đã chẩn được bệnh chính xác rồi, các thầy thuốc và người bệnh có tìm ra được liệu pháp và cùng đồng lòng chữa trị hay không? Rõ ràng là bệnh quỷ phải có thuốc tiên.

south-china-sea

Biển Đông cần sự an bình để cùng nhau phát triển.

Trong chuyến thăm Đức hồi trung tuần tháng 10-2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh với các học giả Đức rằng lợi ích về an toàn, tự do hàng hải và ổn định ở khu vực Biển Đông chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, nhất là các bên trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Một lần nữa, Việt Nam thể hiện giải pháp mà mình kiên trì theo đuổi là giải quyết mọi bất đồng giữa các bên một cách hòa bình trên cơ sở luật lệ quốc tế và tất cả cùng có lợi. Điều này là giải pháp duy nhất đúng khi các bên đều cố gắng bảo vệ tới cùng các luận cứ về chủ quyền của mình. Sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu như có bên nào đặt lợi ích cục bộ lên trên hết và có hơi hướm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Trong khi chờ đợi một giải pháp như vậy, điều cần thiết trước mắt là các bên phải tự kiềm chế, không có bất cứ hành động đơn phương nào gây phức tạp thêm, đặc biệt là không đe dọa dùng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền và không làm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Cụ thể là chỉ cần các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 4-11-2002 tại Phnom Penh (Campuchia). Đáng tiếc là cho tới nay, 12 năm đã trôi qua, các bên vẫn chưa thể xây dựng được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để làm cơ sở và hành lang pháp lý giúp mọi người cùng chung sống hòa bình quanh Biển Đông. Nhưng chậm chứ không bao giờ là muộn. Chỉ cần các bên thật sự có thành ý muốn như vậy.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Singapore 29-10-2014)

+ Nguồn ảnh và bản đồ: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM ngày 28-10-2014