Intel Việt Nam có tân tổng giám đốc đầu tiên là người Việt Nam “xịn”
Trong sự kiện “Cuộc đua hiệu suất” (Performance Race) dành cho giới truyền thông công nghệ tại TP.HCM sáng 29-11-2014, Intel Việt Nam cũng đã ra mắt tân Tổng giám đốc là ông Trần Đức Trung (Jay Tran). Theo bổ nhiệm của Tập đoàn Intel toàn cầu, ông Trung sẽ đảm nhận trách nhiệm thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông qua sự hợp tác chiến lược với chính phủ và các đối tác ở Việt Nam.
Ông Prakash Mallya, Tổng Giám đốc Intel khu vực Đông Nam Á, cho biết: “Intel đã có mặt tại Việt Nam trong hơn 16 năm qua và đã đạt được những thành công nhất định trong việc thúc đẩy triển khai những tiến bộ công nghệ trong cộng đồng để làm phong phú cuộc sống của tất cả người dân Việt Nam. Đó cũng là sứ mệnh của Intel trong việc tiếp tục nỗ lực đóng góp vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục quốc gia”. Ông đánh giá: “Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng quan trọng của Intel tại khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới, tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc Jay sẽ làm tốt vai trò của mình để tiếp tục phát huy sức phát triển mạnh mẽ trong thị trường quan trọng này”.
“Tôi rất vinh dự được là thành viên của Intel – một thương hiệu luôn đi đầu trong đổi mới công nghệ,” – tân Tổng giám đốc Intel Việt Nam Trần Đức Trung chia sẻ. Ông nói: “Trong tôi đang dấy lên niềm phấn khởi mãnh liệt khi được lãnh đạo và làm việc với đội ngũ Intel Việt Nam để mang lại những giải pháp cho thị trường, phù hợp với xu thế chủ đạo của Việt Nam tập trung vào việc cải tiến công nghệ”.
Đó là phần thông tin chính thống trích từ thông cáo báo chí của Intel Việt Nam ngày 29-11-2014.
Còn từ đây trở đi là những ghi nhận trong cuộc tiếp xúc giữa ông Trung và tôi trong sự kiện Intel Performance Race sáng 29-11-2014 tại TP.HCM. Và cũng từ dòng này, tôi xin gọi Jay Tran bằng danh xưng “anh” thay cho cái chữ “ông” mang tính lễ nghi. Thực tế là nói chuyện trà dư tửu hậu, Trung gọi tôi bằng anh và xưng em. Trung kể vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, Trung là một trong những Fan của bộ đĩa phần mềm PHP Softwares rất ư là “màu mè hoa lá cành cho con nít hắn mê”. Trung khoe: “Em có cả cọc đĩa luôn.” Heyda, hóa ra Trung là một trong những “ân công” của tôi vì đã chấp nhận “vọc” những chiếc đĩa tuyển phần mềm mà tôi làm tặng cộng đồng.
Anh Trung là một người mới của Intel (về vị thế), nhưng thiệt ra là một nhân vật cũ ơi là cũ của hãng này (về mối quan hệ đối tác). Sau 2 năm đứng đầu Acer Việt Nam – một đối tác của Intel, anh Trung chuyển qua làm Tổng giám đốc Dell Việt Nam. Hồi đó, Dell toàn cầu trở nên nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, chủ yếu nhờ phương thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng. Nhờ không phải qua những tầng nấc trung gian, chi phí kinh doanh giảm tạo điều kiện cho giá bán máy tính Dell “dễ chịu hơn”. Nhưng phương thức bán hàng trực tiếp đó chỉ có ưu thế ở Mỹ, châu Âu và những thị trường mà loại hình thương mại điện tử phát triển. Còn với Việt Nam và nhiều nước khác, người tiêu dùng có tập quán tới cửa hàng tận tay sờ mó, đụng chạm và tận mắt nhìn thấy thiết bị mới quyết định mua hay không. Vì thế, trong 6 năm ở Dell Việt Nam, anh Trung đã có công xây dựng mạng lưới đại lý phân phối của Dell rộng khắp cả nước. Và kết quả kinh doanh của Dell ở Việt Nam đã khởi sắc.
Anh Trung tâm sự với tôi trước đây anh là “người đi bán máy tính”. Và để có thể bán máy tính một cách bài bản, anh đã lấy được bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học bang California (California State University, Hoa Kỳ). Mà đúng như vậy, dù ở Acer hay ở Dell, nhiệm vụ cốt tử của Trung vẫn là làm sao bán được càng nhiều máy tính càng tốt. Còn giờ đây, về nắm vị trí lãnh đạo Intel ở cấp quốc gia, Trung làm gì? Tất nhiên anh vẫn tiếp tục thi thố tài năng và kinh nghiệm bán máy tính của mình, cộng thêm phải lo bán chip xử lý và các thiết bị sử dụng chip và công nghệ Intel.
Nếu như hồi tháng 7-2012, Microsoft Việt Nam có Tổng giám đốc đầu tiên là người mang quốc tịch Việt Nam, anh Vũ Minh Trí, giờ đây Intel Việt Nam cũng lần đầu tiên có một người mang quốc tịch Việt Nam làm Tổng giám đốc. Phải chăng điều này cho thấy cả “ông lớn phần mềm số 1 toàn cầu” lẫn “ông lớn phần cứng số 1 thế giới” đều đã có một bước chuyển mới: sử dụng chính những tài năng sở tại để đảm trách các thị trường của nước đó. Thực tế thì chẳng ai có thể hiểu rõ thị trường của mỗi nước bằng chính những người đã lăn lộn từ tay trắng đi lên ở chính thị trường đó. Tất nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là các “ông lớn toàn cầu” giờ đây đã được thuyết phục bởi chính những con người Việt đã “đủ tầm”. Trung bổ sung, với Intel và các doanh nghiệp lớn khác của Mỹ, tiêu chí chọn nhân sự lãnh đạo không phải chỉ “đủ tầm” mà còn phải “đủ tâm” nữa.
Đành rằng thời kỳ nào cũng có những khó khăn riêng của thời kỳ đó, nhưng tôi nghĩ, cái ghế Tổng giám đốc Intel Việt Nam của anh Trung “nóng” hơn các vị tiền nhiệm của mình. Vào thời hoàng kim của máy tính, Intel hầu như không có đối thủ cạnh tranh tương xứng, ít nhất cũng ở thị trường Việt Nam. Nhưng khi bước sang kỷ nguyên di động như hiện nay, câu chuyện khác đi. “Lão tướng máy tính” Intel cũng chỉ là một “tân binh di động” trên thị trường mới của hiện tại và tương lai này. Sức cạnh tranh về chip và công nghệ di động cực kỳ gay gắt. Intel có những đối thủ nặng ký. Ai đó thì xin cho tôi miễn kể ra nơi đây, dù gì cũng là chuyện tế nhị. Mà thiệt ra thì ai cũng đều biết hết trọi rồi, chỉ có điều hỗng phải do tôi nói ra. Trên thị trường mới này, Intel không còn bán chip trực tiếp cho người tiêu dùng mà phải phụ các đối tác bán các thiết bị Intel Inside. Chuyện này mới thiệt tế nhị vì các hãng đối tác đâu phải chỉ làm các thiết bị sử dụng chip Intel. Mà nè, phải chăng đây cũng là một trong những lý do mà Tập đoàn Intel chọn Trần Đức Trung – một người có nhiều kinh nghiệm “bán máy tính và thiết bị”, như anh tự nhận!
Trung – Jay Tran, anh chúc em thành công trong cương vị mới hén!
Chúc ông thành công với trọng trách mới, tân Tổng giám đốc Intel Việt Nam Trần Đức Trung.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 30-11-2014)