Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Hiểm họa an toàn và an ninh từ những thiết bị bay không người lái

141208-drones-00

 

Trước đây, hễ nhắc tới thiết bị drone, người ta nghĩ ngay tới những chiếc máy bay không người lái mà quân đội và tình báo Mỹ sử dụng để theo dõi và tiêu diệt các đối tượng khủng bố ở Afghanistan, Pakistan, Iraq,… Còn bây giờ, những thiết bị bay không người lái dân dụng đang tràn ngập trên thị trường đủ loại, đủ kích cỡ. Mục đích danh chính ngôn thuận của những chiếc drone này là phục vụ cho sở thích tiêu khiển của những người đam mê điều khiển máy bay mô hình. Nhưng do những khả năng đặc biệt của chúng, thiết bị bay này đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác, trở thành một con dao hai lưỡi. Ở đây, chúng ta chỉ đóng khung ở loại thiết bị bay drone dân dụng.

141208-drones-02

Sự phản đối lớn nhất và rộng nhất đối với thiết bị bay drone này là nguy cơ xâm phạm tự do cá nhân và sự riêng tư của mỗi người. Với những chiếc drone nhỏ như con chim sẻ hay con ong, thậm chí con ruồi, có gắn máy ghi hình, nỗi lo sợ mình bị ghi hình ở bất cứ đâu, ngay cả trong phòng ngủ, ngày càng ám ảnh nhiều người. Thậm chí ở Mỹ đã xuất hiện những người chuyên săn drone để bắn hạ. Có những hãng đã chế tạo những loại súng chuyên để bắn drone.

141208-drones-01

Cảnh sát một số thành phố cũng sử dụng drone để quan sát các nơi công cộng và theo dõi nghi can. Điều này cũng khiến công chúng phản ứng vì e rằng cảnh sát lợi dụng thiết bị drone. Nhưng ngược lại, cảnh sát nhiều nơi đã cấm người ta cho drone bay gần các đồn cảnh sát. Đã có những báo cáo về việc bọn tội phạm dùng drone để vận chuyển ma túy và hàng cấm vào cho những tù nhân trong nhà tù.

141208-drones-03

Với số lượng thiết bị drone đang gia tăng nhanh chóng, giới quản lý bầu trời và ngành hàng không đang lo lắng về những nguy cơ an toàn hàng không. Bây giờ không chỉ có những con chim mà có cả những thiết bị drone đang là nỗi ám ảnh của các phi công, nhất là khi hạ cánh và cất cánh.

Hãng tin Pháp AFP (8-12-2014) cho biết, một chiếc máy bay hàng không Airbus A320 chở 180 hành khách, ngày 22-7-2014 suýt va vào một thiết bị drone ở độ cao 213 mét tại sân bay London Heathrow (Anh), một trong những sân bay tấp nập nhất thế giới. Sự cố này được xếp loại A, cao nhất trong thang nguy cơ hàng không gồm 5 bậc của Ủy ban Hàng không Anh (UKAB).

Cơ quan Quản trị Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vừa công bố số liệu cho thấy số vụ suýt xảy ra tai nạn do máy bay va chạm vào thiết bị drone đang gia tăng trong 6 tháng qua. Nhà chức trách đã ghi nhận được 25 sự cố suýt xảy ra tai nạn như vậy, phần nhiều xảy ra trong giai đoạn máy bay cất cánh và hạ cánh tại nhiều sân bay lớn ở Mỹ. Ngày 29-7, một máy bay của hãng U.S. Airways đang chuẩn bị hạ cánh tại sân bay LaGuardia (New York) đã suýt đụng phải một chiếc drone có sải cánh hơn 1,2 mét đang bay cách đó chỉ 15 mét. Hiện nay, FAA đang áp dụng lệnh cấm các chiếc drone “không thương mại” (loại chỉ để chơi, giải trí) bay cao hơn 122 mét và ở bầu trời cách các sân bay ít nhất là 8km. Riêng các chuyến bay drone có mục đích thương mại vẫn bị cấm.

141208-drones-04

Với giá ngày càng rẻ, thậm chí dưới 50 USD, loại thiết bị bay drone đang trở thành một trong những món đồ chơi quà tặng trong những dịp lễ hội, như Noel, năm mới,… Nhà chức trách nhiều nước đang nghiên cứu những quy định để quản lý chặt chẽ loại thiết bị quá nhạy cảm và nguy hiểm này. Drone là một thiết bị công nghệ cao sẽ rất hữu ích nếu được sử dụng cho những mục đích lành mạnh và tốt đẹp, đồng thời tuân thủ các quy định an ninh và an toàn cho người khác. Cảnh báo trước không bị thừa đâu.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-12-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM 9-12-2014