Năm “tử thần” 2014: 60 nhà báo sinh nghề tử nghiệp
Hình ảnh hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff bị phiến quân thánh chiến Hồi giáo của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) thảm sát hồi tháng 8 và tháng 9-2014 được coi là đại diện cho tình cảnh tang tóc mà giới báo chí thế giới phải gánh chịu trong năm 2014. Hai nhà báo này bị bọn cực đoan Hồi giáo cắt đầu một cách man rợ trong những video clip mà chúng tung lên mạng Internet. Có lẽ họ là những nhà báo sinh nghề tử nghiệp một cách kinh khủng nhất.
Theo báo cáo thường niên vừa được Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) công bố, có ít nhất 60 nhà báo đã sinh nghề tử nghiệp trên thế giới trong năm 2014. Khoảng một nửa số này hy sinh ở Trung Đông với 39% mất mạng trong các trận giao tranh hay giữa các làn đạn. Như vậy, tổng số nhà báo hy sinh trong năm 2014 giảm so với 70 người hồi năm 2013. Nhưng điều gây chú ý là số lượng nhà báo quốc tế hy sinh khi tác nghiệp trong năm 2014 đã tăng vọt một cách bất thường.
Con số nhà báo hy sinh năm 2014 có thể còn cao hơn nữa do CJP vẫn đang tiếp tục xác minh xem cái chết của 18 nhà báo khác có liên quan tới nghề nghiệp của mình hay không. Trong khi đó, tổ chức Nhà báo không biên giới (RWB) ghi nhận trong năm 2014 có 66 nhà báo sinh nghề tử nghiệp. Kết quả khác nhau là do phương pháp thống kê của mỗi tổ chức và quá trình xác minh những trường hợp còn lại vẫn chưa kết thúc.
Nhà báo cuối cùng trong “bản danh sách đen” (Black List) 2014 của CPJ là phóng viên truyền hình Zubair Hatami của Afghanistan qua đời ngày 20-12-2014 do những vết thương mà anh bị trong một cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo Taliban.
Phóng viên ảnh Đức Anja Niedringhaus cũng hy sinh ở Afghanistan do bị một sĩ quan cảnh sát bắn trong khi anh đang đưa tin về cuộc bầu cử ở nước này cho hãng tin Mỹ AP.
Có 6 nhà báo quốc tế trong số 5 nhà báo và 2 nhân viên truyền thông bị giết trong cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2001, CPJ ghi nhận có nhà báo sinh nghề tử nghiệp ở nước Đông Âu này.
Có 4 nhà báo và 3 nhân viên truyền thông bị giết chết trong khi đang đưa tin về cuộc chiến ở Dải Gaza, 5 nhà báo khác chết ở Iraq,…
Tổng cộng có khoảng 1 phần 4 trong tổng số nhà báo hy sinh trong năm 2014 là những phóng viên quốc tế đang tác nghiệp ở các điểm nóng nước ngoài. CPJ lưu ý rằng con số này tăng gấp đôi so với bình thường trước đây. Phải chăng do năm 2014 thế giới có quá nhiều biến động nóng bỏng và nguy hiểm hay là năm “xui xẻo” của báo giới?
Cho dù số nhà báo nước ngoài hy sinh tăng “đột biến”, nhưng số nhà báo sinh nghề tử nghiệp đông nhất vẫn là những nhà báo địa phương – mất mạng khi đang hành nghề ngay trên đất nước mình. CPJ nhấn mạnh tới Syria, nước chết chóc nhất cho báo giới trong 3 năm liền vừa qua. Năm 2014 có 17 nhà báo hy sinh ở đây, đa số là nhà báo sở tại. Tổng cộng có khoảng 79 nhà báo đã sinh nghề tử nghiệp ở Syria kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ ở đây vào năm 2011. Theo CPJ, bây giờ Syria đã qua mặt Philippines để trở thành nước chết chóc thứ nhì thế giới cho báo giới kể từ khi tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí quốc tế này bắt đầu thống kê về số nhà báo hy sinh từ năm 1992. Iraq cho tới nay vẫn đứng đầu thế giới là nơi có nhiều nhà báo sinh nghề tử nghiệp nhất.
Ngoài ra, ước tính có khoảng 20 nhà báo, hầu hết là nhà báo địa phương, đang bị bắt làm con tin trong tay bọn “hung thần cờ đen” IS ở Iraq và Syria. Cho tới nay đã có 2 đồng nghiệp người Mỹ đồng cảnh ngộ của họ đã bị bọn IS cắt đầu.
CPJ cho biết 3 năm qua là thời kỳ chết chóc nhất đối với báo giới thế giới.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 30-12-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có thể đọc bản trên báo Tuổi Trẻ Online.