Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Một khởi đầu buồn cho làng báo thế giới

 reporters in war-01

 

Khaled al-Washli có lẽ là nhà báo đầu tiên sinh nghề tử nghiệp trong năm 2015. Anh nằm trong số ít nhất 4 người vừa bị giết chết trong một vụ đánh bom tại Dhamar, thành phố chủ yếu của người Hồi giáo phái Shiite ở Yemen ngày 4-1-2015. Có 25 người khác bị thương.

Washli là phóng viên của kênh truyền hình Al-Masirah thuộc phong trào Hồi giáo nổi dậy Huthi của cộng đồng Shiite chiếm thiểu số ở đất nước Arập Hồi giáo vùng Tây Nam Á này. Lúc đó, anh đang dự một sự kiện của Huthi. Chi nhánh của hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda ở Bán đảo Arập (AQAP) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công mới nhất này. Ngày 1-1, một vụ đánh bom liều chết đã giết chết gần 50 người trong một lễ hội tôn giáo của Huthi tại Ibb, thành phố do phái Hồi giáo Sunni chiếm đa số.

Nghề báo xưa nay luôn bị xếp trong nhóm những nghề nguy hiểm nhất. Thế giới càng dậy sóng với bạo lực, xung đột, chiến tranh khốc liệt thì số thương vong của đạo quân truyền thông báo chí càng gia tăng. Thực tế là làng báo thế giới vừa phải trải qua một năm 2014 đầy biến cố và biến động với số nhà báo hy sinh cao chóng mặt.

Theo số liệu do Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) có trụ sở tại Brussels (Bỉ) công bố ngày 30-12-2014, số lượng nhà báo bị giết chết trong các vụ giết người có mục tiêu, đánh bom hay trên chiến trường trên khắp thế giới trong năm 2014 là 118 người, so với 105 người của năm 2013. Ngoài ra còn có 17 nhà báo khác chết trong các tai nạn hay thiên tai trong khi đang làm nhiệm vụ.

Iranian_journalists_in_West_Front_of_Iran-Iraq_War

Nhà báo Iran nhảy trực thăng xuống chiến trường. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

Châu Á vẫn tiếp tục là vùng tử địa của báo giới. Pakistan là nước nguy hiểm nhất với 14 nhà báo hy sinh trong năm 2014. Kế đó là Syria với 12 người. Ở Afghanistan và các vùng lãnh thổ Palestine, mỗi nơi có 9 nhà báo bị giết chết. Iraq và Ukraine mỗi nơi có 8 nhà báo mất mạng khi tác nghiệp. Đặc biệt với cuộc nội chiến bùng nổ từ đầu năm 2014, Ukraine đã lần đầu tiên được ghi nhận có những nhà báo quốc tế hy sinh.

Năm 2014, nhà báo thế giới không chỉ chết nhiều, mà còn bị chết thảm khốc chưa từng có. Cả thế giới đã bị chấn động trước việc lực lượng Hồi giáo cực đoan tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria cắt cổ hai con tin nhà báo Mỹ James Foley (tháng 8-2014) và Steven Sotloff (tháng 9-2014) rồi quay video phát tán trên Internet. Người ta ước tính có khoảng 20 nhà báo, hầu hết là nhà báo địa phương, đang bị bắt làm con tin trong tay bọn “hung thần cờ đen” IS.

Tuy số liệu có khác nhau do phương pháp thống kê của mỗi tổ chức và quá trình xác minh những trường hợp còn lại vẫn chưa hoàn tất, nhưng các tổ chức nhà báo quốc tế khác như Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ), Nhà báo không biên giới (RWB),… cũng đều đưa ra những con số nhà báo hy sinh ở mức cao trong năm 2014. CPJ nhấn mạnh tới số lượng nhà báo quốc tế hy sinh khi tác nghiệp trong năm 2014 đã tăng vọt một cách bất thường. Tổng cộng có khoảng 1 phần 4 trong tổng số nhà báo hy sinh trong năm 2014 là những phóng viên quốc tế đang tác nghiệp ở các điểm nóng nước ngoài, tăng gấp đôi so với bình thường trước đây.

IFJ, được coi là tổ chức nhà báo lớn nhất thế giới, nói rằng các số liệu thống kế năm 2014 là sự nhắc nhở rằng các mối đe dọa đối với nhà báo trên thế giới đang gia tăng. Họ kêu gọi chính quyền các nước đặt sự bảo vệ an toàn cho giới truyền thông báo chí lên hàng đầu.

Báo Mỹ Washington Post (4-1-2015) viết rằng: “Các nhà báo đã bị giết chết vì sự hiến thân cho sự thật.”

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-1-2015)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP.HCM 6-1-2015