Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Ngày đầu tiên của tháng 2

150201-ngaydautien-thang-2-02_resize

 

Ngày 1-2-2015 là ngày gì hén? Hả, hỏi vô duyên chưa. Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng 2 năm 2015.

Vậy tháng 2 là tháng gì? Hứ, lại lãng nhách nữa. Tháng 2 là tháng thứ hai của năm.

Huhu. Vậy là Bá Nha hỗng tìm thấy Tử Kỳ rồi. Nói theo dân công nghệ là “không rà trúng đài”.

Đây nè, ý tui muốn nhấn mạnh tô highlight gạch dưới chữ đậm font bự là:

  1. Ngày 1-2 có nghĩa ta đã tiêu phéng mất nguyên một tháng của năm 2015 rồi. Quỹ thời gian 2015 chỉ còn 11 tháng.
  2. Tháng 2 là tháng có ít ngày nhứt trong năm. Bình thường chỉ có 28 ngày (so với 30 ngày của 4 tháng khác và 31 ngày của 7 tháng kia). Bốn năm có một năm nhuận mới được 29 ngày. Trong khi năm nhuận “cõi âm” được ông Tạo khuyến mãi nguyên một tháng luân phiên (như năm Giáp Ngọ có 2 tháng 9), năm nhuận của “cõi dương” chỉ được tặng thêm 1 ngày cố định cho tháng 2. (Cách tính năm nhuận dương lịch như vầy: năm nào đem 4 số chia chẵn cho 4 là năm nhuận, nghĩa là 4 năm có một lần, năm 2016 sẽ là năm nhuận).
  3. Tháng 2 là tháng có cái ngày mà nhóc nhóc khoái, trẻ trẻ vui, sồn sồn rầu, già già sợ. Ngày gì hả? Tui thuộc nhóm “sợ” nên kị húy hỗng dám nói ra; còn nếu bị truy gắt củ kiệu quá thì tui đành nói đó là ngày “đội NÓN LÁ bán bánh TÉT”.

Tháng 2 cách đây 40 năm tui ra sao hén? Lúc đó tui đúng 18 tuổi – tuổi trưởng thành. Nhưng với tui, đó là một “tuổi vào đời dữ dội”. Thiệt sự mới lạ, hụt hẫng, rối rắm, mờ mịt và sợ hãi.

Năm 18 tuổi, tôi từng cận kề cái chết (ngó thấy mà chưa chết).

Năm 18 tuổi, tôi lần đâu tiên lội xuống ruộng và trở thành một nông dân thứ thiệt. Từ một kẻ chỉ biết chúi đầu trên trang sách, tay cầm bút sáng tác, chân luôn mang dép, tôi phải học cách làm ruộng từ A tới Z, và phải trực tiếp làm: cày bừa bằng trâu, đánh xe trâu, vắt vẻo lưng trâu, gieo lúa, cấy lúa, cắt lúa, đạp lúa, chà gạo,… và tất nhiên kể cả “bán lúa giống” – theo nghĩa đen.

Năm 18 tuổi, tôi chính thức thoát khỏi cái thời “học đòi làm người lớn” xuất phát từ năm 14, 15 tuổi. Học ra sao? Người lớn thì phải biết yêu chớ. Giàng ơi, trong những năm học trung học, tên tôi được đám bạn “tam đệ của quỷ” (nhứt quỷ, nhì ma. thứ ba học trò) dùng phấn màu viết đầy trên những bức tường của những lớp học theo motif ghép tên tôi với tên một bạn gái, gọi là cặp đôi, ghép đôi. Điều hân hạnh là tên tôi được ghép với tên nhiều bạn gái khác nhau. Điều đáng buồn là tôi “có tiếng mà không có miếng”. Người lớn thì phải biết hút thuốc. Quê tôi ở tỉnh Kiến Tường trước 1975 có món thuốc rê Tuyên Bình do những di dân miền Trung chế biến. Nhưng đô nặng lắm. Tôi chỉ dám thử học làm người lớn bằng những điếu thuốc Light có cán (như Salem, Newport,…) hương bạc hà trong những gói 4 điếu kèm theo khẩu phần dã chiến C của lính Mỹ. Thuốc nhẹ hẫng, thích hợp cho phụ nữ, vậy mà tôi bập bập mấy cái – chớ dám thở bằng mũi đâu – đã ho sặc sừ. Thôi thì muốn làm người lớn phải chịu trả giá. Người lớn còn phải biết uống rượu. Quê tôi có món rượu đế Bắc Chan trứ danh. Có những tối cuối tuần, mấy thằng bạn rủ nhau ra ngồi gốc cây cột cờ trước chợ Cá bên bờ sông Vàm Cỏ Tây nhâm nhi khô cá lóc nướng với xị rượu đế. Rượu cay xé miệng, nhưng để có thể làm người lớn, tôi phải nhấp nhấp môi chỉ để lấy cớ mà “phá mồi”.

Vậy mà tháng 2-2015 đã là 40 năm tôi trở thành người lớn theo luật định – người lớn có “pa-tăng” (patent), người lớn có “li-xăng” (licence).

Tháng 2 có cái ngày ở giữa tháng mà theo truyền thống năm nào tôi cũng phải chủ động lặn thiệt sâu, ít nhứt là 24 giờ, qua ngày 15-2 mới dám trồi lên. Lý do là nếu bắt chước thiên hạ tặng quà cho ai ai đó, tôi không những phá sản là cái chắc, mà còn phạm tội gây ra chia rẽ, mất đoàn kết trong khu dân cư và cộng đồng thế giới! Ôi, cái bi kịch của kẻ tấm lòng vô hạn, mà hầu bao hữu hạn.

Tháng 2 được kết thúc bằng cái ngày thôi nôi của tôi. Phải chi cũng vào ngày cuối cùng của tháng 2, nếu như mẹ tôi sanh tôi sớm một năm thì 4 năm mới có một ngày sinh nhựt hén. Đây cũng là ngày lặn sâu thứ hai của tôi trong tháng 2. Thường năm thì trước ngày “chính nhựt” vài ngày, tôi quảy balô ra khỏi Saigon để cho mọi người có liên quan khỏi phải bận tâm và tôi khỏi làm phiền người khác. Còn nếu không thể đi đâu thì đó là ngày tôi chun vô hang động, độc cư thiền tịnh, treo phía trước cửa hang một mớ biển: “miễn chiến bài”, “miễn tiếp khách”, “không phận sự miễn vào”, “Do Not Enter”, “Do Not Disturb”,… Còn cái cửa động được tôi cẩn thận và chu đáo chặn bằng một chiếc bàn thiệt dài và thiệt rộng…

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-2-2015)