Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Thách thức đầu năm cho nước Nhật và cả thế giới

isis-japan-victims

Hai con tin Nhật Bản Kenji Goto (bên trái) và Haruna Yukawa.

 

Những ngày này, Nhật Bản đang bị nhận chìm trong bầu không khí đau buồn, phẫn nộ và nhiều cảm xúc lẫn lộn. Hai người đồng hương của họ đã lần lượt bị bọn cực đoan Hồi giáo tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Iraq và Syria cắt đầu hành quyết sau khi bị chúng bắt làm con tin.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 1-2-2015 đã thề “chúng tôi không bao giờ tha thứ cho bọn khủng bố” sau khi IS tung lên Internet đoạn video ghi cảnh chúng hành quyết con tin Kenji Goto, một nhà báo 47 tuổi. Trước đó một tuần, IS đã cắt đầu con tin Nhật Bản đầu tiên Haruna Yukawa, 42 tuổi – người bị bắt làm con tin ở Syria hồi giữa năm 2014.

2015-is-japan-Kenji Goto-01

Con tin Kenji Goto và tên đao phủ IS.

 

Liệu Nhật Bản có thể làm được gì? Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai với sự đầu hàng của quân phiệt Nhật Bản, đất nước châu Á này đã tuân thủ bản hiến pháp hòa bình do Mỹ – nước đại diện cho phe Đồng minh thắng trận, soạn thảo năm 1947, dồn hết mọi tâm lực cho việc tái thiết và phát triển đất nước. Hiến pháp này hạn chế các hoạt động quân sự của Nhật Bản, cấm nước này duy trì lực lượng quân đội. Đó là lý do mà dù có đủ hải lục không quân, các lực lượng vũ trang của Nhật Bản chỉ mang danh xưng Lực lượng Phòng vệ. Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản nêu rõ: “vĩnh viễn từ bỏ quyền lực nhà nước về việc phát động chiến tranh, từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế…. Nhật Bản không công nhận quyền giao chiến (với nước khác) của nước mình.” Mãi tới những năm gần đây, Nhật Bản mới thành lập Bộ Quốc phòng. Từ những năm 1990, nước này bắt đầu kế hoạch vận động sửa đổi hiến pháp, chủ yếu để không còn bị trói tay trói chân nữa, có thể tăng cường vị thế và vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế, không phải chỉ là nền kinh tế số 2 thế giới vào lúc đó. Trong các nhiệm kỳ làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe cho thấy quyết tâm cao của mình trong việc thúc đẩy kế hoạch này. Năm 2007, Hạ viện do liên minh cầm quyền của ông Abe chiếm đa số đã thông qua đạo luật cho phép chính phủ tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp. Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Abe (trở lại cầm quyền sau chiến thắng tại cuộc bầu cử tháng 12-2012) đã tuyên bố tiến hành việc sửa đỗi hiến pháp. Việc sửa đổi này sẽ hướng vào các trọng tâm là tăng cường các chính sách an ninh và cải cách hệ thống giáo dục.

Vì thế, vào thời điểm hiện nay, ngoài lực lượng chỉ có khả năng phòng vệ, Nhật Bản còn vướng hiến pháp không thể trực tiếp đưa quân ra nước ngoài tham chiến. Hôm 1-2-2015, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để bắt chúng (IS) phải trả giá cho các tội ác của chúng.” Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết nước này sẽ thực hiện các biện pháp triệt để nhằm bảo đảm an toàn cho các công dân Nhật Bản ở trong và ngoài đất nước. Như vậy, điều cụ thể mà Nhật Bản làm được để “báo thù” chống lại bọn IS là chia sẻ tin tức tình báo, cung cấp phương tiện và tài chính cho các nước khác trong cuộc chiến chống bọn cực đoan khủng bố Hồi giáo. Nhật Bản chỉ có thể làm như vậy và cộng đồng quốc tế cũng chỉ cần như vậy.

Tất nhiên sẽ còn nhiều tranh cãi về việc chính phủ Nhật Bản, hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, kiên quyết từ chối trả cho IS 200 triệu USD để đổi lấy mạng sống hai con tin Nhật Bản. Cũng như Mỹ và nhiều nước phương tây khác, Nhật Bản luôn tuyên bố nhà nước họ không thương thảo với bọn khủng bố.

150202-is-japan-jordan-hostages-crisis

Bốn nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng con tin đầu năm 2015, từ trái qua: Haruna Yukawa, Kenji Goto, Mu’adh al-Kaseasbeh, và Sajida Mubarak Atrous al-Rishawi. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

 

Bây giờ, người ta, đặc biệt là người dân Jordan, đang hồi hộp chờ coi số phận của Mu’adh al-Kaseasbeh, viên phi công Jordan 26 tuổi bị IS bắt làm con tin hồi tháng 12-2014 khi chiếc chiến đấu cơ F-16 của anh rơi xuống vùng do IS chiếm đóng ở Syria trong khi tham gia các cuộc không kích của liên minh chống IS. IS đã đưa số phận của al-Kaseasbeh ra đánh cược với yêu sách đòi Jordan phải thả nữ tử tội Sajida Mubarak Atrous al-Rishawi, kẻ đánh bom liều chết bất thành người Iraq 44 tuổi, bị Jordan tuyên án tử hình vì tham gia vụ đánh bom khách sạn giết chết 60 người năm 2005. Chính quyền Jordan cuối cùng đã đồng ý đổi al-Rishawi lấy phi công của mình và nhà báo Nhật Bản Goto, trong khi bọn IS chỉ muốn đổi một mình Goto. Sau khi Goto bị thảm sát, Jordan yêu cầu IS phải chứng minh phi công al-Kaseasbeh vẫn còn sống.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-2-2015)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM ngày 3-2-2015