Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Nhìn nhau là anh em chung một Quốc tổ Hùng Vương

150427-gioto-hungvuong-thpt-hungvuong-sg-10_resize

 

Hôm nay thứ Ba ngày 28-4-2015 trên, mùng 10-3 Ất Mùi dưới, trùng với câu ca dao:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày giỗ chung của tất cả mọi người có gốc gác Việt trên toàn thế giới. Sự kiện này ngày càng thêm đông vui khi các cụ tổ Việt ngày càng thêm con đàn cháu đống. Nó là một sự kiện toàn cầu cho dù không được công nhận tầm cỡ quốc tế. Cùng với hơn 90 triệu người trong nước (dân số Việt Nam vào năm 2014 là 90,5 triệu người), còn có hơn 3 triệu Việt kiều đang sống ở hơn 90 nước (trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc).

Chim có tổ, người có tông. Cây có cội rễ, người có tổ tiên. Chân lý đó chính là cái nền tảng để mọi người Việt quy về một mối. Cho dù ở đâu, giới tính nào, hiện đang mang quốc tịch nào, thuộc sắc tộc nào, theo tôn giáo nào, có chính kiến ra sao, tất cả những người có gốc gác Việt đều chung một tổ tiên, nguồn cội. Có nghĩa tất cả đều là anh em của nhau. Nếu như nhân tố đồng bào chung một trứng của Mẹ Âu Cơ – Cha Lạc Long Quân là huyền thoại, nhân tố cùng một Quốc tổ Hùng Vương là một chính sử. Cả hai nhân tố này như máu và thịt hòa quyện vào nhau hun đúc nên tình cảm dân tộc Việt thiêng liêng.

Quả là một sự trùng hợp nhiều ý nghĩa khi ngày Giỗ Tổ năm nay trùng vào dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện 30-4 (1975/2015). Cho dù cho tới nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối nghịch, về sự kiện này, kể cả cách gọi tên nó, tùy theo não trạng và vị thế của từng người đối với sự kiện này, nhưng có một ý nghĩa chung mà không ai có thể phủ nhận được, đó là một sự kiện lịch sử của dân tộc, kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam huynh đệ tương tàn khiến hàng triệu người thương vong, thống nhất giang sơn thành một nước Việt Nam gồm cả 3 miền Nam Trung Bắc như trước ngày 20-7-1954. Chỉ nội 2 điều đó đã đủ để cả dân tộc Việt vui mừng, cho dù nhiều triệu người đã phải trả những cái giá riêng chẳng rẻ chút nào. Một ngày chiến tranh luôn trị giá bằng nhiều sinh mạng.

Sự trùng hợp giữa ngày Giỗ Tổ và kỷ niệm 30-4 càng làm rõ hơn và thôi thúc hơn nhu cầu hòa hợp, hòa giải dân tộc. Đặc biệt là thời gian 40 năm đã quá đủ để làm lành các vết thương của cuộc chiến. Đáng tiếc cho cụ Tổ Hùng Vương là cho tới nay, ở cả hai phía vẫn còn có những con cháu cụ nếu không “thù dai” thì cũng chưa rũ nổi gánh nặng quá khứ. Chúng ta không nên quên quá khứ, nhưng phải khép lại quá khứ thì mới có thể nhìn thấy tương lai.

Trong cầu truyền hình Mùa Xuân Đầu Tiên do VTV1 thực hiện tối 27-4-2015, lần đầu tiên trong 40 năm nay, tôi được nghe hầu hết (không phải tất cả) các người dẫn chương trình và người phát biểu gọi đúng tên của những đối tượng lịch sử. Vị cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp và là một thành viên của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Paris đã gọi một cách minh bạch và sòng phẳng là “cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Dân tộc Việt Nam không chống, không thù địch với dân tộc Pháp hay dân tộc Mỹ. MC Hoài Anh ở đầu cầu TP.HCM và những người đọc thuyết minh không còn gọi “ngụy quân, ngụy quyền” mà là “quân đội Việt Nam Cộng hòa”, “Việt Nam Cộng hòa”. Đáng tiếc là anh chàng MC Anh Tuấn ở đầu cầu Hà Nội vẫn “hiên ngang chống Mỹ” (mong chỉ do anh quen miệng).

Hy vọng rằng, trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương lần thứ 39 sau ngày Việt Nam kết thúc chiến tranh huynh đệ tương tàn và thống nhất đất nước, con dân Việt trên toàn thế giới thật sự nhìn nhau như anh em chung một tổ tiên. Nếu ai chưa làm được điều đó, xin đừng ngó mặt Quốc tổ làm gì, Ngài mắc cỡ và giận đó à nghen!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 28-4-2015)

+ Ảnh: Lễ Giỗ Tổ tại trường Trung học Phổ thông Hùng Vương (TP.HCM) sáng ngày Tiên thường 9-3 Ất Mùi.