Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Tiếng khóc mới của Nguyễn Du

truyenkieu-02

 

Hầu như bất cứ thành phố lớn nào ở Việt Nam cũng đều có con đường mang tên Nguyễn Du. Như vậy, có thể nói, họ Nguyễn lãng “Du” khắp nơi trên quê hương. Tuy nhiên tên con đường chẳng gợi lên một chút tưởng niệm nào về một người đã khuất. Nhắc đến Nguyễn Du, người ta chỉ liên tưởng đến tiếng khóc đứt ruột mới (Đoạn Trường Tân Thanh – ĐTTT). Một nỗi buồn không phải vọng lại từ quá khứ mờ nhạt, hay một ám ảnh trừu tượng trong văn học, nhưng rất hiện sinh đang xảy ra ngoài đời và trong nội tâm.

Ai cũng biết ĐTTT là tên một cuốn tiểu thuyết, nhưng giá trị của nó đã vượt xa tầm vóc của chính nó. Từ khi nó ra đời, đã hơn hai thế kỷ qua, đến nay vẫn còn nhiều người gắng công vén tấm màn che những ẩn số trong nó, chẳng hạn Thích Nhất Hạnh với “Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán”, Lưu Trọng Lư với “Đi giữa những trang Kiều”… Có thể nói những ẩn số là những công án đạo lý Nguyễn Du gửi cho đời.

Cầm cuốn ĐTTT, chúng ta thấy ngay cái ẩn số khởi đầu. Đây là một tác phẩm thuần chữ Nôm, tại sao tựa đề lại thuần chữ Hán? Điều nghịch lý này đã khiến nhiều người ngứa mắt. Họ tự ý đổi tựa sách là “Truyện Kiều” cho trọn vẹn Nôm. Lại nữa, “tân thanh” theo nghĩa đen là “tiếng nói mới”. Nhiều người thật thà cho rằng Nguyễn Du viết lại cuốn “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, nên “tân thanh” nghĩa là ấn bản mới. Rồi họ nghiêm chỉnh đổi tên ĐTTT thành “Kim Vân Kiều Tân Truyện” cho đúng phép. Những người đổi tên ĐTTT vì họ thấy công trình của Nguyễn Du chỉ là cuốn tiểu thuyết viết về cô Kiều. Thế là trái với dụng tâm của tác giả vì cái chủ ý “đoạn trường” và “tân thanh” bị gạt bỏ đi. Nguyễn Du đâu muốn giới hạn “tân thanh” của mình vào truyện cô Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Một cuộc tình ngang trái xảy ra ở đâu đó, dù có lâm ly bi đát đến đâu, cũng chỉ là một truyện hư cấu. Nguyễn Du nói, với câu truyện như thế, nó chỉ đáng được đọc để giải trí.

Lời quê chép nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Tác giả kín đáo nói đến chủ đề “tiếng khóc đứt ruột mới” mà chữ Hán là tấm màn che. Kiều chỉ là chất liệu cho Nguyễn Du mượn cớ để trình bày một nỗi buồn. “Tân thanh” là tiếng kêu thảng thốt mới của cuộc thám hiểm vào tâm hồn con người. Nó luôn luôn mới, vì nó là tiếng khóc hiện sinh của ngày hôm nay. Vì vậy ĐTTT là chủ đề về một nỗi buồn đứt ruột mà Nguyễn Du gợi ra cho người hiện đại.

truyenkieu-03
Chúng ta hãy nhìn lại những tác phẩm văn chương đoạt giải Nobel như The Old Man and the Sea (Ông già và biển cả) của Ernest Hemingway. Cả cuốn truyện chỉ có một nhân vật là lão câu cá ở vịnh Cuba, Of Mice and Men (Của lũ chuột và người) của John Steinbeck. Truyện kể về hai tên di dân nghèo ở Salinas, một thị trấn nhỏ xíu trong bang California, vào thời kinh tế khủng hoảng. Cả hai truyện đều đóng khung trong một giới hạn không gian và thời gian chật hẹp. Nhưng giá trị của chúng không dính líu gì đến cái thời điểm hạn hẹp đó, mà nằm nơi tư tưởng nói về ý chí phấn đấu và tình yêu của con người. Chủ đề này tác giả mở rộng ra cho mọi thời. Tư tưởng của Nguyễn Du trong ĐTTT cũng vậy. Tư tưởng của những nhà văn lớn không trụ vào một hoàn cảnh hư cấu. Họ hoàn thành một quan điểm vừa bao hàm đối tượng cũ nhưng cũng ăn khớp vào đối tượng của ngày hôm nay.

Xã hội của ĐTTT là một xã hội đầy áp bức và độc ác. Giới quan quyền như Hồ Tôn Hiến là sự ác. Lớp người như Sở Khanh là giai cấp cộng tác với sự ác. Tú bà là giới khai khác những nạn nhân cùng đường. Từ Hải tượng trưng cho giấc mơ của những tâm hồn bất khuất muốn chống lại sự ác. Mặc dù Từ Hải không lật ngược được tình thế khiến bị giết, nhưng vẫn chết oai hùng. Kiều là hạng dân đen, những người bị giới độc ác nhấn đầu xuống đống rác. Hơn nữa, Kiều không những là dân đen, lại là cô gái tài sắc vẹn toàn, sống trong một xã hội như thế, nên “tài mệnh tương đố” là điều bất hạnh tất nhiên.

Nhưng Kiều không chấp nhận như thế. Những mối tình của Kiều đã chứng tỏ nàng cố gắng ngoi mặt lên và nỗi thèm khát hạnh phúc. Không may tất cả những cố gắng ấy đều bị thất bại. Cùng đường nàng chọn con đường quyên sinh để thoát khỏi định mệnh, chứ không chịu đầu hàng. Rốt cuộc định mệnh không phải là một nút thắt khép kín. Nguyễn Du cho Kiều ôm số phận, hay sứ mạng, “tài mệnh tương đố” để làm chứng nhân lột trần bộ mặt thật của một xã hội tham lam độc ác hủ lậu và đàn áp. Nguyễn Du muốn Kiều hiện diện như một sứ giả nhắc nhở cho chúng ta biết đang có tiếng khóc mới, từ những bất công mới. Nỗi buồn trong ĐTTT không là bản thương ca về tình trai gái nhưng là nỗi buồn về thân phận con người.

Trong nỗi buồn đó, Từ Hải là hình ảnh của hy vọng trong vô thức, là niềm vui nằm trong giấc mơ. Nguyễn Du có những ước vọng chưa thành cho xã hội đầy nghịch cảnh của ông. Đã có lần ông nói, “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.” Hôm nay chẳng ai khóc, nhưng 300 năm sau thì sao? Đây là lời than hay một ước vọng mong manh gửi cho người đời sau.

Rồi chính Nguyễn Du đã gợi ra câu trả lời cho ước vọng của mình. Sống trong những thảm cảnh đến phải đau lòng đứt ruột, con tim Kiều vẫn trong sạch hướng về ánh sáng của hy vọng. Chính sống trong đau khổ mà Kiều, hay con người nói chung, thức tỉnh về đạo.

Thiện tâm ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Tài và đức tạo nên phẩm giá con người, nhưng có tài mà không có đức thì con người sẽ là thứ ác nhân ích kỷ. Suy ra đức nặng hơn tài. Xin đừng cậy quyền cậy thế, đừng áp bức, đừng vô cảm, nhưng hãy có lòng cảm thương, hãy trở về với thiện căn. Ngụy trang trong ngôn ngữ của Kiều, Nguyễn Du đã nói như thế.

Vì vậy cái quan trọng không phải Kiều đau khổ, nhưng là cái nguyên nhân đã tạo nên đau khổ. Nếu cái nguyên nhân ác vẫn còn thì hệ lụy là những cơn đau đứt ruột vẫn còn. “Chữ tâm” là chân lý giải cứu “đoạn trường”. Nguyễn Du đã viết ĐTTT để nói lên một giá trị ưu việt của nhân bản. Con người phải thức tỉnh nếu không những người mang tên Kiều ngày càng nhiều và xã hội sẽ tan vỡ vì thiếu tình đồng cảm.

Nhưng thật là vô cùng thiếu sót khi chỉ thấy ĐTTT qua những chiều hướng xã hội, triết lý, hay lịch sử… Nếu ai không thấy ĐTTT trước hết là một tập thơ, người đó đã phạm tội lớn. Thực tại xung quanh giúp tác giả tư duy, nhưng dùng chữ nghĩa cách nào để phơi bày mối tư duy để thành một kiệt tác là công trình của bậc thiên tài. Nguyên Du là bậc thiên tài hiếm có.

Trong khuynh hướng văn học mới, tác giả cho nhân vật chỉ là người quan sát để cung cấp vật liệu. Quyền trực diện với tư duy, tác giả dành cho độc giả. Tuy Nguyễn Du thuộc về thời cổ điển, nhưng ông lại rất gần với lối diễn tả mới như vậy. Ông không kể chuyện, nhưng chọn những dữ kiện để thể hiện một bức tranh ấn tượng mà chữ nghĩa là nét vẽ. Chữ của ông vắn tắt như thơ Haiku, cô đọng nét điển tích, nhưng lại bình dị theo thể lục bát của ca dao.

truyenkieu-01

Nếu chỉ được chọn hai câu lục bát để giới thiệu tài năng của Nguyễn Du, tôi chọn hai câu tả âm thanh của tiếng đàn. Bởi vì cả một dòng đời của Kiều có thể được tóm lược trong hai hoạt cảnh gảy đàn. Lần thứ nhất Kiều đàn cho Kim Trọng nghe, khi hai người gặp nhau lần đầu:

Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như nước suối mới xa nửa vời

Đọc câu thơ này, tức khắc tâm hồn chúng ta lạc vào một cảnh thần tiên vừa đẹp vừa thanh tao. Cánh cửa lòng mở ra và tiếng đàn là lời mời người tình đi vào. Tác giả không phân tích tâm lý mà chỉ nói đến âm thanh tiếng đàn. Nhưng âm thanh độc giả không thể nghe mà thật sự chỉ là chữ viết. Chữ viết không nhiều, chỉ vài chữ giản dị gợi hình. Trí độc giả tự vẽ ra hình ảnh của chủ đề rồi trực giác cái nội dung sâu sắc ẩn tàng trong con tim mới biết yêu. Đó là yếu tính của thơ. Ngôn ngữ của thơ chính là sự sáng tạo.

Lần thứ hai Kiều gảy đàn cho Kim Trọng khi hai người tái ngộ sau 15 năm cách biệt. Lúc ấy cả hai đã trở thành cố nhân:

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông (*)

(Duềnh quyên là vùng nước biển sáng đẹp. Lam Điền là tên ngọn núi ở Thiểm Tây, nơi tương truyền có nhiều ngọc quí.)

Câu thơ trên diễn qua văn xuôi: tiếng đàn có nốt cao, thanh trong như hạt ngọc trai, lóng lánh tựa giọt nước mắt vui, trên bãi biển nên thơ. Tiếng đàn có nốt trầm, ấm như ánh nắng trên núi Lam Điền, đang sưởi ấm những hạt ngọc để chúng đông lại.

Chúng ta đang chứng kiến lối diễn tả cổ điển của nền văn chương bác học, nhưng đã được Nôm hóa. Nguyễn Du đã dùng chữ Nôm để thăng hoa ngôn ngữ Việt. Trong văn xuôi, kết cấu câu chuyện là chính. Trong thơ, từ ngữ là chính. Từ ngữ đã hóa thân thành những hình ảnh ấn tượng để con người đi vào cõi vô ngã, giao cảm với tâm hồn giữa người với người. Tiếng rung của dây đàn có khả năng nối kết hai tâm hồn. Những âm thanh, hay hai tâm hồn, ấm áp trong cuộc đoàn viên. Đối với Kiều, gặp lại Kim Trọng, tâm hồn nàng hoàn toàn hồi sinh. Cái định mệnh nghiệt ngã tan đi và nàng được giải thoát. Đối với Kim Trọng, cái bóng của quá khứ mang định mệnh chia ly đã niêm phong. Kiều bạc phận không còn nữa mà chỉ còn Kiều hiện thực của con tim đang ngồi đây. Nguyễn Du nói vừa đủ để cho độc giả nhận ra như thế.

Với nghệ thuật dùng chữ đẹp đẽ và quí phái, với tư tưởng của triết lý và đạo lý, ĐTTT là một thi phẩm vượt thời gian. Thơ của Nguyễn Du là bức tranh vẽ bằng những màu sắc rất công phu mà chỉ những bậc kỳ tài như ông mới thành công. Vì vậy ĐTTT không bao giờ tĩnh lặng để lui vào quá khứ.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

GS Việt Văn Trung học Kiến Tường (trước 1975)

(California 5-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

——-

(*) Nguyễn Du lấy ý trong bài thơ “Cầm Sắt” của Lý Thương Ẩn:

Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.

Biển xanh trăng sáng hạt ngọc như giọt nước mắt

Núi Lam Điền trời nóng hạt ngọc bốc thành hơi

Đây là câu thơ buồn với nước mắt chia ly trong cảnh vĩnh biệt (ngọc tan thành hơi). Nguyễn Du chỉ mượn những hình ảnh này, như lối sử dụng điển tích, để diễn tả nỗi vui mừng đoàn tụ theo ý của mình.