Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Vì sao lại có hệ thống định vị BeiDou trên Bphone?

gps-satellite-tracking-system

 

Hiện nay, tính năng định vị toàn cầu GPS đã trở thành một tiêu chuẩn không thể thiếu trong các điện thoại di động nói chung, không phải chỉ có điện thoại thông minh. Ngay cả các thiết bị thông minh có thể đeo được (wearables) cũng phải tích hợp tính năng này. Xe cộ, tàu thuyền, máy bay không thể không có. Thiết bị hộp đen hành trình mà xe chở khách ở Việt Nam gắn cũng thuộc loại này. Xe đạp, xe gắn máy, ngay cả con người (đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ em) cũng được người cẩn thận trang bị GPS. Các nhà phiêu lưu mạo hiểm, dân phượt không dám bước chân ra khỏi nhà nếu thiếu thiết bị GPS.

Vậy thì GPS để làm chi mà dữ dằn vậy? Nó là cái lõi phục vụ cho các tảc vụ tìm kiếm và dẫn đường.

 

 

3 HỆ THỐNG ĐỊNH VỊ CHÍNH CỦA THẾ GIỚI

 

GPS (Global Positioning System) chính là hệ thống định vị toàn cầu. Dựa vào các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất, nó cung cấp các thông tin về vị trí và thời gian trong bất cứ điều kiện thời tiết nào, ở bất cứ nơi nào trên hay gần Trái đất miễn là thỏa được điều kiện ắt có và đủ là nằm trong tầm bắt sóng không bị che khuất của từ 4 vệ tinh GPS trở lên (càng được nhiều vệ tinh ngó thấy thì càng chuẩn không cần chỉnh). Các chip GPS hoạt động mình ên, chỉ cần có năng lượng là hì hục và cần mẫn nhận sóng trực tiếp từ các vệ tinh. Già trẻ trai gái, giới quân sự hay dân sự, dân làm ăn thương mại đều hưởng lợi từ GPS để tăng thêm khả năng và sức mạnh của mình.

GPS là một dự án được chính phủ Mỹ khởi động từ năm 1973 nhằm khắc phục những hạn chế của các hệ thống hoa tiêu dẫn đường (navigation system) trước đó. Bộ Quốc phòng Mỹ được giao phát triển hệ thống GPS, ban đầu với 24 vệ tinh định vị. GPS hoạt động đầy đủ chức năng từ năm 1995. Hiện nay, chính phủ Mỹ duy tu bảo dưỡng GPS, cung cấp miễn phí cho bất cứ ai trên thế giới có thiết bị GPS. Năm 2000, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn dự án hiện đại hóa mới nhất cho GPS, gọi là GPS III. Trong các gói phát triển từ năm 1978 tới nay, Mỹ đã lần lượt phóng cả thảy 65 vệ tinh GPS và hiện nay còn 32 chiếc đang làm nhiệm vụ. Trong 3 gói kế hoạch tương lai (bắt đầu từ năm 2016), Mỹ sẽ phóng thêm 36 vệ tinh nữa.

Chính nhờ cái tính cách “bao đồng”, “vác tù và hàng tổng”, “ôm rơm nặng bụng” hay “hào sảng” của Mỹ mà cả thiên hạ được nhờ.

How_GPS_Works

Để bổ sung cho GPS, cũng như để có “của riêng” mình – không muốn lệ thuộc vào Mỹ, một số nước cũng đã phát triển những hệ thống định vị vệ tinh riêng, như hệ thống vệ tinh dẫn dường toàn cầu GLONASS của Nga, Galileo của Liên minh châu Âu (EU), hệ thống vệ tinh định vị khu vực IRNSS của Ấn Độ, BeiDou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc, QZSS của Nhật Bản.

Xếp sau GPS của Mỹ là GLONASS của Nga. Hệ thống này được phát triển từ năm 1976 dưới thời Liên Xô cũ. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, hệ thống này dần dần hụt hơi và tới cuối thập niên 1990 thì coi như tắt đài. Tới năm 2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu cho phục hồi lại GLONASS. Vào năm 2010, hệ thống định vị này đã bao phủ được 100% lãnh thổ Nga và từ tháng 10-2011, nó phủ toàn cầu. Vào đầu tháng 12-2014, trong số 27 vệ tinh GLONASS thế hệ M (bắt đầu được phóng từ năm 2003) đang ở trên quỹ đạo, có 24 cái đang hoạt động. Ngoài số vệ tinh còn lại đang duy tu, sửa chữa, Nga còn phóng 2 vệ tinh GLONASS thế hệ K mới nhất đang trong giai đoạn thử nghiệm (phóng từ năm 2011).

Hệ thống định vị toàn cầu lớn thứ ba hiện nay là Bắc Đẩu (BDS) của Trung Quốc. Nó vẫn còn trong quá trình xây dựng. Được thử nghiệm từ năm 2000, tới nay, BDS đã phủ lãnh thổ Trung Quốc và một số khu vực láng giềng. Từ thế hệ BDS đầu chỉ phục vụ nội địa, thế hệ thứ hai mang tầm toàn cầu gọi là COMPASS hay BeiDou-2 đã được Trung Quốc thực hiện với mục tiêu bao trùm toàn cầu bằng 35 vệ tinh. Vào tháng 12-2011, với 10 vệ tinh, hệ thống này bao phủ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Một năm sau, nó có thể phục vụ cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo kế hoạch, tới năm 2020, BeiDou sẽ chính thức trở thành một hệ thống định vị toàn cầu. Vào tháng 11-2014, BDS đã được Ủy ban An toàn Hàng hải của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thuộc Liên Hiệp Quốc gồm 171 nước thành viên và 3 thành viên tổ chức phê chuẩn đưa vào Hệ thống Hoa tiêu Vô tuyến Toàn thế giới (WWRNS).

 

VÌ SAO BPHONE LẠI CÓ CẢ BEIDOU?

 

Trong cấu hình chi tiết của Bphone được Bkav đưa lên trang web chính thức, phần tính năng GPS được ghi rõ là hỗ trợ cả 3 công nghệ định vị toàn cầu lớn nhất hiện nay là A-GPS (Mỹ), GLONASS (Nga), và BeiDou (Trung Quốc). Mới đây, họ cập nhật nói thêm là “BeiDou cho bản quốc tế”. Trong khi đó iPhone 6 Plus của Apple chỉ hỗ trợ hai chuẩn A-GPS và GLONASS. Có lẽ không phải Apple tẩy chay BeiDou mà vì khi iPhone 6 ra đời, hệ thống định vị này chưa được LHQ công nhận. Đó là lý do mà Galaxy S6 edge của Samsung đã kịp hỗ trợ của BeiDou.

galaxy-s6-gps

Galaxy S6

iphone6-gps

iPhone 6

bphone-gps

Bphone

Vì sao Bphone lại hỗ trợ cả BeiDou? Câu trả lời chắc cũng tương tự như một chiếc smartphone thời thượng hiện nay phải hỗ trợ cả 3 mạng di động 2G/3G/4G, hay hỗ trợ kết nối Wi-Fi đủ các chuẩn a/b/g/n/ac.

Về mặt công nghệ và tính tiện dụng, việc một thiết bị hỗ trợ càng nhiều chuẩn công nghệ, càng đem lại nhiều lợi ích cho người dùng. Bởi lẽ với tính tương thích của thiết bị rộng hơn, bạn có thể thay đổi chuẩn cho thích ứng với độ lợi sóng ở khu vực mình đang sử dụng. Chẳng hạn về GPS, nếu sang Nga, có ai bằng GLONASS, hay sang Trung Quốc thì BeiDou là thiên hạ vô đối. Xin lưu ý là các thiết bị được bán cho toàn cầu thì càng có nhiều tùy chọn, càng tương thích cao, càng ăn tiền.

Chưa kể một chi tiết kỹ thuật nhưng lại có giá trị vô cùng lớn trong ứng dụng, theo từ điển Wikipedia, BeiDou phiên bản dân sự có độ chính xác là 10m, còn GPS chuẩn có độ tính xác là 15m. Bạn biết rồi mà, trên bản đồ tỷ lệ 1/25.000, 1cm trên bản đồ bằng 250m trên thực địa.

Cả GPS, GLONASS và BeiDou đều có hai phiên bản cho quân sự và dân sự. Tất nhiên cho dù của quân đội có độ chính xác cao hơn, nhưng các nhà sản xuất thiết bị dân sự chớ có gan mà đụng tới.

Việc Bphone hay Galaxy S6 có tích hợp thêm hệ thống định vị BeiDou xét về công nghệ là điểm cộng. Nhất là khi họ sản xuất ra không phải chỉ bán ở Việt Nam. Chỉ ngặt một nỗi, nhập gia tùy tục, bà con người dùng Việt Nam đang bị nổi sảy với những gì có dính dáng tới “nước lạ”. Họ sẽ bị ám ảnh với các kịch bản mình bị vệ tinh “lạ” soi mói, theo dõi trên từng cây số. Nhất là với các quan chức, nhân vật “nhạy cảm” lại càng hãi với chuyện “lạy ông, con ở bụi này”.

Vậy nên giải pháp “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” là với các phiên bản bán ở Việt Nam (và thiệt ra là không chỉ có Việt Nam đâu, khi mà “người lạ” giờ đây trở thành “ngáo ộp” tứ xứ rồi), nhà sản xuất nên làm ơn làm phước để đức cho con mà gỡ giùm cái con chip “nhạy cảm” đó ra khỏi thiết bị. Tôi cảnh báo rồi đó nghen: có thêm con chip đó chẳng những không làm tăng thêm giá trị cho thiết bị mà còn bị “ngoảnh mặt làm ngơ” nữa đó.

Nhưng tôi nghĩ chuyện loại bỏ công nghệ đó ra khỏi thiết bị vừa gây phiền toái cho nhà sản xuất, vừa dễ đụng chạm “chính trị” khi người tiêu dùng bên “xứ lạ” giận cá chém thớt trúng luôn nhà sản xuất thì đổ nợ. Chi bằng giải pháp tốt cho tất cả là nhà sản xuất nên tích hợp vào firmware tính năng lựa chọn, cho phép người dùng có thể tắt công nghệ nào mà mình thấy bắt ghét. Ở đây là nói cái hệ thống định vị toàn cầu đó thôi nghen.

 

Trao đổi với Thanh Niên Online, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc truyền thông của Bkav cho biết, đúng là Bphone có trang bị hệ thống định vị Beidou (Bắc Đẩu) nhưng theo kế hoạch ban đầu của chúng tôi thì đây chỉ là bản bán cho thị trường quốc tế (tức dùng cả ba hệ thống định vị – PV). Trong khi đó, bản Bphone bán trong nước sẽ chỉ sử dụng hai hệ thống định vị là GPS (Mỹ), GLONASS (Nga).

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-5-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks