Thứ Bảy ngày 28 tháng 12 năm 2024

Ngủ trên máy bay

delta-air-sleep

 

Kể chuyện bạn đời nghe chơi. Có một lần tôi bay với hãng hàng không Mỹ American Airlines từ Sân bay DFW Dallas (Texas, Mỹ) về Sân bay Narita Tokyo (Nhật Bản), anh chàng Mỹ ngồi cạnh tôi ngủ li bì tới mức bỏ ăn bỏ uống trong suốt 13 tiếng đồng hồ bay.

Lần khác, tôi bay nửa khuya về sáng từ sân bay Bangkok (Thái Lan) tới sân bay Thượng Hải (Trung Quốc), máy bay của hãng Thai Airways trống mênh mông. Thời gian bay hơn 4 tiếng đồng hồ. Trong khi mấy bạn Việt Thái ngồi nguyên theo số ghế được chỉ định, mấy bạn Tây túa ra, cứ thấy hàng ghế nào trống là một em chiếm một hàng. Sau khi ăn xong, trong khi anh em nhà mình chỉ có thể nghiêng lưng ghế ra một chút mà ngồi ngủ (khó chịu thấy mồ), mấy bạn Tây xếp các tay ngăn ghế lại là có một chiếc giường nằm phè cánh nhạn mà thăng.

Thêm lần nữa, tôi bay sáng sớm từ Saigon lên Đà Lạt. Thời gian bay chỉ có 30 phút. Vậy mà do đêm qua làm việc khuya, tôi ngủ thẳng cẳng trên ghế máy bay cho tới khi cô nàng nữ tiếp viên tới lay tỉnh: “Tới Đà Lạt rồi anh ơi.” Lúc đó, giá như ghế hành khách mà có cơ chế phóng phản lực như ghế phi công chiến đấu, tôi đã nhấn cho nó văng ra khỏi máy bay cho đỡ mất mặt với em tiếp viên hàng không.

sleep-on-the-plane-02b

sleep-on-the-plane-02c

sleep-on-the-plane-03b

sleep-on-the-plane-03c

sleep-on-the-plane-03d

sleep-on-the-plane-03e

Nhiều chuyện chỉ để nói một điều là lên máy bay, chuyện hành khách ngủ là bình thường, bất kể là bay gần hay bay xa. Đặc biệt là môi trường trên máy bay dễ khiến người ta mệt mỏi, chán nản và càng thêm buồn ngủ.

Mà khi ngủ, cho dù là quốc vương hay dân đen cũng đều như nhau, người ta chìm vào trạng thái vô thức. Chẳng ai biết mình ngủ ra sao và làm gì trong khi ngủ đâu. Tùy vào tâm trạng mà người ta có khuôn mặt dễ thương hay dễ sợ khi ngủ. Tùy vào cái nết ngủ mà người ta có tư thế ngủ ngoan hiền hay phá phách.

Có người biện minh rằng do ghế máy bay được thiết kế cho số đông, những người chẳng may bị Bà Mụ cắc cớ kéo cho đôi chân dài tới nách bị gò bó, phái ngồi thu lu hay gác chân, hoặc thậm chí phải ngồi chè bè ra như con ếch. Điều này đúng mà, nhưng ở đây là ghế hạng thương gia, không gian rộng rãi, có thể đẩy ghế ra sau thành một chiếc giường, như những người chung quanh đang làm và ngủ ngoan.

Có người nói rằng ngủ là vô thức, nhưng đây là trạng thái vô thức có điều kiện, nó phản ánh cái nền tảng đã được chủ nhân giấc ngủ chuẩn bị trước đó. Bởi vậy, người ta còn gọi là “nết ngủ”. Thật sự là người ta vẫn có thể dạy cho cái con buồn ngủ nó ngủ sao cho ra dáng, có thể không đẹp nhưng cũng chẳng làm xốn mắt ông đi qua bà đi lại, không để xảy ra tình cảnh như chàng quân tử trong bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: “Quân tử dùng dằng không nỡ bước. Đi thì cũng dở, ở không xong.”

Còn nhớ những bà mẹ xưa luôn quan tâm sửa tướng ngủ của con gái ngay từ thời nhỏ xíu, đặc biệt là không cho nó ôm gối ôm mà ngủ vì họ nghĩ sau này con gái sẽ có chân vòng kiềng. Tôi có mấy ông bạn khi đi công tác phải ngủ chung giường với bạn nam lại có tật hết ôm lại gác, thậm chí bàn tay táy máy, nhưng bị bạn cự nự, sửa riết rồi cũng bỏ được tật. Tôi từng được mấy tiểu đệ ngày xưa học tiểu chủng viện Thánh Gioan 23 ở Mỹ Tho của Giáo hội Công giáo kể rằng các thầy các cha trong trường luôn kiểm tra nết ngủ của chủng sinh (tiểu chủng viện tương đương từ lớp 6 tới lớp 12). Thí dụ bạn nào ngủ mà nằm sấp là bị sửa tới bỏ tật mới thôi.

Có nghĩa là nếu muốn, người ta vẫn có thể tập cho mình một nết ngủ ngoan hiền, cho dù như ả sư tử đang đội lốt nàng mèo ở xứ Hà Đông.

sleep-on-the-plane-01

Cũng có người lập luận rằng cho dù là tổng thống thì khi ngủ cũng chẳng thể nào kiểm soát được tư thế của mình. Lý thuyết là vậy, nhưng nếu sir ấy thiệt tình muốn làm tổng thống – người của công chúng và là người đại diện cho hình ảnh cả một đất nước – sir không thể để mặc mình theo thói tự nhiên chủ nghĩa được. Từ cách ăn, cách mặc, tới cách cử động thân thể và cách nói đều phải vào khuôn phép. Nghĩa là phải luôn có ý thức cẩn trọng tới từng chi tiết. Chẳng hạn lên máy bay, giữa chốn đông người, khi muốn ngủ, người của công chúng phải chủ động chuẩn bị công cụ (chỗ ngủ) và bản thân (tư thế ngủ). Một khi đã có sự chuẩn bị chu đáo để có được một giấc ngủ thoải mái thì những phá cách chỉ có thể là bởi cái nết ngủ mà ra. Sao mà cực thân, rắc rối quá hén. Ừ, ai biểu ham làm người của công chúng mà chi.

Bữa nay ngày cuối của tháng 6, nghĩa là tiêu sạch sẽ hết nửa năm 2015 mà chẳng làm nên trò trống gì, tôi bức xúc lắm nên mới xả stress bằng cái sự ngủ. Chẳng hề chịu ảnh hưởng hay có ý câu mâu với ai đâu nghen. Và tôi chỉ nói về cái nết ngủ. Còn cái chuyện tôi ngủ mà ai chơi ác chụp ảnh tôi tung lên Facebook lại thuộc về chuyện khác. Mà làm vậy là bậy bạ lắm à nghen. Đừng nên lấy những hình ảnh “tế nhị” của người khác làm trò cười cho nhau. Dùng chúng để tăng Like, câu View lại càng tệ hơn vợ thằng Đậu. Ở nước ngoài, những kẻ phát tán những chuyện riêng tư cá nhân, nhất là làm xấu đi hình ảnh của người khác, có thể bị kiện tới mạt luôn đó.

Thôi thì, giữa thời buổi nhiễu nhương như vầy, nhìn đâu cũng thấy những cặp mắt canh me của các paparazzi đại chúng, đi đâu cũng gặp những “Thánh Net”, tốt nhất là tôi tự cứu lấy mình bằng cách từ nay khi lên máy bay, tôi đeo ngay chiếc mặt nạ Tuồng Noh của dân Nhật để che kín cái dung nhan châu Á của mình.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-6-2015)

+ Minh họa: Những kiểu ngủ trên máy bay. (Nguồn: Internet. Thanks).