Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Một bài học nhãn tiền cho những nước sống dựa vào tiền vay nước ngoài

crisis-greece-euro

 

 

Chẳng cần phải đợi kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 5-7-2015, giới bình luận quốc tế cũng đoán ra được quyết định của cử tri Hi Lạp đối với các điều kiện mà các chủ nợ nước ngoài đưa ra. Họ vừa quá sợ các chính sách thắt lưng buộc bụng, vừa tự ái dân tộc. Và thực tế là với tỉ lệ 61,31% phiếu thuận và 38,69% phiếu chống, người dân Hi Lạp đã không chấp nhận các điều kiện của chủ nợ châu Âu.

150705-Supporters of the No vote-Greece

Giới trẻ Hi Lạp không chịu thắt lưng buộc bụng cho dù đất nước bị vỡ nợ. Trong ảnh là những thanh niên tại Athens ngày 5-7-2015 bỏ phiếu chống các biện pháp tiết kiệm chi tiêu. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

CON NỢ GIÃY GIỤA…

 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm 1-7-2015, Hy Lạp đã chính thức lâm vào tình trạng vỡ nợ do không thể trả được đúng hạn khoản nợ vay 1,5 tỷ USD. Nhưng châu Âu sẽ phải rất cẩn trọng trong việc xử lý “con nợ” Hy Lạp vì việc nước này rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ gây nhiều thiệt hại cả trực tiếp lẫn gián tiếp cho châu lục vốn còn nhiều khó khăn trong tăng trưởng kinh tế mấy năm nay. Rộng ra thì cả nền kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng, nhất là với hiệu ứng domino.

Người ta nói rằng kết quả của cuộc bỏ phiếu nói trên là đúng với ý đồ của Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras. Ông vừa đá quả bóng trách nhiệm cho người dân, vừa có cái để mặc cả với châu Âu. Có lẽ sợ già néo đứt dây, ngày 8-7, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra thời hạn chót tới ngày 12-7 để chính phủ Hi Lạp có thể đạt được một thỏa thuận cứu trợ mới từ châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Tsipras khẳng định Hi Lạp muốn đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ mới với châu Âu. Rõ ràng là cả hai bên đều muốn còn nước còn tát. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lo lắng phải gọi điện cho Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hi Lạp để thảo luận. Theo bà Merkel, Hi Lạp cần phải có một gói cứu trợ có thể kéo dài trong vài năm để đủ sức kích thích nền kinh tế đang suy sụp. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Đức khẳng định rằng châu Âu sẽ không xóa một phần số nợ lên tới 320 tỉ euro của Hi Lạp.

Tất nhiên, nếu như cuối cùng các bên vẫn không thể thỏa thuận được với nhau, khu vực Euro cũng đành phải buông tay. Có tin nói rằng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết châu Âu đã chuẩn bị sẵn cho cái kịch bản Hi Lạp rời khỏi khối Euro để giảm tới mức thấp nhất các ảnh hưởng. Người ta đã sáng chế ra cái thuật ngữ mới “Grexit” hay “grexit” (kết hợp hai chữ Greece – Hi Lạp và exit – ra khỏi) để chỉ cái vụ Hi Lạp ra khỏi khối Euro.

 

RỒI CŨNG PHẢI CHỊU PHÉP

 

Ngày 12-7 đúng hạn đã giao, nhóm bộ trưởng tài chính khối Euro đã gửi tối hậu thư cho Hi Lạp chỉ cho nước này chọn một trong hai tùy chọn: hoặc chấp nhận các yêu cầu do chủ nợ châu Âu đưa ra, hoặc bị tống khứ ra khỏi khối Euro. Giới bình luận đánh giá đây là một trong những sự trừng phạt ngoại giao tàn khốc nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU). Và cuối cùng, Thủ tướng Tsipras đã phải chịu khuất phục, chấp nhận thi hành các yêu sách khắc nghiệt nhất từ chủ nợ. Hậu quả là ông bị chính những thành viên cứng rắn trong đảng cánh tả Syriza của mình chống đối.

Thật ra thì cả khối Euro lẫn Hi Lạp đều trở thành những con tin trong cuộc khủng hoảng Hi Lạp này. Ngay từ đầu năm 2010, các nhà kinh tế tài chính châu Âu đã ủng hộ một phương án thoát nhanh (swift withdrawal) để Hi Lạp ra khỏi khối Euro một cách ít đau đớn nhất cho cả hai. Cùng lúc đó là phương án khôi phục lại đồng tiền riêng của Hi Lạp – drachma. Nhưng rồi mọi chuyện cứ nhùng nhằng theo kiểu châu Âu bỏ thì thương, vương thì tội, còn Hi Lạp thì “đời vắng em rồi say với ai” (thơ Vũ Hoàng Chương, 1943), bởi không còn bầu sữa Euro khó bề sống sót.

EuGreeceCrisis_resize

Năm 2010, họa sĩ biếm Carlos Latuff của Brazil đã mô tả tình thế của Hi Lạp phải thắt lưng buộc bụng theo lệnh của bà Thủ tướng Đức Markel. Người đàn ông ở giữa là Georgios A. Papandreou, Thủ tướng Hi Lạp từ 2009 tới 2011

Cứng rắn nhất trong giải pháp cho Hi Lạp là Đức, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Tất nhiên đi đầu vẫn là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, người trước nay vẫn được ví như thủ lĩnh không ngai của châu Âu. Đức hiện là nền kinh tế hàng đầu ở châu Âu và là chủ nợ lớn nhất của Hi Lạp. Sự bảo vệ quyết liệt tiền thuế của dân Đức đã khiến bà Merkel bị một số người dân nước mình “ném đá”. Nhật báo trung tả Sueddeutsche Zeitung viết: “Bà Merkel đã làm sống lại hình ảnh của nước Đức xấu xí, nhẫn tâm và bủn xỉn mà chỉ mới bắt đầu được làm cho mờ nhạt đi. Mỗi xu viện trợ cho Hi Lạp mà người Đức cố gắng để tiết kiệm sẽ phải tốn gấp 2 hay 3 lần trong những năm tới để đánh bóng trở lại hình ảnh nước Đức.”

 

LÀM SAO ĐỒNG CẢM ĐƯỢC VỚI NHỮNG KẺ TIÊU HOANG TIỀN NGƯỜI KHÁC

 

Trong khi các nước giàu ở châu Âu đang đau đầu tìm cách cứu Hi Lạp, mà chắc chắn sẽ phải chi bộn tiền, những nước nghèo của châu lục này, chủ yếu là ở phần phía đông như Estonia, Latvia, Lithuania và Slovakia coi Hi Lạp như một bài học nhãn tiền. Bản thân các nước vùng Baltic này trước nay vẫn ý thức đươc mình là con nhà nghèo nên phải áp dụng các chính sách tiết kiệm để vừa không đổ nợ, vừa không bị coi thường là gánh nặng của phần phía Tây châu Âu. Nhờ vậy mà họ thoát ra được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, bây giờ có được nền kinh tế ổn định và tăng trưởng. Họ cũng nhiều lần khẳng định rằng mình quá nghèo nên không thể trả giá cho những sai lầm của Hi Lạp. Ai cũng biết là Hi Lạp vỡ nợ còn do chi tiêu quá phung phí và giữ cho phúc lợi xã hội cao nhất. Trong khi kinh tế oặt oẹo, nợ nước ngoài như chúa chổm, người Hi Lạp lại quen sống thong dong, sung sướng. Bởi vậy, người dân những nước nghèo ở châu Âu khó thể thông cảm cho Hi Lạp. Chẳng hạn, một số người Hi Lạp có mức lương hưu tới hơn 1.000 euro/tháng, trong khi mức lương tháng bình quân của người lao động ở Slovakia chỉ có 880 euro.

Các nước như Slovakia, Lithuania,… khẳng định họ chỉ đồng ý là người bảo đảm chứ không chi bất cứ đồng nào trong các gói cứu trợ tài chính trước đây của châu Âu dành cho Hi Lạp. Thay mặt cho nhóm nước này, Thủ tướng Taavi Roivas của Estonia nhắn gửi Hi Lạp rằng tới bây giờ, Hi Lạp chỉ còn có thể lựa chọn giữa cái xấu và xấu hơn, cũng như không thể tránh khỏi sự cải tổ, cụ thể là trong lĩnh vực công cộng và chính sách thuế. Brigita Petersone, một nữ doanh nhân 59 tuổi ở Riga (Latvia) nói rằng: “Lẽ ra người Hi Lạp phải đóng thuế từ lâu rồi mới phải. Nếu muốn có tiền từ châu Âu, lẽ ra họ đã phải bắt đầu biết tiết kiệm.”

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-7-2015)