Gặp lại anh Lê Hoàn
Cứ ngỡ là chưa quá lâu, nhưng khi coi kỹ lại thì tôi và anh Lê Hoàn đã không gặp nhau sắp tròn 5 năm, kể từ khi anh cùng gia đình sang Mỹ định cư năm 2010.
Trưa 24-7-2015, Gia đình e-CHIP đã tổ chức một cuộc họp mặt lịch sử để chào mừng anh Hoàn từ Mỹ về thăm quê hương. Ban đầu, “ba bà đi bán lợn xề” (Quỳnh Chi, Nghi Khanh, và Hồng Nhung) đảm nhiệm việc gầy độ chọn làm chiều thứ Sáu 24-7. Tôi đã mau mắn xí chỗ. Sau đó, chẳng hiểu sao, bà con lại dời lên trưa cùng ngày. Vậy là tôi chịu trận – vì đây là ngày giỗ 6 năm của mẹ tôi. Nhưng nhớ anh Hoàn và các Gà con quá, ngay sau khi làm một tua chào sân cảm ơn bà con tới dự kỷ niệm ngày mẹ tôi về với Chúa, tôi đã cáo lỗi để từ Chợ Lớn chạy ra khu vực gần chợ Bến Thành để chào Gia đình e-CHÍP.
Gặp lại anh Lê Hoàn, tôi không kềm được cảm xúc, mắt rưng rưng ôm ghì lấy tấm thân “ốm hơn xưa” của ông bạn già. Trước đây, khi cùng làm ở tạp chí e-CHÍP, tôi đã ví von hai anh em là “cặp bài trùng” trong thế giới ICT Việt Nam.
Tôi và anh Lê Hoàn quen nhau từ năm 1996 hay 1997. Lúc đó, tôi làm bộ đĩa tuyển chọn phần mềm PHP Software và cùng tham gia viết cho các tập sách mỏng chia sẻ kiến thức tin học do anh Hoàn chủ biên (không in mà chỉ photocopy rồi đóng thành những tập mỏng). Sau đó, cuối năm 2002, hai anh em cùng gia nhập nhóm sáng lập tạp chí e-CHÍP. Tới năm 2008, tôi rời e-CHÍP và anh Lê Hoàn đã tiếp tục chia lửa cùng tôi trong môi trường mới này. Mặc dù nỗ lực dữ lắm và có hoài bão muốn làm điều gì đó tốt đẹp hơn cho cộng đồng IT Việt Nam, nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, dự án đầy tham vọng của chúng tôi đã bị trận suy thoái kinh tế hành lên bờ xuống ruộng. Có lẽ một phần vì chán nản, anh Lê Hoàn đã quyết định sang Mỹ định cư – điều mà nhiều năm trước đây anh luôn tìm cách lảng tránh. Gia đình anh ở Mỹ gần hết, chỉ có anh và người chị ở Việt Nam thôi. Cho tới nay, tôi vẫn luôn day dứt, nhiều đêm ngủ không được, luôn cảm thấy mình mắc nợ và có lỗi với các cựu Gà e-CHIP khi không thể chăm lo cho họ. Ngượng nên nhiều không không dám gặp anh em là vậy.
Sang Mỹ nhiều lần, nhưng do điều kiện đi lại, tôi chưa thể tới thăm anh chị ở Nam California được. Tôi thường có việc tại thành phố San Francisco (Bắc California), muốn tới chỗ anh Hoàn phải đi xe đò Hoàng 6-7 tiếng đồng hồ. Anh Hoàn nói rằng mỗi lần nghe tin có ai đó sang Mỹ, anh nôn gặp lắm, nhưng không thể đi được.
Anh Lê Hoàn và tôi bằng tuổi nhau, tuổi con gà trống phải bới mới có ăn. Như một cơ duyên, hai anh em lại cùng cung một chuồng gà e-CHIP. Còn nhớ hồi năm 2002, nhóm sáng lập e-CHIP gồm anh Nguyễn Hữu Thiện, anh Đồng Phước Vinh và tôi – do anh Hữu Thiện làm trưởng nhóm thường hợp tại nhà tôi để bàn bạc công việc, Có một lần tôi đề nghị mời anh Lê Hoàn tham gia và được giao nhiệm vụ thuyết phục anh. Anh Lê Hoàn nói rằng mình chỉ viết bài về tin học thôi, chớ hỗng có biết làm báo. Sau đó, có lẽ vì thương tôi nên anh chấp nhận tham gia. Anh là một người có tinh thần trách nhiệm cao và với bản tính đôn hậu là hạt nhân đoàn kết của cả chuồng gà. Trong quá trình làm ở e-CHIP, anh luôn tìm tài liệu học hỏi cách điều hành công việc tòa soạn. Những năm sau này, tôi lo chuyện bên ngoài, còn anh Hoàn là chỗ dựa cho tôi quán xuyến tòa soạn.
Đối với tôi, anh Lê Hoàn không chỉ là một người bạn, một đồng nghiệp mà còn là một người thầy. Tôi đã học hỏi được từ anh nhiều điều khi tôi mới đặt chân vào thế giới tin học. Hai anh em như một sự bổ sung cho nhau: anh Hoàn là một chuyên gia CNTT đi viết báo, còn tôi là một người làm báo viết về CNTT. Và thiệt là thú vị khi cả hai anh em cùng được nhận danh hiệu Hiệp sĩ CNNT trong lần đầu tiên năm 2003.
Tôi luôn nghĩ rằng, việc anh Lê Hoàn quyết định sang định cư ở Mỹ, đoàn tụ gia đình là một “sự lựa chọn đúng nhất”. Chí ít thì nó cũng giúp anh rộng đường hơn trong việc thực hiện ý nguyện phục vụ cộng đồng CNTT.
Trưa 24-7-2015, tôi xúc động đầm đìa không phải chỉ vì gặp lại anh Lê Hoàn sau 5 năm. Ở tuổi anh em tôi, trời còn thương cho gặp nhau lúc nào là ơn huệ lúc đó.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 26-7-2015)