Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

“Con ma xa lộ” không ai muốn

 

Những chiếc xe thông minh smart-car có thể biến thành những “con ma xa lộ”

 

Anh chàng Andy Greenberg, biên tập viên của báo điện tử Wired, lái chiếc xe Jeep Cherokee, với tốc độ 70mph (112,6km/giờ), trên xa lộ qua tỉnh St. Louis. Bỗng nhiên quạt máy trong xe bật lên chạy vù vù, radio tự động dò tìm đài nhạc hip-hop rồi mở to hết cỡ, cần gạt nước ở kính trước quật loạn xạ. Sau đó xe giảm tốc độ chạy lừ đừ trên xa lộ. Cả dãy xe đi sau lưng anh ta bị khựng lại, họ bấm còi ầm ĩ. Greenberg hoàn toàn không thể kiểm soát được chiếc xe. Cuối cùng xe rẽ ra khỏi xa lộ và ngừng lại an toàn.

Gặp trường hợp trên, ai cũng tin là có con ma trên xa lộ. Ma chiếm đoạt tay lái rồi điều khiển xe theo ý nó. Đối với Greenberg, anh ta không nghĩ như thế. Ngay sau đó, ngày 21-7-2015,  anh viết bản báo cáo sự việc trên báo điện tử Wired. Anh cho biết hacker (tin tặc) đã xâm nhập hệ thống điều hành xe của anh. Nó cướp quyền tài xế để điều khiển xe, mặc dù xe đang chạy trên xa lộ với tốc độ cao. Đúng ra đây là kết quả cuộc thử nghiệm của chính Greenberg và hai chuyên gia ngành an ninh là Charlie Miller và Chris Valasek đã xếp đặt. Miller và Valasek đã dùng những dụng cụ tầm thường gồm chiếc cell phone và cái laptop computer, ở vị trí cách Greenberg gần 2km để “cướp” quyền điều khiển chiếc xe Jeep Cherokee của Greenberg.

smartcar-charlie-miller-chris-valasek

Charlie Miller (áo đỏ) và Chris Valasek (áo xám) trong hầm nhà của Miller. Họ đang dùng laptop để cướp quyền điều khiển chiếc xe Jeep Cherokee của Andy Greenberg. (source: Wired)

 

Giáo sư Stefan Savage, Đại học UC San Diego, cho biết “tai nạn” trên là điều tất yếu sẽ xảy ra. Những chiếc xe hơi thông minh (smart-car) thường có rất nhiều khí cụ điển tử giúp con người có đủ tiện nghi khi di chuyển, chẳng hạn trong xe có iPhone, TV… Tất cả những hệ thống này đều nối kết với Internet. Vì vậy hacker đang ngồi ở nhà cũng có thể truyền lệnh qua internet tới chiếc xe đang chạy ngoài đường để điều khiển nó. Chiếc xe tối tân hiện đại đúng là một cái computer lớn, bởi vì tất cả mọi việc đều được điều khiển bởi lệnh truyền qua con chip điện tử. Chẳng hạn khi chúng ta đạp ga, động tác này không mở cái valve bơm xăng như chúng ta tưởng. Trái lại nó là một tín hiệu gửi tới con chíp điện tử với mệnh lệnh “chạy nhanh lên”. Bộ phận điện tử sẽ điều khiển động cơ của xe theo đúng chỉ thị nó nhận được…. Tất cả mọi điều khiển khác cũng có cùng diễn tiến như vậy. Do đó chỉ cần có tín hiệu mệnh lệnh gửi tới, chiếc xe sẽ “máy móc” tuân theo mà không cần biết ai ra lệnh.

Bản báo cáo của Greenberg “nổ” lớn với rất… rất là nhiều phỏng đoán ớn lạnh xương sống và toát mồ hôi hột. Chẳng hạn có người cho rằng nếu bọn băng đảng muốn thanh toán con mồi bằng cách cho xe lao xuống núi thì sao? Nếu có kẻ gian muốn bắt cóc người thì sao? Cũng có nhóm người bị ám ảnh bởi cuốn phim Mad Max mới chiếu tháng trước. Họ đặt câu hỏi: nếu có tên khùng nào đó muốn đóng vai Mad Max rượt đuổi xe trên xa lộ thì sao.  Nếu…và nếu … Ôi thôi! kể chừng nào cho hết những vụ “nếu” dựng tóc gáy của những người “thối” mồm. Đổ thêm dầu vào lửa, một số video clip cũng tung lên YouTube những hình ảnh quái dị. Chẳng hạn vào nửa đêm chiếc xe đang đậu trong bãi bỗng tự nhiên mở cửa. Xe đang đậu bỗng tự động nổ máy rồi chuyển bánh… Cảnh tượng cứ như ma quái lộng hành trong đêm full moon.

Chiếc xe Jeep Cherokee là sản phẩm ăn khách của hãng Chrysler. Điều đó khiến Chrysler hoảng sợ. Ngày 24-7-2015, Chrysler ra thông cáo cho thu hồi 1,4 triệu chiếc xe đã bán ra để bổ túc thêm phần mật mã an toàn chống hacker. Khỏi nói ai cũng biết sự thiệt hại sẽ vô cùng to lớn. Đúng là xui xẻo cho Chrysler, vì nhiều hãng xe khác như Honda, BMW, Toyota, Mercedes… cũng có thể bị hacker vậy. Quả là một cú bom kinh tế hạng nặng giáng xuống đầu Chrysler và biết đâu cho cả nền kinh tế Mỹ.

Tiếng vang bất an đã truyền tới quốc hội. Hai thượng nghị sĩ Edward Markey và Richard Blumenthal vội đưa ra dự luật yêu cầu Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia (National Highway Traffic Safety Administration) và Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission) “thiết lập các tiêu chuẩn để đảm bảo an ninh cho xe cộ và bảo vệ quyền riêng tư của người lái xe.” Chẳng lẽ mua một chiếc xe từ 50.000 – 60.000 Mỹ kim để rồi lái xe trong lo sợ. Tình trạng hoang mang này đang trở thành một biến cố lớn. Người ta phỏng đoán rằng sau sự can thiệp của quốc hội, vụ này còn có thể lan tới tận Washington. Ý nói vấn đề an ninh có tầm vóc quốc gia khiến Chính phủ Obama phải nhúng tay vào.

PinkSmartCar_resize

Một chiếc smart-car. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

Sự kiện “tin tặc cướp xe hơi” (car hacker) đã được tôi giản dị hóa rất nhiều cho hợp với tính chất câu chuyện thời sự. Trên thực tế nó vô cùng phức tạp với những liên hệ chằng chịt về kỹ thuật Internet, về ảnh hưởng kinh tế dây chuyền, và về chính trị. Nó cũng còn là vấn đề an ninh toàn cầu vì smart-car đang di chuyển khắp nơi trên thế giới. Điều may mắn là chưa có bất cứ một tai nạn nào xảy ra. Nhóm của Greenberg đã có công khám phá kịp thời để gióng lên lời cảnh cáo cho mọi người đề phòng. Hiện tại các hãng xe đều bảo đảm rằng những sản phẩm của họ sẽ có hệ thống ngăn ngừa hacker. Dù sao chăng nữa có một chiếc xe thông minh vẫn hấp dẫn hơn có một chiếc xe “ngu” (dumb car).

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(California, Hoa Kỳ 8-2015)

smart-car-on-beach

Một chiếc smart-car trên bãi biển. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)