Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

SAN FRANCISCO DU KÝ: Tấm note của cô nhân viên khách sạn

150819-san-francisco-ss6-007_resize

 

Tối 19-8-2015, từ Diễn đàn Intel IDF 2015 ở Trung tâm Hội nghị Moscone West trên đường Howard về khách sạn Hilton San Francisco Union Square trên đường O’ Farrell cách nhau chừng 15 phút đi bộ, tôi nhìn thấy trên bàn làm việc một miếng note nhỏ – loại có sẵn trong phòng khách sạn.

Trên đó cô nhân viên phục vụ phòng Carolina R. viết lời cám ơn tôi. À há, ăn miếng trả miếng đây. Buổi sáng trước khi đi họp, tôi cũng đã viết trên một miếng note tương tự lời cảm ơn “ai đó”. Kèm theo là một tờ giấy 5 USD để trên nệm giường, tip cho 2 ngày dọn phòng trước đó.

Một cô người Việt làm ở khách sạn Marriott cho biết những nhân viên dọn dẹp phòng khách sạn coi những khoản tiền tip của khách này như món lộc. Họ vui lắm, cho dù khoản tip chỉ vài ba đồng, nhưng tích lại thì cũng được thêm một khoản “làm được việc”. Cái mà họ vui nhất là cảm nhận được sự trân trọng từ khách. Cô nói rằng ở các khách sạn lớn, khách ít tip lắm. Người châu Âu lại càng ít tip hơn. Chỉ có người gốc châu Á là thường biết lễ nghĩa.

Muốn tip thì phải để tiền trên bàn rửa mặt trong toilet hay trên nệm giường. Nếu để chỗ khác thì người phục vụ không dám đụng tới.

Thường thì nghỉ tại khách sạn ở Mỹ, mỗi sáng tôi để tiền tip cho nhân viên dọn phòng chừng 2 USD. Chuyện tiền lẻ này cũng rắc rối. Co lẽ người Việt Nam xài tiền Mỹ sang chảnh nhất, giá đơn vị là 1 vé (100 USD). Còn ở Mỹ, người ta xài từ đồng xu 1 quarter (25 cent). Họ quen dùng thẻ tín dụng credit card), hầu hết các điểm kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ đều có máy POS. Và do chuyện bảo mật và quyền cá nhân, khách mua phải tự tay quẹt thẻ, cà thẻ chớ nhân viên không hề đụng vào – ít có chuyện nhân viên te te cầm thẻ của khách đưa đi vô trong cà quẹt gì đó có trời mới biết như ở Việt Nam (ngoại trừ ở nhà hàng thì nếu không có máy POS cầm tay, nhân viên phải cầm thẻ của khách tới quầy thu ngân cà). Nhưng thường chỉ có những người Mỹ đi làm có lương chính thức mới làm thẻ và dùng thẻ. Và nói chung là người ta chỉ bỏ túi một ít tiền lẻ, có khi chỉ 10 USD, 20 USD. Cầm tờ 100 USD đi tiêu vặt ngoài đường là khó xài, vì người ta không có tiền thối. Đó là lý do mà tới Mỹ, một trong những việc đầu tiên là xuống quầy lễ tân khách sạn đổi tiền lẻ dằn túi. Có lần ở khách sạn tại thành phố Phoenix (bang Arizona), tôi dở khóc dở cười vì khách sạn không có dịch vụ đổi tiền lẻ, họ kêu ra ngân hàng đổi. Kẹt là mấy ngày họp, bữa nào xong cũng tối mịt, về thì ngoài giờ làm việc rồi. Bởi vậy tôi không có tiền lẻ để tip nhân viên dọn phòng. Lúc đó mắc cỡ lắm, ước gì mỗi phòng đều có cái máy POS dành cho chuyện tế nhị đó. Tới bữa cuối, buổi tối tôi đi mall mua 15 USD kẹo bánh mang về bày ra trên giường với tờ note giải thích và lời cảm ơn.

Nghe nói ở Nhật Bản, người ta không thích nhận tiền tip. Còn thì đi tới nước nào khác, tôi cũng thấy người ta luôn welcome hay hảo hảo món tiền nhỏ này. Riêng ở Mỹ, tiền tip đã thành luật. Cửa hàng cứ tự động trừ tiền tip dựa theo % tổng số tiền phải trả. Thường là 10%. Cũng có những mức tip khác nhau tùy loại hàng và dịch vụ. Có lần tại Boston, bà chị sư tỷ thời trung học mời tôi đi ăn sáng và rủ thêm một bà bạn là ma-soeur tuổi chừng 80 đi cùng. Lúc thanh toán tiền, hồn ai nấy giữ, ai ăn gì nấy trả, tôi thấy bà nữ tu có một tấm thẻ bằng cỡ thẻ tín dụng, trên đó có in các loại và mức thuế cũng như các mức tip cho từng loại dịch vụ.

Và cũng ở Mỹ mới có cái vụ cà thẻ tín dụng “treo”. Nghĩa là sau khi họ cà thẻ theo đúng số tiền (bao gồm cả tiền tip), thẻ của khách đã bị trừ số tiền đó, nhưng chưa hoàn tất giao dịch mà chờ đó. Trên hóa đơn có ghi khoản tiền tip mặc định đã trừ, nhưng có thêm một dòng hỏi khách có muốn tip thêm không thì ghi vào. Nếu khách rộng tay tip thêm, nhân viên trở vào trong cộng thêm số tiền tip mới, tài khoản của khách mới được trừ thật sự, cho dù lúc đó thẻ đã được trả cho khách rồi.

Người Mỹ phân biệt giữa “rủ đi ăn” (ask) và “mời đi ăn” (invite). Nếu được rủ, tùy khả năng tài chính mà người ta có nhận lời hay không vì ai ăn gì tự trả nấy. Còn nếu được mời thì theo phép lịch sự, người được mời giành trả tiền tip. Mà từ kinh nghiệm xương máu và hầu bao của mình, tôi thấy chơi kiểu Mỹ như vầy mà tình cảm bền lâu. Ai cũng khoái được đi chơi, đi ăn với bạn bè thân thiết, nhưng nếu gặp bạn chơi không đẹp cứ để mình mời thì lâu dài tiền đâu mà chịu đời cho thấu. Ghét nhất là tới lúc trả tiền, người thì giả vờ đi nghe điện thoại hay hút thuốc, kẻ chui vào toilet, người ở lại thì móc hoài mà chiếc bóp không chịu chui ra khỏi túi quần. Tôi có mấy nhóm bạn ở Việt Nam cũng chơi kiểu Mỹ, ai rảnh thì ới nhau đi ăn uống, rồi chia tiền ra cùng trả.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(San Francisco 20-8-2015)