Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Giữa trưa đi ăn điểm tâm

 

Dim Sum là chữ Anh của chữ Hoa đọc là “điểm sấm”, chuyển sang tiếng Việt là “điểm tâm”. Mà “điểm tâm” được người Việt hiểu là ăn sáng.

Buổi trưa mà đi ăn điểm tâm thường là do hoặc quá bận rộn không kịp ăn sáng, hoặc mê món dim sum. Ba anh em tôi chắc là dù đi làm thì phải “bận” nhưng không có “rộn” tới mức bỏ bữa sáng. Vậy thì chỉ có lý do đúng Ngọ 12 giờ trưa đội nắng vào Chợ Lớn ăn ở nhà hàng Baoz Dimsum dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương phía quận 5 là bởi ba anh em muốn ăn cái món Quảng Đông này.

151030-baoz-dim-sum-02_resize

Minh Chuyên (phải) và Đức Hạnh.

Có bạn sẽ thắc mắc: Dim sum là điểm tâm sao lại bán cả ngày lẫn đêm. Thiệt ra, dim sum được người Quảng Đông hiểu theo nghĩa là ăn lót dạ. Nó không phải là một món ăn mà là một cách ăn (style of Cantonese cuisine). Dim sum gồm các món ăn, phần lớn là hấp, có kích thước nhỏ xíu, thường là vừa một gắp ăn, được dọn ra trong những chiếc xửng tre nhỏ nóng nghi ngút khói hay những chiếc đĩa sứ nhỏ. Hồi ở Boston (Massachusetts), tôi được 2 chị em đứa cháu con bà chị đa hệ (đồng hương, hàng xóm, em gái của thầy mình, con của bạn mẹ mình) rủ đi ăn dim sum ở nhà hàng Chau Chow City Dim Sum. Nhân viên nhà hàng đẩy chiếc xe inox chất những chiếc xửng inox và tre đựng dim sum tới bàn cho khách lựa chọn. Còn lần đi cùng hãng Samsung Vina ngao du Trung Quốc, tại một nhà hàng dim sum ở Xian (Tây An), tôi và các bạn được giới thiệu 108 món dim sum đựng trong những chiếc xửng tre lớn gấp đôi xửng các nơi khác.

151030-baoz-dim-sum-03_resize

Nhân vật VIP trưa nay.

Ở nhà hàng Baoz Dimsum, các món dim sum được dọn theo order của khách coi trên thực đơn. Những món ăn nho nhỏ được dọn trong những chiếc xửng tre nhỏ hay trên những chiếc đĩa sứ nhỏ.

Tôi ngồi ăn liu riu mà trong đầu nghĩ tới bài hát “Chúng mình ba đứa” của Song Ngọc – Hoài Đứaở Saigon trước 1975. Cái đầu óc khoái lộn xộn của tôi đã chế thành câu hát: “Mình có ba người. Điểm sấm dứt lia chia. Mắt thèm muốn ăn hoài. Bụng cứng ngắt sao đây …” Mà “ba đứa” đó là hai nàng Trần Thị Minh Chuyên, Giám đốc Công ty Truyền thông Matterhorn Communications, và Trương Thị Đức Hạnh, chuyên viên của công ty này, và tôi.

151030-baoz-dim-sum-06_resize

Ăn xong, nhìn hóa đơn, nàng Minh Chuyên kêu lên (chẳng biết thảng thốt hay sung sướng, hên xui): “Ba người này ăn ít quá vậy!” Thiệt ra, chỉ có Đức Hạnh và tôi song kiếm hợp bích chiến đấu với mấy đĩa dim sum tới tên giặc cuối cùng. Nàng Minh Chuyên ăn chay trường nên chỉ ăn món bánh trứng ngọt khai cuộc và cái bánh bao chay.

151030-baoz-dim-sum-05_resize

Chỉ có hai người đi chiến đấu.

Tôi thì trước giờ tuân thủ luật trường tồn “ăn ít no lâu, ăn nhiều tức bụng”. Còn với vụ dim sum này, tôi có nhắn nhủ hai nàng: cái điều gì tốt đẹp thì nên phát huy và phát triển. Tôi thì bản tính luôn sẵn sàng hiến thân vì đại cục.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-10-2015)