Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Pháp trả đũa IS ở Syria

151115-france-air-strike-syria-01

Đêm 15-11-2015, chỉ 2 ngày sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố tối 13-11 ngay trung tâm thủ đô Paris làm chết hơn 130 người, Pháp đã ra lệnh tiến hành các cuộc không kích cấp tập lớn nhất từ trước tới nay vào căn cứ địa của lực lượng cực đoan Hồi giáo tự xung là Nhà nước Hồi giáo ISIS tại thành phố Raqqa (Syria). 10 chiếc máy bay chiến đấu của Pháp phối hợp tác chiến với các lực lượng Mỹ đã ném bom các vị trí của ISIS.

Cho tới hôm nay, số người chết trong loạt tấn công khủng bố Paris đã lên tới 132 người, do có thêm 3 người bị thương không qua nổi. Vẫn còn hàng chục nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Có 103 người chết đã được nhận diện. Phần lớn là giới trẻ và có nhiều khách nước ngoài – do Paris luôn là một trong những thành phố được nhiều du khách nước ngoài tới thăm nhất thế giới.

Cuộc không kích mới của Pháp này diễn ra sau khi ISIS tuyên bố mình là kẻ đã thực hiện loạt vụ tấn công tại Paris – vụ thảm sát lớn nhất ở Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết 10 chiếc máy bay đã xuất phát đồng loạt từ United Arab Emirates và Jordan. Có 20 quả bom đã được thả xuống 1 kho đạn dược và 1 trung tâm huấn luyện của ISIS trong phần lãnh thổ Syria mà chúng đang chiếm giữ.

151115-france-air-strike-syria-02

Máy bay Pháp xuất kích đêm 15-11-2015 từ UAE để oanh kích ISIS ở Syria.

151115-france-air-strike-syria-03

Trong khi đó, các cơ quan an ninh Pháp đang mở rộng cuộc điều tra và săn lùng các nghi can có liên quan tới loạt tấn công khủng bố. Cho tới nay, các nhà điều tra đã nhận diện được 1 trong 8 tên khủng bố đã chết là một công dân Pháp 29 tuổi tên Omar Ismail Mostefai. Một cuộc truy lùng quốc tế đang được tiến hành ở khắp nước Pháp và những nước láng giềng để tìm một nghi can sinh ở Bỉ mà Pháp tin rằng đã giúp tổ chức các cuộc tấn công khủng bố cùng với 2 người anh em của hắn. Một trong số này đã chết trong cuộc tấn công. Tên thứ hai đang bị bắt giữ ở Bỉ. Thêm 2 tên đánh bom tự sát người Pháp nữa đã được báo chí nhận diện là Bilal Hadfi và Ibrahim Abdeslam. Nhà chức trách đang tiếp tục nhận diện thêm 4 tên khủng bố khác, tất cả đều đã chết.

Nhà chức trách cho biết có khả năng có ít nhất một tên khủng bố đã tẩu thoát. Người ta đã tìm thấy một chiếc xe Seat Leon màu đen được bọn khủng bố sử dụng bị bỏ lại tại vùng ngoại ô Montreuil của Paris với 3 khẩu súng AK-47 Kalashnikov trên xe.

151113-paris-attacks-map-2

Cuộc điều tra mở rộng sang Bỉ sau khi nhân viên điều tra phát hiện có 2 trong số các chiếc xe mà bọn khủng bố sử dụng được thuê tại khu vực Brussels (Bỉ). Cảnh sát xác nhận nghi can mình đang truy lùng tên là Salah Abdeslam, 26 tuổi, tuy sinh tại Brussels nhưng có quốc tịch Pháp. Hôm 15-11, Bỉ cho biết đã bắt giữ 7 người tại Brussels. Nhưng 1 trong số đó được cho là kẻ đã thuê 2 chiếc xe kia đã thoát khỏi bàn tay cảnh sát. Hắn bị bắt trên biên giới Pháp – Bỉ hôm 14-11 nhưng sau đó chẳng hiểu sao đã được thả ra.

2015-france-plane-persian-gulf

Máy bay Pháp đậu trên hàng không mẫu hạm Pháp Charles de Gaulle tại Vịnh Persia. Ảnh AP Photo/Hasan Jamali chụp ngày 18-3-2015.

Trong nhiều tháng nay, tham gia một chiến dịch do Mỹ chỉ huy chống bọn ISIS, máy bay Pháp đã ném bom vào các mục tiêu của ISIS ở Iraq và Syria. Pháp chính là nước châu Âu đầu tiên tham gia cùng Mỹ không kích các mục tiêu ISIS ở Iraq hồi tháng 9-2014. Một năm sau, Pháp mở rộng vùng không kích sang nước Syria láng giềng, nơi có phần lớn lãnh thổ giáp Iraq đã rơi vào tay quân ISIS. Sau cuộc khủng bố đẫm máu tối 13-11 do ISIS nhận trách nhiệm thực hiện, Pháp đã thề xóa sổ bọn cực đoan khát máu này.

2014-isis-raqqa-billboards

Những tấm panô tuyên truyền của bọn IS dọc một đường phố tại Raqqa, thành phố miền Đông Syria đang do ISIS cai quản. Trên đó có ghi “Chúng ta sẽ chiến thắng bất chấp liên quân toàn cầu.” Ảnh REUTERS/Nour Fourat chụp ngày 29-10-2014.

Có lẽ bọn ISIS thực hiện loạt tấn công khủng bố tại Pháp như một mũi tên bắn chết nhiều con chim. Chúng muốn trừng phạt Pháp và răn đe các nước khác đang tham gia cùng Mỹ trong chiến dịch chống ISIS. Đồng thời, vụ thảm sát này cũng sẽ khiến các nước châu Âu xem lại chính sách mở cửa cho người tị nạn vốn khuyến khích thêm nhiều người Syria và Iraq bỏ trốn khỏi các vùng do ISIS chiếm giữ. Người dân đi hết thì chúng sống với ai? Các quan chức cao cấp Ba Lan và Slovak đã dội những gáo nước lạnh vào kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) trong việc tái cư cho những người tị nạn trên khắp khối châu Âu này. Họ nói rằng vụ đánh bom tại Paris càng khiến họ thêm quan ngại về chuyện tiếp nhận những người tị nạn Hồi giáo. Các đồng minh của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Bavaria (bang đông nam nước Đức) đã kêu gọi bà thay đổi chính sách “cánh cửa mở rộng” cho người tị nạn. Họ nhấn mạnh rằng vụ tấn công tại Paris càng thôi thúc nhu cầu phải kiểm soát gắt gao hơn.

Ukraine's President Petro Poroshenko kneels near the French embassy as he commemorates victims of attacks in Paris, in Kiev, Ukraine, November 14, 2015. REUTERS/Valentyn Ogirenko

Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine quỳ gối tại nơi tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Paris trước Tòa đại sứ Pháp ở Kiev ngày 14-11-2015. (REUTERS/Valentyn Ogirenko)

Các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nước G20 đang dự cuộc họp thượng đỉnh ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), trong 2 ngày 15 và 16-11-2015, cũng rất quan ngại về vụ tấn công khủng bố mới xảy ra tại Paris. Tổng thống Mỹ Barack Obama thề (lại thề – vow) sẽ tăng tốc các nỗ lực để xóa sổ bọn ISIS và ngăn ngừa chúng thực hiện những vụ tấn công khác giống như vừa ra tay tại Paris. Các nhà lãnh đạo EU thúc giục Nga tập trung các nỗ lực quân sự của mình vào các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Nga đã bắt đầu thực hiện chiến dịch ném bom riêng của họ ở Syria hồi tháng 10-2015. Chỉ có điều, máy bay Nga chỉ nhằm vào các khu vực đang nằm trong tay các nhóm đối lập chống lại Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh của Moscow. Đó là lý do mà Nga tuyên bố rằng hành động của mình là hợp pháp vì được chính quyền Syria yêu cầu.

Trong khi đó tại Vienna (Áo), Ngoại trưởng Ibrahim al-Jaafari của Iraq cho biết các cơ quan tình báo của nước mình vẫn chia sẻ các thông tin cho thấy Pháp, Mỹ và Iran nằm trong số các nước có nguy cơ bị ISIS tấn công.

16N_PARISATTACK 2ed

MoS2 Template Master

Một lần nữa bọn cực đoan khủng bố Hồi giáo lại mua thù chuốc oán với cộng đồng thế giới. Cuộc tấn công ngày 11-9-2001 ở Mỹ giết chết công dân của hơn 90 nước. Theo hãng tin Pháp AFP, tới nay người ta ghi nhận có ít nhất 23 người nước ngoài bị giết chết trong các vụ tấn công tại Paris tối 13-11. Họ là công dân Anh, Bỉ, Bồ Đào Nha, Chile, Đức, Mexico, Morocco, Mỹ, Romania, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Ý,…

French military patrol near the Notre Dame Cathedral the day after a series of deadly attacks in Paris, France, November 14, 2015. REUTERS/Yves Herman - RTS70CF

Cảnh sát quân sự Pháp tuần tra tại khu vực Vương cung Thánh đường Notre Dame Cathedral ở Paris ngày 14-11-2015. (REUTERS/Yves Herman)

151114-paris-after-attacks-3

151114-paris-after-attacks-4

Trang nhất báo chí Pháp ngày 14-11-2015.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-11-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.