Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Lố và lỡ

two_people_one_phone

 

Sáng Chủ nhật hình như bị hưởn nên anh bạn gọi cho tôi cật vấn: Ông nghĩ gì về vụ Like một cái trên Facebook bị phạt 5 triệu đồng ở miền Tây của ông? Mà sao một kẻ nhiều chuyện như ông lại im re lâu quá vậy?

Híc. Tôi xin trả lời câu hỏi sau trước hén. Tôi im re vì tôi vừa sợ (không sợ sao được khi hễ ai nắm chút quyền lực trong tay là tự cho mình có quyền ra lệ), vừa tiếc cái món tiền 5 triệu đồng, quy ra tương đương 220 Obama.

Còn với câu hỏi keyword, tôi chỉ xin trả lời trong 2 nốt nhạc: “Lố” và “Lỡ”.

  • Vì sao lố? Cái này ai cũng hiểu mà có lẽ chỉ có mấy người không hiểu (bị ảnh hưởng bởi bài thơ Chút Tình Đầu của Kwan Tiên Sinh). Hỗm rày, giới luật sư ì xèo khẳng định chuyện xử lý vụ này là không đúng luật, thậm chí không nằm trong luật hiện hành. Trước đây, giới hữu trách Việt Nam đã rất vất vả mới có thể đồng ý với nhau và giảm được đáng kể tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự. Cái vụ xử Facebook này cũng na ná như vậy. Thay vì coi lời bình phẩm của cư dân mạng như một cảm nhận chủ quan của cá nhân đối với một đối tượng nào đó trong xã hội chung quanh mình, có những người lại hăm hở suy diễn và phóng đại nó lên vượt khung vào một phạm trù khác hẳn mà lại đầy nguy hiểm cho người ta.

Đã vậy, “nạn nhân” (tạm gọi như vậy) thừa nhận với báo chí rằng mình chưa hề biết gì cho tới khi “thủ phạm” đã bị xử lý. Có nghĩa là ai đó đã quá mau mắn mà thay mặt cả nạn nhân, lo trước cái lo của… quan trên. Trong ngữ cảnh này, sự mau mắn “đáng ngạc nhiên” như vậy có thể được giải thích là do ai đó muốn ghi điểm với cấp trên hoặc chớp cơ hội ngàn vàng để ra tay răn đe hầu phòng ngừa những trường hợp tương tự sau này. Ở đây, tôi không tin là nó xuất phát từ tấm lòng vì dân, lo cho dân bị xử phạt, mà chủ yếu là lo giùm cho các… quan.

Nhiều ý kiến trên báo chí nói rằng nếu như không có tình tiết gì khác hơn mấy lời bình phẩm mà ai cũng biết đó, việc xử lý trường hợp này đã bị quá lố. Tôi mở đèn pha rọi tìm cả buổi mà vẫn không tìm thấy bit thông tin nào cho thấy những lời bình phẩm như vậy là xúc phạm, gây mất uy tín, mất danh dự cho một ai đó. Chúng đơn giản chỉ là một lời nhận xét mang tính chủ quan trên trang cá nhân của một công dân thời Internet trong thế giới phẳng. Giống như cô hoa hậu có thể đẹp ngất ngây với ban giám khảo, nhưng lại xấu hoắc với tôi. Khi tôi không khen cô hoa hậu, bất quá cô nàng và các fan cuồng của cô có thể chê tôi là hâm tỉ độ, tưng tửng hay mắt bị bù lạch ăn.

Rõ ràng trong chuyện này mấu chốt là cách người ta nhìn nhận một vấn đề. Các bên đều có tính chủ quan nhất định. Thương nhau, trái ấu cũng tròn; ghét nhau, quả bồ hòn cũng méo.

Mà thiệt tình thì cũng có khi trông mặt như vậy mà không phải lúc nào cũng có thể bắt hình dong được đâu. Lỡ người ta bị bà mụ vụng về, hậu đậu cỡ Nobita nắn không chuẩn thì sao. Hồi xưa ở trường trung học của tôi có một sư huynh cha sanh mẹ đẻ có cái đầu nghiêng nghiêng một bên. Báo hại, anh từng không ít phen bị người mới quen chửi là làm phách, cái mặt luôn nghinh nghinh cà bật. Nghe nói có lần anh bị uýnh dằn mặt nữa.

Đêm qua tôi nằm mơ thấy có một phủ nọ, khi quan Tứ Mõ phát hiện có mấy thứ dân chê quan phụ mẫu chi dân của mình, quan bèn phụ nhĩ với quan tri huyện nhắc nhở dân sở tại không nên làm vậy, phân trần thiệt hơn cho họ rõ. Còn quan tri phủ khi hay tin đã vội vàng soi gương nhìn lại mình, coi đó như sự đánh giá của người dân về cương vị của mình, nghĩ cách làm sao để cho con dân của mình cảm thấy sướng vì mình hơn. Vậy là, bản thân mấy người dân chê bai quan đã bị hố hàng, bị bá tánh cười chê. Còn quan tri phủ vừa chứng minh mình chớ hề vậy, có lòng cầu thị, vừa được mọi người khen là có lòng rộng lượng, có văn hóa, có cả tâm lẫn tầm. (Tâm đây là tâm hồn chớ hỗng phải tâm thần, và tầm đây là tầm cỡ chớ nào phải tầm bậy). Tới đây thì tiếng chuông báo có message mới của Facebook vang lên làm tôi giựt mình tỉnh giấc mơ.

Càng buồn khi cái lố này là lố toàn tập. Giữa cơn sóng gió ba đào thì cái sảy nó nảy cái ung khi một phòng chức năng nọ chế thêm xăng 95 vô lửa bằng cách tung ra cái công văn ra lệnh cấm các nhân viên, thầy cô và cả học sinh trực thuộc địa phương bình phẩm hay nhấn nút Like hoặc chia sẻ đối với những post có nội dung “tiêu cực” liên quan tới chế độ, chính sách, tôn giáo, dân tộc, chính trị, tổ chức và cá nhân. Đành rằng mỗi tổ chức có những quy định riêng của mình, nhưng, như một số luật gia cho biết, chúng phải hợp pháp luật và đặc biệt là không được vi phạm hiến pháp. Thôi thì những nội dung khác đã có pháp luật quy định cả rồi, còn cái vụ với chế độ chính sách mà cấm quần chúng có ý kiến thì quả là…. lố. Cũng may đây chỉ là hành động của một ngành mà xưa nay vốn được coi là ngoan hiền nhất ở các địa phương. Và càng may hơn khi UBND – nơi chủ quản của cái phòng đó – đã tuýt còi ra lệnh thu hồi cái công văn “không giống con giáp” nào đó.

  • Còn lỡ thì sao? Theo niềm tin của tôi, có lẽ các cơ quan chức năng có liên quan cũng đã hiểu ra vấn đề là mình quá vội vàng và quá lố. Chỉ có điều là có ai đó thiếu dũng cảm để nhận sai về mình. Vậy là lỡ rồi. Cũng theo niềm tin của tôi, có lẽ họ biết mình lỡ rồi nên giờ đang mong các đối tượng bị xử lý lên tiếng khiếu nại để họ có cơ hội mà sửa sai nhưng vẫn giữ được uy tín (đó là kiểu giữ uy tín theo cách họ nghĩ). Đáng tiếc là trong 3 người, chỉ mới có 1 người khiếu nại theo hướng xin giảm mức phạt, còn hai người kia đã mau mắn chấp hành án phạt. Thiệt là nghiệt ngã. Việc tự nguyện chấp hành hình phạt này lẽ ra cho thấy sự ăn năn hối tội của người vi phạm và chứng minh quyết định của cơ quan chức năng là đúng đắn. Nhưng trong trường hợp tế nhị này, nó lại làm cho người ta bị lâm vô thế kẹt chẳng thể sửa sai khiến sẽ bị lưu danh mãi mãi. Chẳng lẽ nên phạt thêm mấy người này về tội gây thế kẹt cho nhà chức trách!

Tôi nghĩ rằng do tất cả những người “có vấn đề” trong trường hợp này không phải là thường dân, mà đều là viên chức Nhà nước và thậm chí là đảng viên, họ phải chịu chi phối bởi những quy định riêng của tổ chức mà mình đang thuộc về. Cái đó thì mọi người có thể “no table” (không bàn) nữa. Chuyện nội bộ của người ta, người ngoài không nên can dự. Và lẽ ra đã không gây nên chuyện gì nếu như chuyện này chỉ dừng ở việc xử lý nội bộ lẫn nhau. Đằng này, ai đó lại muốn nó có tầm phủ sóng rộng khắp để có tính răn đe. Ai dè…

Có những người lo rằng vụ này nếu không được xử lý rốt ráo có thể tạo tiền lệ cho các địa phương khác. Tôi có niềm tin rằng các địa phương khác đang mừng rỡ hân hoan vì họ đã không gây thêm chuyện như vậy. Được vậy thì ơn giời biết bao nhiêu cho con dân trăm họ!

Nếu có ai cắc cớ hỏi tôi làm thế nào để nơi không xa ấy thoát ra khỏi cuộc “khủng hoảng truyền thông” này, tôi chỉ có thể bày như vầy nè: Quan chủ tỉnh trực tiếp chỉ đạo cho cái cơ quan xử phạt xem xét lại toàn bộ vấn đề, không khăng khăng đòi phải có khiếu nại mới làm. Sau đó thì dừng lại ở mức cùng nhau rút kinh nghiệm. Bất luận thế nào thì trong một nhà nước pháp quyền, mọi hành xử đều phải tuân thủ luật pháp và hiến pháp – đặc biệt là hành xử của cơ quan công quyền. Các đối tượng bị coi là vi phạm kia chỉ cần bị nhắc nhở bởi cơ quan mà mình đang làm việc. Họ có thể bị cắt thi đua trong quý hay trong năm, nếu như xét thấy có vi phạm nội quy cơ quan. Điều trùng hợp ở đây là quan đầu tỉnh lại vừa là người đứng đầu bộ máy công quyền của tỉnh, vừa là đối tượng bị ảnh hưởng. Vì thế, hành động như vậy càng tôn thêm giá trị và uy tín cho vị này. Hình ảnh càng đẹp thêm trong mắt quần chúng. Đồng thời quan chủ tỉnh cũng giúp cho thuộc cấp của mình gỡ được cái thế kẹt lỡ vướng phải.

Cho tới hôm nay, các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn khăng khăng là mình không sai. Thôi, tranh cãi với cơ quan công quyền là hỗng hên. Ừ thì mà là rằng họ không sai. Chỉ có điều là làm không đáng mà thôi nhé. Hy vọng tất cả đều hài lòng với chừng mực đó.

  • Nói thiệt, xin đừng phạt tội nghiệp, trong tất cả chuyện này, tôi chỉ rút ra được một bài học để chia sẻ với mọi người. Từ nay, để ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc và tốn tiền như vừa xảy ra, các đôi vợ chồng hay tình nhân chớ nên xài chung thiết bị của nhau, và tài khoản mạng xã hội của ai thì người đó quản. Hồn ai nấy giữ! Chung chạ vừa phiền phức hiện tại, vừa nguy hiểm tương lai. Bằng chứng nhãn tiền đó, không tin thì về miền Tây mà coi… Có ai Like điều này không?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 22-11-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.