Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Chụp selfie sao cho thật sự sướng

 

Trong thời của smartphone, ngày càng có thêm nhiều người đam mê nhiếp ảnh di động (mobile photography). Nhưng đã trở thành một trào lưu được người dùng rộng rãi bất luận già trẻ nam nữ ham thích chính là chụp ảnh tự sướng (selfie) để chia sẻ trên các mạng truyền thông xã hội.

selfie-mona

Ngay cả nàng Mosa Lina của nhà danh họa Ý Leonardo da Vinci cũng mê selfie. (Ảnh chế).

MÁY ẢNH SELFIE NGÀY CÀNG XỊN

Chính nhu cầu của người dùng đã buộc các hãng điện thoại phải thay đổi quan niệm của mình. Trước đây, họ chỉ tập trung đầu tư cho camera sau với mục tiêu vượt qua chất lượng của máy ảnh compact và ngày càng gần hơn với máy ảnh chuyên nghiệp DSLR. Còn máy ảnh phía trước chỉ cốt dành cho các cuộc gọi có hình video call nên chỉ cần độ phân giải VGA, hay ngon lắm là có khả năng quay video HD 720p. Có nghĩa là độ phân giải của camera dưới 1MP hay tối đa cũng chỉ 2MP.

Bây giờ, thậm chí một dòng smartphone mới đã ra đời, gọi là selfie phone. Đây là những model smartphone được trang bị hệ thống camera cả phần cứng lẫn phần mềm được phát triển để tăng cường chức năng chụp ảnh selfie. Độ phân giải phổ biến của camera trước đã được nâng lên 5MP. Thậm chí có một số smartphone có camera trước chẳng thua kém gì camera chính ở những dòng máy cao cấp. Chẳng hạn như chiếc Asus Zenfone Selfie có hệ thống camera trước một chín một mười với camera sau, cả hai đều có độ phân giải tới 13MP với đèn LED flash kép có 2 tông màu khác nhau cho màu sắc trung thực hơn, đặc biệt là màu da người. Mới đây, hãng LG giới thiệu chiếc smartphone V10 được trang bị tới 2 camera trước Duo 5MP (một camera có góc chuẩn 80 độ và một camera có góc rộng 120 độ cho phép chọn chụp ảnh hay quay phim giữa chế độ tiêu chuẩn và chế độ góc rộng).

Selfie một mình chưa đã, người ta còn chụp ảnh chung cả nhóm. Vì thế, máy ảnh selfie được trang bị thêm tính năng góc rộng để có thể bao trùm nhiều người hơn và lấy được hậu cảnh rộng hơn.

Vài năm trước, người dùng phải cài đặt thêm ứng dụng chuyên biệt để làm đẹp ảnh chụp selfie. Chẳng hạn như ứng dụng Camera 360. Còn bây giờ, một số nhà sản xuất đã cho tích hợp sẵn bộ công cụ làm đẹp để ngay trong khi chụp ảnh selfie, người dùng có thể chỉnh sửa dung nhan mình cho đẹp hơn. Kết quả là những tấm ảnh tự sướng trông lạ và đẹp… không tưởng nổi. Người ta gọi đùa đây là bộ công cụ “lừa tình”. Nhiều người sẽ bị nhầm lẫn tai hại khi hình ảnh chụp selfie đẹp hơn rất nhiều so với người thật.

 

TỰ SƯỚNG SAO CHO THẬT SƯỚNG

Đừng tưởng là chỉ có giới trẻ và dân thường mới phát nóng phát sốt với selfie. Ngay cả Đức giáo hoàng Francis và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chụp ảnh selfie.

Có lẽ một trong những vụ chụp ảnh selfie nổi đình đám nhất chính là vụ xảy ra tại tỉnh Johannesburg (Nam Phi) trong lễ truy điệu huyền thoại châu Phi Nelson Mandela sáng 10-12-2013. Đang ngồi trên khán đài danh dự, bỗng nhiên bà Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt lấy chiếc smartphone ra rủ Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Anh David Careron chụp chung với mình một tấm ảnh do bà tự chụp. Cả 2 gentleman đã không thèm giấu vẻ hớn hở nghiêng người chụm đầu chung với người đẹp Scandinavia, riêng ông Obama còn đưa tay phụ cầm điện thoại với bà Thủ tướng Đan Mạch xinh đẹp.

This combo of pictures shows US President Barack Obama (R) and British Prime Minister David Cameron (L) posing for a selfie photo with Denmark's Prime Minister Helle Thorning Schmidt (C) during the memorial service of South African former president Nelson Mandela at the FNB Stadium (Soccer City) in Johannesburg on December 10, 2013. Mandela, the revered icon of the anti-apartheid struggle in South Africa and one of the towering political figures of the 20th century, died in Johannesburg on December 5 at age 95. AFP PHOTO / ROBERTO SCHMIDT        (Photo credit should read ROBERTO SCHMIDT/AFP/Getty Images)

Tổng thống Mỹ Barack Obama (bìa phải) cùng chụp ảnh selfie với Thủ tướng Anh David Cameron (bìa trái) và nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt trong lễ tưởng niệm cố cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela trên sân vận động FNB Stadium (Soccer City) ở Johannesburg ngày 10-12-2013. (AFP PHOTO / ROBERTO SCHMIDT / Getty Images)

Ngày 28-8-2013, tại nhà thờ Saint Peter’s Basilica, Đức giáo hoàng Francis đã chụp chung một tấm ảnh selfie với một nhóm bạn trẻ đang viếng thăm Vatican. Báo chí đã gọi đây là “Papal selfie” (selfie giáo hoàng). Và Ngài đã không ít lần vui vẻ chụp ảnh selfie chung với mọi người, đặc biệt là trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi hạ tuần tháng 9-2015.

selfie-pope-francis-01_resize

Tấm ảnh “Papal selfie” đầu tiên của Đức giáo hoàng Francis được chụp với nhóm bạn trẻ từ Giáo phận Piacenza và Bobbio tại nhà thờ St. Peter’s Basilica ở Vatican ngày 28-8-2013. (Ảnh: L’Osservatore Romano via Reuters)

selfie-pope-francis-02

Đức giáo hoàng Francis chụp ảnh selfie với các nữ sinh một trường của người Mỹ gốc Lithuania gần thủ đô Washington DC ngày 23-9-2015 trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của Ngài. (Ảnh: NBC News)

Thuật ngữ “selfie” đã chính thức đi vào học thuật khi hồi năm 2013 đã được từ điển Oxford English Dictionary chọn làm Từ nổi tiếng của năm (Word of the Year) và đưa vào bộ từ điển nổi tiếng thế giới này. Từ selfie được giải nghĩa là khi một người cầm một chiếc máy ảnh hay smartphone trên tay mình và tự chụp ảnh khuôn mặt mình.

Gần đây, thương hiệu smartphone Lumia của Microsoft còn đưa ra thuật ngữ “wefie” để chỉ cái thú vui chụp ảnh tự sướng nhiều người một lúc.

Chính các mạng truyền thông xã hội như Facebook, đặc biệt là các mạng chuyên chia sẻ ảnh như Instagram đã góp phần lớn nhất hình thành trào lưu selfie. Trong số 1,44 tỷ thành viên hoạt động hàng tháng của Facebook (số liệu cuối tháng 3-2015), chắc chắn đại đa số, không dám nói là gần hết, từng chụp ảnh selfie để “cúng phây”. Theo trang Times of Youth (5-2015), chỉ nội trên mạng Instagram, cái hashtag “#selfie” tới nay đã được gán vào 103.363.215 tấm ảnh. Người ta tính rằng chỉ trong 2 giờ có thể có tới hơn 50.000 tấm ảnh selfie được đưa lên mạng này.

Selfie không phải chỉ là một hiện tượng toàn cầu mà còn trở thành một dạng văn hóa công nghệ và đời thường. Chính do nó quá “bình dân học vụ” phổ cập tới đủ mọi tầng lớp xã hội mà việc chụp ảnh selfie cũng bộc lộ những mặt xấu lâu nay bị càm ràm. Phổ biến nhất là selfie mọi lúc mọi nơi nên có nhiều khi không đúng lúc, không đúng chỗ. Hễ chụp ảnh selfie là gây chộn rộn, nhất là hầu như ai cũng cười toe toét, làm trò trên gương mặt để có những tấm ảnh đẹp nhất hay “độc” nhất. Một sự kiện nghiêm túc sẽ bị ảnh hưởng nếu có ai đó nổi hứng nhảy ra làm selfie một cái. Thường bị lên án là những tấm ảnh selfie chụp ở những chỗ “nhạy cảm” và “tế nhị” như nơi xảy ra tai nạn, thảm họa,… Cũng vì muốn có những tấm ảnh “không đụng hàng” nên có khi người ta bày ra lắm chiêu trò, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng cho người chụp hay người khác.

Trong những cuộc đua xe đạp nổi tiếng thế giới Tour de France ở Pháp và Anh mấy năm gần đây, nhiều tai nạn đã xảy ra cho các tay đua do khán giả nhảy ra đường chụp ảnh selfie va chạm vào những tay đua đang lao với vận tốc cao.

Tour-de-France-2014

Tour de France

Cũng giống như chụp ảnh truyền thống, chụp ảnh selfie cũng có thể xâm phạm quyền tự do cá nhân và bí mật riêng tư của người khác khi những hình ảnh, chi tiết có liên quan tới họ lọt vào ảnh rồi bị phát tán trên mạng xã hội.

Vì vậy, một số nước đã phải ban hành những quy định, thậm chí ra cả luật, để kiểm soát việc chụp ảnh selfie. Hồi năm 2014, một số nghị sĩ Philippines đã trình dự luật House Bill 4807 chống xâm phạm cá nhân mà dư luận giọi là luật “chống selfie” và được cảnh báo sẽ kết liễu loại hình “nhiếp ảnh đường phố”. Dĩ nhiên là dự luật này bị dân chúng phản đối. Liên hiệp các nhà báo quốc gia Philippines (NUJP) nhấn mạnh dự luật này vi phạm cả quyền tự do báo chí lẫn quyền tự do biểu đạt của công dân.

Với lý do ngăn ngừa gian lận bầu cử, bang Indiana (Mỹ) trong năm 2015 đã thông qua luật cấm chụp ảnh selfie tại phòng bỏ phiếu rồi chia sẻ trên mạng xã hội (gọi là luật Ballot selfie law). Tổ chức tự do công dân ACLU ở Indiana đã kiện lên liên bang và ngày 19-10-2015, Thẩm phán liên bang Sarah Evans Barker đã ra phán quyết ngăn chặn bang Indiana áp dụng luật mới này.

Nói tóm lại, để chụp ảnh tự sướng mà mọi người đều được sướng thật sự, người ta phải chụp đúng nơi, đúng lúc và không làm ảnh hưởng tới người khác.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP Chủ nhật 27-12-2015 và trên Pháp Luật TP Online.

151227-baibao-phapluattp-02_resize

151227-baibao-phapluattp-01_resize