Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Truy tìm thủy tổ loài khỉ

 funny-monkey_resize

NĂM THÂN, PHIẾM CHUYỆN KHỈ:

(Đỗ Xanh kể lại từ truyện cổ tích Việt)

Bên trời Tây, vào một ngày u ám, cụ Darwin trong cơn thông minh đột xuất vỗ đùi la toáng lên: “Ngộ rồi! thủy tổ của người là khỉ.” Lời phán của cụ không có bằng chứng đi kèm, thiên hạ bèn xếp ý kiến của cụ vào loại giả thuyết. Trái lại bên trời Đông, chính xác là ở Việt Nam, có bác dân cày nói với con cháu: “Bây biết không! Thủy tổ của khỉ là người.” Hít một hơi điếu cày, bác nói tiếp: “Chuyện xảy ra từ đời vua Hùng.” Dân ta vốn coi triều đại 18 vua Hùng là linh thời. Bất cứ chuyện gì xảy ra vào thời đó đều được xếp vào loại sấm ngôn, nghĩa là di huấn của tổ tiên. Vì vậy dân ta đều răm rắp tin là thật, chẳng ai dám đòi hỏi bằng chứng. Hồi còn bé, Đỗ Xanh tôi cũng được cụ tổ nội kể cho nghe truyện này, vậy xin kể lại.

Ngày xửa ngày xưa, đời vua Hùng thứ mười, ở làng Cối, có trọc phú họ Keo. Dòng họ Keo là thứ ác ôn, chuyên bóc lột dân nghèo mà trở nên giàu sụ. Trong nhà Keo có tớ gái tên Thị. Thị là trái thị. Người xưa có thói quen lấy tên hoa trái đặt tên cho con. Thị là cô gái mồ côi, mặt mũi lem luốc vì Thị phải làm việc quần quật suốt ngày tới rất khuya. Cô ít có lúc ngơi việc để tắm rửa. Mỗi bữa cơm, Thị chỉ được ăn những đồ thừa thãi như xương cá và cơm cháy. Một hôm, Thị đi lấy nước ở giếng làng. Thị thấy mặt mình in trong nước xanh xao ốm đói và thểu não, cô tủi thân gục mặt vào đầu gối mà khóc. Bỗng có cụ già mặt sáng như vàng ròng, mắt lộ như mắt rồng, râu gợn sóng tựa rong biển, đến bên cạnh. Cụ hỏi: “Ô hay! tại sao con khóc?” Thị sợ chủ không dám nói thật bèn thưa lại: “Dạ, bụng con nó buồn quá nên nước mắt cứ tuôn rơi. Con ghì lại mà không đặng.” Ông cụ chỉ tay vào lòng giếng nói: “Con có thấy những bông hoa nho nhỏ mọc trên thành giếng không? Hương của chúng giải được cả những mối sầu vạn cổ. Con hái một ít mà dùng.” Thị thấy giữa những khe rêu xanh như mây trời, có những cụm hoa trắng như hạt xôi nếp. Vốn đang bị đói, Thị bứt một nắm hoa trắng bỏ vào miệng ăn. Cô tự nhiên thấy hết đói và cũng hết buồn. Cô vội chắp tay xá cụ già: “Bẩm cụ ạ ạ ạ.. Con xin ngàn lạy đội ơn cụ ạ ạ ạ… Bi giờ con xin phép về, kẻo… trễ ạ.” Cô định nói “kẻo bị ốm đòn” nhưng ngừng lại.

Không ngờ, khi Thị gánh nước vào sân, cả nhà trọc phú Keo chạy ra chào mừng. Keo tạo dáng quí phái vòng tay hỏi: “Thưa Mị nương, ngọn gió nào đưa tiên nương hạ chân ngọc đến tệ xá… có việc chi?” Thị ngạc nhiên vô cùng, cô nói: “Bẩm ông lớn, con là cái Thị đây mà.” Mọi người nghe thế đều té ngửa. Hóa ra sau khi ăn những bông hoa, Thị trở nên xinh đẹp như tiên. Đẹp đến nỗi con chim sáo cô nuôi hằng ngày, thấy cô, nó đơ người rớt xuống đất cái bịch. (Từ đó dân gian có thành ngữ “chim sa cá lặn”). Thị kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mọi người nghe. Óc của trọc phú Keo lóe lên những tính toán rồi vội vàng nhận Thị làm con nuôi. Keo định bụng mai mốt sẽ gả cô cho quan để hưởng lợi. Rồi cả gia đình trọc phú, gồm khoảng hai chục mạng, chạy trối chết ra cái giếng. Họ thấy cụ già mắt lồi vẫn ngồi đó. Họ bèn nhăn mặt nhập vai buồn khổ. Bà trọc phú cố rặn ra vài giọt nước mắt. Rồi mọi việc cũng xảy ra y hệt như đã xảy ra với Thị. Chỉ có một chi tiết khác là trong vách giếng có những bông hoa đỏ như máu. Cả nhà trọc phú tranh nhau bứt hoa đỏ bỏ vào miệng nuốt lấy nuốt để. Cụ già đứng dậy, phủi mông, rồi lạng mình lẩn vào trong đám sương thu. Bất chợt cả nhà ông trọc phú thấy mình mẩy ngứa ngáy rồi lông lá mọc ra khắp người. Họ sợ hãi kêu gọi nhau, nhưng miệng chỉ phát ra những tiếng chí chóe inh ỏi. Họ kéo nhau về nhà, những người làm công tưởng họ là bầy thú trong rừng tới phá phách. Chúng vác đòn gánh quật vào lưng họ những cú mạnh như trời giáng. Phú bà biết có cái cửa ngõ sau bếp, bà vòng ra sau nhà định lẻn vào. Chẳng may bà gặp phải anh nuôi heo đang nấu cám. Anh ta tung ra một thế liên hoàn cước khiến bà văng xa tới 10 trượng. Cả đàn thú sợ hãi, đứa ôm đầu, đứa thoa lưng, dìu nhau thất thểu chạy vào rừng.

Cả tuần không thấy gia đình phú hộ về nhà, Thị là con nuôi của vợ chồng họ, nên gia cư điền sản của họ đều thuộc về Thị. Chẳng bao lâu những người của gia đình trọc phú ở trong rừng sanh con đẻ cái cả bầy. Dân làng gọi họ là bầy “khỉ”.

Riêng vợ chồng trọc phú tiếc của cứ đêm trăng rằm lại mò về nhà. Hai “người”, bây giờ là khỉ, sợ ăn đòn  nên cứ ngồi trước cổng nhà mà chửi đổng. Trong đêm thanh vắng tiếng chu chéo của họ nghe cũng thấy ớn. Nằm trong nhà Thị sợ quá khóc hu hu. Ông cụ bên thành giếng lại hiện ra. Cụ đã biết rõ mọi việc, nhưng vẫn theo đúng thủ tục, cụ hỏi: “Ô hay! tại sao con khóc?”  Thị tỉ tê kể rõ nguyên nhân, ông cụ bèn mách: “Con cho người lấy hai cái cối đá nung cho nóng rồi đặt vào chỗ hai con khỉ thường ngồi.” Nói xong ông cụ bước đi lập lờ tan trong ánh trăng. Tối hôm đó hai con khỉ như thường lệ đến trước cửa nhà. Chúng thấy hai cái cối đá. Chúng hí hửng ngồi vào. Ai dè cối đá nóng cháy rụi cả mông, chúng ré lên chạy vào rừng. Lạ một điều vết thương không lành nó cứ đỏ chóe, kể từ đó mà có giống khỉ đỏ đít.

Cô Thị sau đó rộng tay chia sẻ gia tài cho mọi người làm công trong nhà. Sắc đẹp và tiếng tốt của cô đồn ra khắp vùng. Cuối cùng có quan Lang xin đến kết hôn với cô. Từ đó mọi người sống trong hạnh phúc.

Funny-monkeys-give-motivation-message_resize

Mấy năm gần đây Đỗ Xanh tôi có tham cứu ngành dân tộc học (ethnology), Đỗ tôi nghiệm ra ông cụ râu dài mắt lồi bên thành giếng chính là cụ rồng tổ Lạc Long Quân. Còn cái giếng, đến đời An Dương Vương, nó là nơi Trọng Thủy và Mị Châu thường lén vua cha ra đó hò hẹn. Bước qua đời nhà Triệu, giới phụ nữ Việt ai cũng muốn đẹp như cô Thị, họ bèn lấy chữ Thị đặt bên cạnh tên của mình để lấy hên. Vì vậy hễ tên của con gái Việt là có chữ Thị. Tục lệ này lưu truyền qua bao thế hệ, cho đến mới đây người ta bị choáng bởi những danh hiệu trên phết-búc, như “Lạnh lùng lắm lúc lỳ lợm”. Thế là họ thi nhau đặt cho mình những tên lạ, miễn gây ra ấn tượng là ăn tiền. Chữ Thị ít còn ai xài nữa.

Đỗ Xanh tôi không phải là nhà khỉ học, nên không lạm bàn về thuyết Darwin. Đỗ tôi cứ bám trụ vào cốt truyện cổ tích mà nghiền ngẫm lời dạy của tổ tiên. Đỗ tôi trộm nghĩ, nếu cứ nói khơi khơi “thủy tổ của khỉ là người”, coi vậy mà không thông. Phải nói rõ “thủy tổ của khỉ là những tên trọc phú” thì mới đạt. Thêm nữa, con nhà nghèo và những người bị bạc đãi ai cũng có cuộc đời đẹp. Họ chỉ trở nên lam lũ xấu xí vì bị hà hiếp nên đời sống mới phải lầm than. Vậy nếu những tên  “sát thủ đầu mưng mủ” và “ác ôn vùng nông thôn” bị tống vào rừng thành khỉ, dân nghèo sẽ trở lại đẹp ngay. Đỗ Xanh tôi trộm nghĩ, hiểu như thế mới trúng cái ý của tiền nhân.

ĐỖ XANH

(California, Hoa Kỳ Tết Bính Thân 2016)
+ Nguồn minh họa: Internet. Thanks.