Chỉ vì bị tước đoạt mất đĩa cơm tấm “xe lửa”…
Tôi từng nhiều lần tới ăn cơm tấm tại quán Cơm Tấm Cali trên đường Nguyễn Văn Trỗi, góc hẻm 115 Lê Văn Sĩ (Quận Phú Nhuận, TP.HCM). Nói thiệt, tôi vốn hảo cơm tấm, nhưng với khẩu vị của tôi, Cơm Tấm Cali không ngon miệng bằng Cơm Tấm Thuận Kiều đâu. Và Cơm Tấm Cali có nhiều điểm trên khắp thành phố, thậm chí cách nhà tôi ở Chợ Lớn chừng 200 mét cũng có một điểm nằm bên vòng xoay Ngã Sáu Chợ Lớn. Tôi ghé vào quán Cơm Tấm Cali ở đó chỉ vì tôi gọi nó là “Cơm tấm đường rầy xe lửa”.
Với vị thế đặc biệt, nằm xoay hông ra đường rầy xe lửa, quán Cơm Tấm Cali này cho phép người ngồi ăn bên trong có thể nhìn xuyên qua cửa kính ngắm những đoàn tàu, những đầu tàu xe lửa qua lại mỗi ngày. Và dĩ nhiên là tôi chỉ tới ăn cơm tấm ở đó vào những giờ sắp có xe lửa chạy qua.
Vậy mà từ gần chánh ngọ ngày Chủ nhựt 20-3-2016 (nhằm ngày 12-2 Bính Thân), tôi hết còn được hưởng cái thú ăn cơm tấm ngắm xe lửa nữa rồi. Bởi lẽ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai đã bị một chiếc sà lan chở nặng cát đâm sập. Đây lại là cây cầu có đường sắt chạy qua và nằm trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Cầu sông Ghềnh 112 tuổi ở thành phố Biên Hòa sập có nghĩa là đường sắt bị cắt đứt ở đó. Hệ lụy là hai ga Sài Gòn và Sóng Thần không còn đưa đón đoàn tàu nào được nữa. Từ nay, muốn đi ra Bắc, người ta phải xuất phát từ ga Biên Hòa, và từ Bắc vào Nam phải dừng lại ở ga Biên Hòa.
Ừ, tôi chẳng có suy nghĩ vĩ mô chi đâu. Chỉ vì mất cái đĩa cơm tấm có khối cơm tấm đúc hình vuông với hoa văn đặc trưng của Cơm Tấm Cali để ăn câu giờ mà đón những đoàn tàu lửa qua lại ngay trước mặt mình mà tôi ấm ức để viết đôi điều.
Xin mời các bạn đọc trên báo Tuổi Trẻ Online hén:
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Cầu Ghềnh sau khi bị sà lan đâm sập. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)