Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Công Cha như núi Thái Sơn

160619-father-day-php

Mỗi năm cứ đến ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 6, người Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới dành riêng ngày này để bày tỏ lòng tôn kính đối với Cha mình. Đó là Ngày của Bố, Ngày Thân phụ – Father’s Day. Ngày Father’s Day năm 2016 này là ngày Chủ nhật 19-6.

Father’s Day không phải là một ngày lễ liên bang được nghỉ (federal holyday), mà là một ngày kỷ niệm để tôn kính (observance day). Mọi hoạt động của xã hội vẫn diễn ra bình thường như bất cứ một ngày Chủ nhật nào khác. Nó cũng lặng lẽ và đơn giản như tình yêu mà người Cha luôn dành cho các con yêu quý của mình. Khác với người Mẹ luôn ở bên cạnh vỗ về, chăm chút cho con, người Cha yêu con từ xa, yêu con một cách lặng lẽ hơn và lấy việc bảo đảm cho con mình có được một cuộc sống an vui và hạnh phúc là mục tiêu tối thượng. Người Cha ở tuyến đầu trên chiến trường cuộc sống để bảo vệ gia đình mình và thực thi trọng trách làm lụng bảo đảm nguồn sống cho gia đình mình. Và rồi, khi có bất kỳ việc gì nặng nề, nghiêm trọng của gia đình mình, người Cha ngay và luôn kê đôi vai và tấm lưng của mình ra gánh đỡ. Tình yêu của người Cha dành cho con mình không hề ồn ào. Nhưng tình yêu đó là những con sóng ngầm luôn mãnh liệt, có sức mạnh cuốn phăng tất cả, và sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì con mình.

Nguồn gốc ngày Father’s Day ở Mỹ có lẽ bắt nguồn từ một lễ tưởng niệm được tổ chức vào năm 1908 dành cho một số lớn những người đàn ông, phần đông trong họ là những người cha, đã bị tử nạn trong một tai nạn hầm mỏ ở Monongah (West Virginia) hồi tháng 12-1907. Ngày Father’s Day đầu tiên ở Mỹ được tổ chức vào tháng 6-1910, và nó đã được Tổng thống Richard Nixon ký lệnh công nhận là một ngày lễ chính thức vào năm 1972.

Người Mỹ hình thành ngày Father’s Day để làm dịp tôn vinh người Cha kính yêu của mình, tạ ơn Cha về tình yêu và những gì Người đã làm cho cuộc đời mình. Vào ngày này, nhiều người có tập tục gửi thiệp và quà cho Cha mình. Những món quà phổ biến nhất là những thứ dành cho đàn ông như vật dụng, quần áo thể thao, thiết bị điện tử, dụng cụ đi câu và dã ngoại, thậm chí cả các công cụ sửa chữa nhà cửa. Tôi có người bạn có hai đứa con tặng cho bố chúng những phiếu mua hàng ở Home Depot, chắc có thêm cái ý đồ là một công đôi chuyện vừa làm quà mừng Cha, vừa để Cha mua đồ gia dụng về phục vụ cả nhà. Nhiều trường học tổ chức cho học sinh tự làm những tấm thiệp mừng Cha mình. Và trong ngày Chủ nhật này, có lẽ các nhà hàng là tấp nập hơn cả khi nhiều người con mời Cha mình đi ăn.

Thực tế là trên cả thế giới, các tác phẩm văn học – nghệ thuật nói về tình yêu của con dành cho Cha hay để vinh danh người Cha vô cùng ít ỏi so với dành cho Mẹ. Chẳng phải là vì con cái có sự phân biệt đối xử đâu. Tôi chọn cách giải thích tốt cho tất cả là vì các tác giả văn học – nghệ thuật hầu hết là cánh đàn ông – chẳng lẽ mèo lại khen mèo dài đuôi thì chẳng còn manly hay gentleman chút nào.

Câu ca dao kinh điển của Việt Nam về người Cha (nhưng như lẽ thường vẫn phải cập kè với Mẹ):

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Câu thư pháp phổ quát nhất về người Cha:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời chẳng ai khổ bằng cha

Bài hát Việt hay nhất về người Cha: Ơn nghĩa sinh thành của Dương Thiệu Tước:


Bài hát nước ngoài thường được hát nhất về Cha: Papa của Paul Anka:

 

Tôi chẳng dám dông dài vì để các bạn mình có thời gian mà thể hiện tình yêu kính của mình đối với Cha mình trong ngày đặc biệt này. Tôi cũng đi thắp cho Cha mình một nén hương và mời Cha cùng ăn một chiếc bánh chưng mà thuở sinh thời, Cha tôi mỗi Tết đều gói bánh chưng một cách trứ danh.

Xin chúc mừng các bạn nam của tôi đang và sắp làm Cha. Chúc các bạn luôn là những người Cha rất mực kính yêu trong mắt và trong lòng của các con mình.

Happy Father’s Day

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh gốc: Internet. Thanks.