Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Sĩ tử lại tựu trường thi

kids-painting-children-2

Sáng thứ Năm 30-6-2016 thành phố càng thức sớm hơn, chộn rộn hơn. Những ngã đường dẫn về những điểm trường thi có xe cộ nhiều hơn. Bởi, sáng nay các thí sinh dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2016 tới các địa điểm thi của mình để làm thủ tục trước khi chính thức bước vào cuộc thi thố năng lực từ ngày mai 1-7-2016.

Theo số liệu chính thức,  kỳ thi THPT quốc gia 2016 có 887.396 học sinh trên cả nước đăng ký dự thi. Như vậy là giảm 12% (khoảng 120.000 thí sinh) so với kỳ thi năm trước (tới 1.004.484 thí sinh). Nguyên nhân giảm được giải thích là do lượng thí sinh tự do giảm mạnh, ở đây chủ yếu là số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước, nay thi để được xét tuyển vào đại học và cao đẳng. Cụ thể là năm 2016 chỉ có 81.770 thí sinh (chiếm 9% tổng số thí sinh) thuộc diện này, so với tới 132.552 thí sinh (chiếm 13%) của năm trước. Bên cạnh đó còn có lý do là thí sinh năm nay thuộc lứa tuổi chào đời năm 1998, mà đó là năm Mậu Dần xưa nay vốn bị tin là không tốt cho sứ mạng sinh con.

Có một chi tiết đáng chú ý là năm nay tuy số lượng thí sinh giảm hơn nhưng số thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT (tức không có ý định vào đại học) lại đông hơn. Cụ thể là có tới 286.129 thí sinh (chiếm 32% tổng số thí sinh) chỉ muốn xét tốt nghiệp (so với 279.001 thí sinh, chiếm 27,6% ở năm trước). Có người giải thích đây là kết quả của việc làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh và phân luồng học sinh. Nếu được vậy thì quá tốt cho tương lai xứ sở bao năm nay vốn thừa thầy thiếu thợ với quan điểm chỉ có thể vào đời với tấm bằng đại học bất chấp năng lực thực tế ra sao. Nhưng tôi cũng nghĩ đây là một sự biết lượng sức mình của học sinh và phụ huynh. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép…. thi. Những ngày trước cuộc thi này, tôi có đọc và xem trên các phương tiện truyền thông đại chúng những câu chuyện về những học sinh lớp 12 ở những vùng sâu, vùng xa, trên bản làng núi cao, thung sâu. Có một thực tế đau lòng, tuy nhiên phải chấp nhận, tuy cũng là học sinh lớp 12, nhưng lượng tri thức mà các em tích lũy được quá chông chênh. Hai môn học khắc tinh của các em này là toán và tiếng Anh. Nghiệt ngã ở chỗ đây lahi là 2 trong 3 môn thi bắt buộc (môn thứ ba là văn), cho dù bộ đã phải du di cho phép những địa phương khôbg có điều kiện dạy tiếng Anh tốt thì có thể chọn môn khác thay thế. Cái chính ở đây là năng lực học tập của các em đã bị thiệt thòi suốt quá trình học phổ thông. Nếu không có những ưu tiên, tôi tin rằng phần đông các em khó lòng tốt nghiệp THPT chứ nói chi là đủ năng lực vào đại học. Đó là một trong những lý do khiến bằng cấp ở xứ ta lâu nay không thể có được chuẩn thống nhất quốc gia, tuy cũng tốt nghiệp THPT nhưng năng lực thực tế của học sinh không như nhau (ở đây tôi muốn so với mặt bằng kiến thức chung chớ không phải so sánh giữa các học sinh với nhau à nghen). Như vậy, bằng tốt nghiệp THPT thực chất có ý nghĩa là chứng nhận học sinh đã hoàn tất và vượt qua kiểm tra cuối cùng của chương trình THPT mà mình học. Đó là chứng nhận trình độ học vấn. Nó khác với bằng tốt nghiệp đại học – chứng nhận năng lực nghề nghiệp.

Đây là năm thứ hai của chế độ thi 2 trong 1, chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa dùng làm điểm xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Cầu mong năm nay, ngành giáo dục đã khắc phục được càng nhiều càng tốt những trục trặc, sai sót (mà thực tế phải gọi chính danh là “lỗi cả hệ thống”) của kỳ thi đầu tiên năm 2015 đầy sóng gió, tả tơi. Thôi thì vạn sự khởi đầu nan. Nhưng sự thiệt thòi, thậm chí hy sinh, của lứa thí sinh năm 2015 chỉ thật sự được đền bù và có giá trị khi lứa thí sinh đàn em mình không phải khổ sở, khốn đốn như mình từng trải. Người lớn làm các công việc bổn phận của mình với ý thức của một người lớn thật sự mới không gây hại cho bọn nhỏ đang còn bị buộc phải nằm trong tay mình. Chỉ cần họ có ý thức không làm những việc có thể khiến cho bọn nhỏ phải chịu những nghiệt ngã mà họ từng trải qua, cũng như không làm những việc mà họ không muốn con em của chính mình phải chịu. Vậy là thiên hạ thái bình, tất cả cùng cười.

Chúc các bạn thí sinh thi thiệt là tốt và thiệt là may mắn. Ừ, thi cử luôn bị ảnh hưởng ít hay nhiều từ sự may mắn nữa đó. Nếu không ta chẳng có câu nói “học tài thi phận”. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự chuẩn bị thật tốt, càng chuẩn bị tốt bao nhiêu, khả năng thành công càng cao hơn. Chính việc nắm vững kiến thức các môn thi sẽ giúp cho yếu tố may mắn ít bị ảnh hưởng hơn. 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh gốc từ Internet. Thanks.