Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Cái lưỡi bò thò ra trên hộ chiếu

china-passport-nine-dash-map-01

Năm 2012, Trung Quốc phát hành mẫu hộ chiếu (passport) mới. Đây cũng là loại hộ chiếu điện tử (electronic passport hay e-passport) khi có tích hợp trên bìa một con chip ID sinh trắc học lưu giữ các thông tin mã hóa về người mang hộ chiếu. Ngày càng có thêm nhiều nước chuyển sang dùng hộ chiếu điện tử thay cho hộ chiếu in mã (machine-readable passport). Hiện có Liên minh châu Âu (gồm 28 nước thành viên) và khoảng 74 nước và vùng lãnh thổ khác sử dụng hộ chiếu điện tử. Trong vùng Đông Nam Á chỉ còn Việt Nam và vài nước khác vẫn còn xài hộ chiếu truyền thống.

Nếu chỉ có vậy thì thế giới an bình rồi. Nhưng mẫu hộ chiếu mới này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, thậm chí không công nhận, của những nước lâu nay đang bị Bắc Kinh lôi kéo vào vũng lầy tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải hay bị Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền vô lý. Bởi lẽ, trên một số trang của hộ chiếu mới, Bắc Kinh cho in hình nền là bản đồ có vẽ thêm cái đường lưỡi bò 9 đoạn (nine-dash) bao chiếm gần trọn Biển Đông vào lãnh hải Trung Quốc và những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đang tranh chấp với Ấn Độ.

china-passport-nine-dash-map-02

Riêng khu vực nằm trong cái đường lưỡi bò 9 đoạn này là nơi mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Có nghĩa là trọn 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đều bị Trung Quốc tranh giành và chiếm đóng.

Ăn miếng trả miếng, Ấn Độ đã cho phát hành loại visa (thị thực) rời có in bản đồ Ấn Độ với đầy đủ các khu vực mà Trung Quốc đang tranh giành.

Riêng ở Việt Nam, từ khi phát hiện hộ chiếu Trung Quốc có in bản đồ sai trái, nhà chức trách Việt Nam đã có cách xử lý khôn ngoan đúng quy củ ngoại giao là từ chối đóng dấu thị thực xuất nhập cảnh trực tiếp lên các hộ chiếu đó. Công dân Trung Quốc muốn vào Việt Nam phải xin cấp visa loại rời. Cơ quan xuất nhập cảnh chỉ đóng dấu trên tờ visa rời đó.

Việt Nam – hay bất cứ nước nào khác – không thể bác bỏ hộ chiếu được cấp hợp pháp của công dân một nước khác. Một nước không được quyền đóng dấu hủy bỏ passport của nước khác. Theo luật quốc tế, passport là tài sản của chính quyền nước cấp phát.

Công dân Trung Quốc bắt buộc phải sử dụng passport mới vì không có sự lựa chọn nào khác, mà suy cho cùng, có lẽ họ cũng chẳng lăn tăn làm gì. Thậm chí chắc chắn có không ít người Trung Quốc còn khoái chí, tự hào với cái bản đồ lưỡi bò đó. Biết nói gì đây khi họ là công dân Trung Quốc. Một số chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng với việc phát hành mẫu hộ chiếu mới “nhạy cảm” này, Bắc Kinh đã đẩy người dân nước mình vào tình cảnh phiền phức, khó khăn khi đi ra nước ngoài, đặc biệt là tới những nước mà Trung Quốc đang tranh giành chủ quyền. Bằng chứng nhãn tiền là qua Việt Nam hay Ấn Độ, công dân Trung Quốc phải xin cấp visa rời thay cho visa dán vào trang hộ chiếu. Trước đây là “bản đồ nhạy cảm”, bây giờ sau khi Tòa Trọng tài thường trực PCA ngày 12-7-2016 ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò 9 khúc do Trung Quốc tự vẽ, bản đồ trên hộ chiếu Trung Quốc có thể bị coi là “bản đồ sai trái” và bị nhiều nước trên thế giới, cho dù không hề có tranh chấp chủ quyền gì với Trung Quốc, bác bỏ theo luật quốc tế.

Thú thiệt là tôi lo rằng biết đâu Bắc Kinh chơi “lầy” cho in cái bản đồ lưỡi bò 9 đoạn đó lên visa của họ. Công dân Việt Nam muốn sang Trung Quốc sẽ bị dán cái visa đó vào hộ chiếu của mình. Lâm vào tình cảnh đó thì thiệt là… triệt buộc! Chẳng lẽ mỗi lần qua thăm hậu duệ Dương Quý Phi xong về lại phải đổi hộ chiếu mới? Chỉ còn biết cầu mong ngày đó… lâu tới!

Hồi tháng 6-2016, khi làm thủ tục xin visa Trung Quốc, tôi đã choáng trước cái tờ khai thông tin mẫu mới. Nó chi li chặt chẽ chẳng thua gì qua Mỹ, qua Nhật Bản. Khác hẳn các mẫu khai đơn giản trước đây. Có lẽ đó là hệ quả của mối quan hệ trục trặc giữa hai nước láng giềng có lịch sử phức tạp và nghiệt ngã là biểu tượng cho cặp phạm trù cá lớn – cá bé.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.