Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Ông chủ của KickAssTorrents sa lưới pháp luật

 kickass torrent-2

Một tin chấn động đối với những người bao năm nay chuyên tải các phần mềm, phim ảnh, sách,… thuộc dạng xâm phạm bản quyền trí tuệ trên toàn thế giới. Chủ nhân của dịch vụ KickAssTorrents (KAT) – dịch vụ torrent lớn nhất thế giới, đã bị cảnh sát Ba Lan bắt giữ ngày 21-7-2016. Hàng loạt tên miền của dịch vụ này cũng đã bị phong tỏa theo lệnh của tòa án Liên bang Mỹ ở Chicago (Mỹ). Khi truy cập vào các website này, bạn sẽ thấy xuất hiện thông báo của nhà chức trách Mỹ với cả lô logo thấy bắt ớn.

kickass torrent

Theo những nguồn tin của giới sử dụng Torrent, đầu tiên, ID e-mail của Artem Vaulin, một người Ukraine 30 tuổi, được cho là chủ nhân của KAT, đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tóm được khi một đặc vụ ngầm liên lạc với Vaulin để giao dịch quảng cáo. Cũng có tin nói rằng hãng Apple đã cung cấp thông tin cá nhân của Vaulin cho FBI theo yêu cầu của nhà chức trách sau khi nhân viên điều tra phát hiện một địa chỉ IP được dùng trong một vụ mua hàng trên Apple iTunes trùng với một địa chỉ IP được dùng để đăng nhập tài khoản Facebook của KAT. Cụ thể là IP 109.86.226.203 được dùng để giao dịch trên iTunes ngày 31-7-2015. Từ đó, chủ nhân của KAT đã bị theo dõi. Và ngày 21-7-2016, khi Vaulin thực hiện một vụ thanh toán tại một của hàng Apple Store ở Ba Lan, cảnh sát Ba Lan đã lần theo dấu vết lập tức bắt giữ “con cá mập” này theo yêu cầu của phía Mỹ. Có nhiều khả năng Ba Lan sẽ cho dẫn độ Vaulin sang Mỹ xử lý.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 20-7-2016, Vaulin bị phía Mỹ truy tố về 1 tội danh âm mưu xâm phạm bản quyền, 1 tội danh âm mưu rửa tiền, và 2 tội danh xâm phạm bản quyền. Chỉ riêng tội rửa tiền ở Mỹ có mức án tối đa tới 20 cuốn lịch.

kickasstorrent-court

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Caldwell cho biết: “Vaulin bị buộc tội điều hành website chia sẻ file lậu có đông người truy cập nhất thế giới, chịu trách nhiệm cho việc phát hành lậu số file bị xâm phạm bản quyền có tổng trị giá hơn 1 tỷ USD. Trong nỗ lực thoát khỏi nhà chức trách, Vaulin đã sử dụng các server đặt ở nhiều nước trên khắp thế giới và di chuyển các domain của mình sau mỗi lần bị phong tỏa và khởi kiện. Tuy nhiên, việc anh ta bị bắt ở Ba Lan một lần nữa cho thấy rằng bọn tội phạm mạng có thể bỏ chạy, nhưng rồi chúng không thể lẩn trốn khỏi công lý.”

Vaulin thành lập dịch vụ KAT năm 2008 và tới nay có tới 28 ngôn ngữ. KickAssTorrents đã có được tới hơn 50 triệu người dùng thật sự mỗi tháng, tức bình quân mỗi ngày có gần 2 triệu người truy cập. Ước tính giá trị ròng của KAT hiện lên tới 54 triệu USD. Tuy hoạt động chủ yếu ở bên ngoài nước Mỹ, nhưng KAT vẫn có thể bị nhà chức trách Mỹ khởi tố do có đặt 1 server trên đất Mỹ (tại Chicago).

Thẩm phán Liên bang Mỹ Zachary T. Fardon ở Illinois nhấn mạnh rằng: “Vaulin đã lợi dụng Internet để gây ra sự thiệt hại khổng lồ cho các nghệ sĩ (sáng tạo sản phẩm trí tuệ). Đơn vị Phòng chống Tội phạm mạng của chúng tôi tại Văn phòng Chưởng lý ở Chicago sẽ tiếp tục cộng tác với các đối tác công lực trên khắp hành tinh để phát hiện, điều tra và truy tố những kẻ có âm mưu thu lợi bất chính từ công sức sáng tạo của những người khác.”

Cũng giống như dịch vụ The Pirate Bay tương tự, KAT không lưu giữ các file xâm phạm bản quyền. Nó chỉ cung cấp các link định dạng .torrent và .magnet để người dùng có thể tải các file nội dung từ vô số người dùng BitTorrent đang chia sẻ trên Internet.

Mà chớ có ai ái mộ Vaulin coi anh ta như một người hùng xả thân vì đại nghĩa à nghen. Anh ta mở dịch vụ KAT để kiếm tiền trên các tác phẩm của người khác. Tất nhiên anh ta không mua bán các món xâm phạm bản quyền tác giả mà chỉ khai thác chúng để kiếm tiền từ quảng cáo dựa trên số người truy cập khổng lồ vào KAT. Theo hồ sơ dày 50 trang được lập bởi Jared Der-Yeghiayan, một đặc vụ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (HIS), vào năm 2016, doanh thu từ quảng cáo của KAT ước chừng từ 12,5 tới 22,3 triệu USD mỗi năm. Der-Yeghiayan kể một đặc vụ ngầm của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) hồi tháng 3-2016 đã mua một quảng cáo trên trang KAT với giá 300 USD/ngày. Đại diện của KAT, xưng danh là “Mr. White”, đã cung cấp thông tin giao dịch thông qua một tài khoản ngân hàng ở Latvia (một nước ở vùng Biển Baltic), nhưng khuyến cáo là khách mua quảng cáo này cam kết không nhắc tới KAT ở bất cứ nơi đâu. Sau 5 ngày chạy quảng cáo, đặc vụ IRS lại tìm cách mua một quảng cáo khác. “Mr. White” cho biết tất cả các quảng cáo “faster download” (tải nhanh hơn) hiện có đều đã được bán hết sạch. Nếu cần, khách hàng có thể mua một banner có giá đắt hơn, mức từ 1.000 USD tới 3.200 USD mỗi ngày. Vào tháng 5-2016, “Mr. White” cung cấp thông tin thanh toán qua một ngân hàng khác ở Estonia (một nước khác ở vùng Baltic). Thông qua sự hợp tác qua lại giữa các nước có ký kết, các nhà điều tra Mỹ có thể dễ dàng thu thập các thông tin giao dịch của các tài khoản ngân hàng đó. HIS và IRS đã phân tích dữ liệu về KAT và tìm ra suốt khoảng 3,5 năm, tới tháng 1-2016, KAT có hoạt động tại Chicago (bang Illinois). Đây chính là cơ sở để nhà chức trách Mỹ sờ gáy KAT. KAT cũng dùng một dịch vụ hosting ở Canada, và hai cơ quan điều tra của Mỹ đã có thể thu được bản clone của KAT trên server Canada này làm chứng cứ. Về trường hợp Apple, đặc vụ Der-Yeghiayan cho biết hãng công nghệ Mỹ này đã cung cấp cho nhà điều tra Mỹ bản sao tài khoản e-mail của ông chủ KAT, bao gồm các thông tin phạm pháp khác. Nhà chức trách Costa Rica và Philippines cũng đã được báo động và hai cơ quan điều tra của Mỹ đã có thể phong tỏa hai domain kat.cr và kat.ph của KAT đăng ký ở hai nước này. Các domain bị phong tỏa khác có kickasstorrents.com, kickass.to, kastatic.com, kickass.so, thekat.tv.

Tuy nhiên, KAT và các dịch vụ tương tự giống như đầu Phạm Nhan, chặt cái này nó sẽ mọc ra cái khác. Đó là một nhu cầu thực tế của cộng đồng công nghệ. Không ai tán dương chuyện xâm phạm bản quyền trí tuệ, nhưng người ta vẫn phải chấp nhận nó giữa một thế giới quá đa dạng và phức tạp, với đủ loại mức sống và nhận thức khác biệt nhau, thậm chí như nước với lửa. Riêng về KAT, dịch vụ này dùng những server và domain khác nhau rải ra trên khắp thế giới với vô số những bản clone. Nhà chức trách hầu như vô phương triệt hết toàn bộ các bản “nhân bản vô tính” này. Mà chỉ cần 1 bản clone tồn tại là lập tức có thêm những bản clone y chang ở đâu đó. Một số chuyên gia gọi đây là một cuộc chiến không có hồi kết (endless war) hay một cuộc chiến thất bại (lost war). Vì thế, sau vụ triệt phá KAT ngày 21-7-2016 của nhà chức trách Ba Lan và Mỹ, người ta chỉ việc ngồi chờ có ai đó reset lại DNS để cho server chứa bản clone KAT nào đó hoạt động lại với một ai khác giữ quyền quản trị (administrative right). Rồi thì đâu lại hoàn đó, cuộc chiến mèo đuổi chuột tiếp tục, càng gay cấn hơn khi không chỉ do có cầu có cung mà ở đây còn là một sự thể hiện bản lĩnh của những “soái ca” trong cái cộng đồng của những người khoái chia sẻ cho nhau cùng thượng hưởng bất cứ cái gì có trong tay… không tốn tiền.

PHẠM HỒNG PHƯỚC