Chủ nhật ngày 12 tháng 1 năm 2025

Đông Nam Á, vùng đất mới của IS

160114-jakarta-acttack

Vụ tấn công tự sát của ISIS tại Jakarta (Indonesia) ngày 14-1-2016. (Ảnh: Internet).

 

Tình hình thực tế ở Đông Nam Á hiện nay cho thấy câu hỏi “liệu tổ chức Hồi giáo cực đoan tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS có tấn công các nước Đông Nam Á không?” trở nên lạc hậu và phi thực tế. Câu hỏi đúng đắn phải là “khi nào những vụ tấn công đó xảy ra?”

Vụ đánh bom tự sát ngày 14-1-2016 trước tòa nhà Sarinah Building ở trung tâm thủ đô Jakarta (Indonesia) khiến 4 nạn nhân chết và 20 người khác bị thương, cùng 4 tên tấn công đều bị giết được xác định là một vụ tấn công khủng bố và bọn IS đã nhận trách nhiệm. Sau đó, cảnh sát Indonesia cho biết đã tìm thấy bằng chứng cho thấy IS lâu nay trực tiếp cung cấp tài chính cho các vụ tấn công khủng bố ở Indonesia. Họ đã lần ra dấu vết IS chuyển tiền cho 2 nhóm khủng bố khác ở Indonesia để âm mưu tấn công tự sát tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta của Jakarta, cũng như tại đảo du lịch Bali.

Hôn 18-3-2016, chỉ 4 ngày trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Nội vụ Singapore, K. Shanmugam cho biết nước này đang tăng cường các biện pháp an ninh chống khủng bố giữa mối đe dọa khủng bố tấn công đảo quốc này ở mức cao nhất trong những năm gần đây. Sau khi xảy ra một loạt 3 tấn công tự sát được điều phối ở Brussels khiến 32 dân thường chết và hơn 300 người khác bị thương sáng 22-3, Bộ trưởng Nội vụ Singapore tiết lộ: “IS muốn thành lập một vương quốc Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á mà Singapore nằm ở giữa”. Báo ASEAN Today hồi tháng 5-2016 cho biết: Trung tâm quốc tế Nghiên cứu Bạo lực chính trị và chủ nghĩa khủng bố (ICPVTR) tại Singapore khẳng định rằng IS đã hình thành một vương quốc Hồi giáo (caliphate) trên khắp châu Á. Đây là một hình thức nhà cầm quyền đại diện cho sự thống nhất chính trị và quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo.

Vì sao lại là Đông Nam Á?

Trong vòng trên dưới 1 năm nay, IS đang phải co cụm lại ở Trung Đông, trước những chiến dịch tấn công ngày càng gia tăng từ cả hai phía phương Tây (do châu Âu và Mỹ dẫn đầu) và Nga vào các căn cứ của IS ở Iraq và Syria. Hàng loạt tên chỉ huy cao cấp của chúng đã bị tiêu diệt. IS đang bị đánh bật dần ra khỏi những vùng lãnh thổ do chúng chiếm đóng lâu nay. Vì thế, để tồn tại, IS phải tìm căn cứ ở nước ngoài và tăng cường các vụ tấn công ở những nước khác, một mặt để mở rộng tầm hoạt động, mặt khác để “chia lửa” cùng tổng hành dinh ở Trung Đông đang chịu sức ép quân sự ngày thêm nặng nề.

Đông Nam Á là khu vực lý tưởng nhất của IS. Nơi đây có tới 1 phần 4 trong tổng số 1,6 tỷ tín đồ Hồi giáo sinh sống. Riêng Indonesia là nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới, tới hơn 202 triệu tín đồ (chiếm hơn 87% số dân). Malaysia có hơn 61% số dân (tức hơn 19,5 triệu người) là tín đồ Hồi giáo. Một số nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia,… nhiều năm nay có những tổ chức phiến quân Hồi giáo hoạt động, mà phần lớn chúng sau này tuyên bố đứng về phía IS. Trong số những tay súng tình nguyện nước ngoài sang Iraq và Syria chiến đấu cho IS có khoảng 514 phần tử Hồi giáo cực đoan của Indonesia, 200 tên từ Philippines, khoảng 40 tên từ Malaysia. Sau khi được IS huấn luyện và có kinh nghiệm chiến đấu, những phần tử cực đoan này trở về Đông Nam Á trở thành những chân rết nguy hiểm cho IS ở khu vực này.

Một số nước Đông Nam Á thật sự đã bị đặt trước những mối đe dọa khủng bố. Như hồi tháng 11-2015, ngay trước một cuộc hội nghị thượng đỉnh ASEAN có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Malaysia đã nhận được những tin báo về một mối nguy hiểm khủng bố sắp xảy ra. Tin từ cảnh sát cho biết một cuộc họp giữa các thành viên thuộc hai tổ chức phiến quân Hồi giáo Philippines là Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF) và Abu Sayyaf với IS đã lên những kế hoạch triển khai những tay súng tới Kuala Lumpur và Sabah ở Malaysia. Tính trong năm 2015, cảnh sát Malaysia đã phá được 7 âm mưu khủng bố, trong đó có âm mưu bắt cóc Thủ tướng Najib Razak. Hơn 100 nghi can đã bị bắt giữ.

Các chuyên gia nói rằng bọn khủng bố ngày nay hoạt động với đủ mọi phương cách tinh vi và nguy hiểm hơn. Chúng không chỉ tấn công trên đất liền, trên không và trên biển mà còn thông qua các hình thức tấn công trên mạng. Bọn IS một mặt khai thác thế mạnh của các mạng truyền thông xã hội để tuyên truyền cho lý tưởng của mình, mặt khác bọn chúng còn ra sức chiêu mộ thêm nhiều thành viên ở các nước khác, truyền cho họ cảm hứng lý tưởng “tử vì đạo” và huấn luyện kỹ năng chiến đấu để làm chân rết cho IS ở các nước.

Đông Nam Á trước đây từng khốn khổ vì những chân rết của tổ chức khủng bố Hồi giáo al Qaeda của Osama Bin Laden, nay đang đứng trước nguy cơ còn nguy hiểm hơn của bọn IS.

Giới chuyên môn nói rằng cuộc chiến chống khủng bố là một hành động tập thể, cần phải có sự phối hợp giữa các nước song hành với các biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất tại mỗi nước.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Có thể đọc bản in trên báo Công an TP.HCM thứ Hai 22-8-2016

160822-baibao-congantp_resize