Ô kìa kìa…các bạn tôi có… bầu…
Sáng thứ Ba 8-11-2016, nước Mỹ chính thức bước vào ngày bầu cử năm 2016. Các cử tri nào chưa có bầu thì hôm nay có thể đi bầu trong cơ hội cuối cùng để có bầu trong mùa bầu cử này. Sở dĩ nói là “có thể đi bầu” mà không viết “phải đi bầu”, vì mặc dù bầu cử là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi công dân (nghe quen quen), nhưng ở xứ Hoa Kỳ tự do và dân chủ, chuyện có đi bầu hay không lại là quyền cá nhân của mỗi người.
Việc bỏ phiếu đã được khởi động từ mấy ngày trước cho những người vì lý do nào đó mà không thể trì hoãn cái sự có bầu được. Cử tri hoặc tới điểm bầu cử bỏ phiếu trực tiếp, hoặc bầu chọn trên các form được ban bầu cử địa phương gửi tới tận nhà rồi gửi qua đường bưu chính (không có chuyện bỏ phiếu qua e-mail đâu). Các công dân Mỹ sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã phải có bầu sớm qua các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở nước sở tại để kịp chuyển các phiếu bầu về nước.
Nhưng có lẽ cử tri ấn tượng nhất là phi hành gia Shane Kimbrough đang ở trên Trạm Quỹ đạo Quốc tế (International Space Station). Anh được đưa lên quỹ đạo hôm 19-10-2016 và trở thành người Mỹ duy nhất đang ở ngoài Hành tinh. Cơ quan Hàng không – Vũ trụ NASA xác nhận: Mấy hôm trước, Kimbrough đã là cử tri Mỹ duy nhất bầu cử từ trên không gian.
Xin mời xem video:
Đây là một cuộc tổng tuyển cử chứ không phải chỉ có chuyện bầu ra tổng thống mới. Nhưng do cuộc chạy đua vào Nhà Trắng là quan trọng nhất và chộn rộn nhất nên người ta quen gọi đây là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Lần này là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bốn năm một lần (quadrennial U.S. presidential election) lần thứ 58 để bầu ra vị tổng thống thứ 45 trong lịch sử Hoa Kỳ tới nay được 240 năm (từ năm 1776). Trong tổng số 44 vị tổng thống trước đó, kể từ tướng quân George Washington (nhậm chức năm 1789 tới năm 1797) có một số vị được bầu nhiều lần, vô địch là ông Franklin D. Roosevelt của đảng Dân chủ đắc cử liên tiếp 4 cuộc bầu cử năm 1932, 1936, 1940 và 1944 mà nếu không qua đời vào năm 1945 ở tuổi 63 chắc vẫn tiếp tục đắc cử. Sau này, khi đã có quy định mỗi tổng thống chỉ có thể ở Nhà Trắng tối đa 2 nhiệm kỳ (tổng cộng 8 năm), phần lớn tổng thống nếu không dính scandal nào hoặc qua đời thì đều đắc cử 2 lần.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thực tế cũng không chỉ diễn ra giữa hai ứng cử viên của hai đảng lớn nhất là Dân chủ và Cộng hòa. Còn có những ứng cử viên do các đảng nhỏ khác đề cử (có lẽ chủ yếu cho vui và cho dân chủ). Như trong cuộc bầu cử năm nay, ngoài hai tay đua chính là ông Donald Trump (Cộng hòa) và bà Hillary Clinton (Dân chủ), còn có ông Gary Johnson (đảng Tự do, LP), bà Jill Stein (đảng Xanh, GP), ông Darrell Castle (đảng Hiến pháp, CP), và ông Evan McMullin (ứng cử viên độc lập).
Trong cuộc bầu cử năm 2016, cử tri Mỹ sẽ bầu 1/3 số ghế Thượng viện (cụ thể là 34 thượng nghị sĩ), toàn bộ Hạ viện, một số thống đốc bang, các nghị sĩ bang, các nghị viên địa phương, các vị trí dân cử ở địa phương,…
Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm và cứ mỗi 2 năm có một cuộc bầu chọn 1/3 số ghế. Thượng viện gồm 100 ghế. Hiện nay, Thượng viện đang nằm trong tay đảng Cộng hòa với tỷ lệ 54 ghế so với 44 ghế của đảng Dân chủ (có 2 thượng nghị sĩ độc lập). Năm nay là cuộc bầu cử khó khăn cho đảng Cộng hòa khi họ có tới 24 ghế phải bầu lại so với chỉ 10 ghế của đảng Dân chủ. Trong khi đó, do bị “văng miểng” từ những hoạt động tranh cử tổng thống “tưng bừng hoa lá cành” của ứng cử viên Trump, hình ảnh của đảng Con Voi có phần lợt lạt hơn. Có 5 thượng nghị sĩ (3 của Dân chủ và 2 của Cộng hòa) nghỉ hưu, không tái cử lần này.
Với nhiệm kỳ chỉ có 2 năm, toàn bộ 435 ghế Hạ viện được bầu lại trong cuộc bầu cử ngày 8-11-2016. Trước bầu cử, Hạ viện đang nằm trong tay đảng Cộng hòa với 247 ghế, so với 188 ghế của đảng Dân chủ.
Có 23 bang trong tổng số 50 bang sẽ tiến hành bầu 93 vị trí lãnh đạo bang, trong đó có 12 bang bầu thống đốc bang. Phần lớn số vị trí này hiện do người thuộc đảng Dân chủ nắm.
Từ sáng 8-11 (tức chiều tối theo giờ Việt Nam), các điểm bầu cử ở Mỹ sẽ bắt đầu mở cửa cho cử tri đi bầu. Đêm 8-11 (tức trưa ngày 9-11 ở Việt Nam), người ta sẽ biết được ai là chủ nhân mới của Nhà Trắng.
Liệu sẽ có thêm một cuộc cách mạng mới trong lịch sử Hoa Kỳ xảy ra khi nước này lần đầu tiên có một nữ Tổng thống? Why not? Cách đây 8 năm, trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 56 vào ngày thứ Ba 4-11-2008, ông Barack Obama đã trở thành tổng thống không phải da trắng đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Và đa số cử tri Mỹ cho tới nay vẫn hài lòng với quyết định của mình. Nếu như bà Hillary đắc cử, lịch sử Mỹ sẽ ghi thêm một sự kiện là cả hai vợ chồng cùng làm Tổng thống (phu quân của bà là ông Bill Clinton làm tổng thống 2 nhiệm kỳ 1993-2001).
Ông Barack Obama đã bước vào Nhà Trắng khi mới 47 tuổi. Bà Hillary Clinton năm nay 69 tuổi và ông Donald Trump 70 tuổi.
Cuối cùng, tôi xin nói rõ là việc bà con cô bác ở Việt Nam mình quan tâm đặc biệt tới cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cũng là chuyện bình thường và dễ hiểu. Cả thế giới cùng quan tâm chớ đâu phải chỉ có Việt Nam. Bởi Hoa Kỳ luôn là cường quốc số 1 thế giới có tầm ảnh hưởng toàn cầu lớn nhất. Hơn nữa, Hoa Kỳ là nơi có gần 2 triệu người Việt sinh sống. Có biết bao nhiêu người sống ở Việt Nam có người thân và bạn bè đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Hai nước nằm ở hai bên bờ Thái Bình Dương này lại có những liên hệ lịch sử đặc biệt. Vì thế, cho dù, người Việt có quan tâm tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mặn mà hàng đầu thế giới thì cũng là lẽ đương nhiên như chuyện bà Hillary hay ông Trump sẽ có một người là chủ nhân mới của Nhà Trắng.
Nào, các bạn tôi, chúc các bạn có bầu vuông vuông tròn tròn.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.