Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Vòng vòng là cái… vòng xoay

 

PHP RỦ RÌ RÙ RÌ:

 

Phóng viên nhiếp ảnh lão làng của báo Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Công Thành, mấy bữa nay thắc mắc khi phát hiện có tên gọi “Vòng xuyến Nguyễn Thái Sơn” mới xuất hiện trên những biển báo giao thông ở khu vực đó. Trong khi đó, trước nay ở các giao lộ khác ở TP.HCM, người ta dùng từ “vòng xoay” để chỉ cái vòng tròn giống hệt như cái “vòng xuyến” kia.

Ảnh: Nguyễn Công Thành.

Ảnh: Nguyễn Công Thành.

 

Thiệt là tự nhiên đâm rối cái vòng… lòng vòng.

Trước 1975 ở Saigon còn có từ bùng binh để chỉ cái giao lộ xoay tròn. Chẳng hạn Bùng binh Ngã Sáu Dân Chủ, Bùng binh Ngã Sáu Phù Đổng, Bùng binh Ngã Bảy,… Thiệt ra, từ bùng binh là do người Việt mình gọi chớ không có gốc gác chi từ nước ngoài, hay phiên âm từ một từ nào đó của nước ngoài. Theo học giả Vương Hồng Sển (trong cuốn sách Saigon Năm Xưa), hồi thời Pháp thuộc – những năm đầu thế kỷ 20, tại nơi giao nhau giữa Đại lộ Charner (năm 1956 được đổi tên thành Nguyễn Huệ đến nay) và Đại lộ Bornad (Lê Lợi), người ta có xây một cái bục hình bát giác nằm chính giữa giao lộ. Rồi cứ mỗi cuối tuần, những người lính Pháp (hồi đó gọi là lính sang-đá, đọc trại từ soldat, tiếng Pháp có nghĩa là lính) vác nhạc cụ tới đây trình diễn nhạc Tây cho ông đi qua bà đi lại nghe. Vì vậy, người ta gọi cái giao lộ đó là bùng binh. Sau này, những giao lộ đường tròn khác cũng được gọi là bùng binh.

Bùng binh Charner – Bonard đầu thế kỷ 20.

Bùng binh Nguyễn Huệ – Lê Lợi trước 1975 nhìn sang Thương xá Tax.

Trong khi đó, học giả An Chi cho rằng từ “bùng binh” xuất phát từ gốc là “bồn binh”, tức cái bồn giao thông có lính.

Còn “xuyến” là một từ Hán Việt dùng để chỉ một món đồ trang sức quý giá, đắt tiền. Tùy theo cách viết mà “xuyến” có nghĩa là xâu chuỗi hay vòng đeo tay, được dùng phổ biến nhất là vòng đeo tay bằng bạc hay vàng. Có lẽ thấy cái vòng xoay giao thông có hình dáng giống chiếc vòng xuyến nên ai đó đã gọi nó là vòng xuyến.

Cái tên vòng xuyến này được dùng trong Luật Giao thông Đường bộ 2008 mà trong đó không hề có từ vòng xoay hay bùng binh. Luật cũng chẳng giải thích vòng xuyến là gì, và trong tổng số 89 điều của luật này chỉ có duy nhất Điều 24 có nhắc tới vòng xuyến 2 lần khi quy định về việc “nhường đường tại nơi đường giao nhau”. Vì thế xét về danh chính ngôn thuận, “vòng xuyến” chính danh, hợp pháp. Chỉ có điều, không hiểu cớ sao “ai đó” lại nhìn cái vòng xoay giao thông thành “vòng xuyến” mà không phải là bất cứ loại vòng nào khác?

Trong tiếng Anh, có nghĩa là ở Mỹ, Anh và những nước nói tiếng Anh, người ta gọi cái giao lộ vòng tròn bằng những cái tên như traffic circle, roundabout, rotary,… mà phổ biến nhất là traffic circle và roundabout.

Vòng xoay Columbus Circle tại thành phố New York (Mỹ).

Thật ra, cũng là cái vòng tròn phân làn giao thông nơi giao lộ, nhưng ở Mỹ, traffic circle (vòng tròn giao thông) và roundabout (chạy theo vòng tròn) lại khác nhau cả về kích thước lẫn cách sử dụng.

– Traffic circle là một vòng tròn lớn có công năng làm cho giao thông giảm ùn tắc và có khi mang tính trang trí, thẩm mỹ cho đẹp phong cảnh (thay vì là ngã tư đơn giản, nhà kiến trúc đô thị làm thành một vòng xoay như một cảnh đẹp). Trên tiểu đảo (center island) trong vòng xoay này có thể là một công viên hay một cửa hàng mua bán, dịch vụ. Traffic circle thường được điều khiển bằng những biển báo Stop.

– Roundabout là một vòng tròn nhỏ chủ yếu để điều tiết giao thông tại giao lộ và được điều khiển bằng các biển báo Yield (có thể chạy tiếp nếu quan sát thấy đường trống). Tiểu đảo nhỏ, có khi chỉ là một bức tượng, một đài phun nước hay đơn giản là một bồn hoa.

Trở lại cái vụ vòng xuyến, vòng xoay của xứ ta, tôi thấy như vầy. Gọi vòng xoay giao thông là vòng xuyến là cách gọi tượng hình – thấy nó tròn giống vòng xuyến. Còn gọi giao lộ vòng tròn là vòng xoay là gọi theo công năng. Tôi ủng hộ cách gọi vòng xoay vì nghe tên gọi là người lưu thông hiểu ngay tới đó phải chạy xe theo vòng tròn để rẽ sang đường khác. Còn thấy chữ vòng xuyến, người ta cần phải được giải thích. Hơn nữa có khi báo hại cái cô ngồi bên cạnh hay sau lưng lại liên tưởng và sực nhớ: “Bữa rồi anh hứa tặng em cái vòng đeo tay mà sao chưa thấy?” Thiệt là hại bạn à nghen.

Nghe đồn là ngay tại Hà Nội mà nhiều người cũng chẳng biết vòng xuyến là cái gì, chỉ hiểu cái vòng xoay hay bùng binh mà thôi.

Phải chăng sau này khi có dịp sửa Luật Giao thông đường bộ, người ta cũng nên thay từ “vòng xuyến” bằng “vòng xoay” cho nó hợp tình, hợp lý?

Theo thiển ý của tôi, ta nên dùng từ Vòng xoay, Với các biển báo giao thông, ta nên dùng các tên gọi theo công năng và cách thực hiện chúng để người lưu thông có tjhể hiểu ngay mà không cần phải được giải thích. Cách gọi vòng xoay theo hình dáng là vòng xuyến thì cũng tương tự như gọi ngã tư là “chữ thập” hay “dấu công”, gọi ngã ba là “chữ T”, đường cong là “cái eo”,……

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh của anh Nguyễn Công Thành (từ Facebook) và ảnh từ Internet.