Công nghệ buồn trong năm Con Khỉ
Nếu muốn tham khảo những điểm nổi bật nhất về công nghệ toàn cầu trong năm 2016 một cách chính thống, bạn có thể tham khảo báo cáo của trang MIT Technology Review thuộc Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT, Mỹ) có bề dày kinh nghiệm từ năm 1899 tới nay. MIT là học viện công nghệ số 1 thế giới.
MIT đã lên danh sách Top 10 sự kiện công nghệ mang tính đột phá nổi bật nhất thế giới trong năm 2016.
- Kỹ thuật miễn dịch mới giúp cứu sống những người bệnh ung thư.
- Hiệu chỉnh gen chính xác trong thực vật để giúp chống sâu bệnh và chịu hạn hán tốt hơn.
- Các giao diện đàm thoại mới trên nền Internet giúp người ta sử dụng smartphone dễ dàng hơn.
- Các tên lửa vũ trụ có thể tái sử dụng.
- Các người máy có thể dạy lẫn nhau.
- Cửa hàng online về mã di truyền DNA.
- Nhà máy điện mặt trời có công suất 1 gigawatt mỗi năm.
- Dịch vụ Slack cho kỷ nguyên điện thoại di động và tin nhắn đang làm thay đổi nơi làm việc.
- Xe điện lái tự động Tesla Autopilot.
- Cấp điện cho các thiết bị Inernet thông qua sóng Wi-Fi và tín hiệu viễn thông.
Còn riêng mình, nếu được yêu cầu chọn Top 3 sự kiện công nghệ ấn tượng nhất trong năm 2016, tôi sẽ đưa ra lần lượt: hệ thống Yahoo bị tin tặc đánh cắp tài khoản, tin tặc tác động cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và sự cố pin của smartphone Galaxy Note7. Toàn chuyện buồn công nghệ, nhưng biết làm sao khi chúng là nổi bật nhất và gây ảnh hưởng tới nhiều người hơn cả.
Sở dĩ tôi chọn sự kiện Yahoo vào vị trí số 1 là vì nó ảnh hưởng tới cả tỷ người trên thế giới.
Yahoo bị tin tặc
Sở dĩ tôi chọn sự kiện Yahoo vào vị trí số 1 là vì nó ảnh hưởng tới cả tỷ người trên thế giới.
Công ty Internet Yahoo ra đời ngày 2-3-1995 và đã trở nên quá quen thuộc với người dùng Internet toàn cầu. Nó đã có một năm 2016 tồi tệ. Nhà mạng di động Mỹ Verizon ngày 25-7-2016 đã công bố việc họ sẽ mua lại bằng tiền mặt tổng cộng 4,8 tỷ USD mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo bao gồm dịch vụ e-mail, các tài sản web, các hoạt động công nghệ quảng cáo (ad-tech) và chính thương hiệu Yahoo. Thương vụ này sẽ hoàn tất trong quý 1-2017. Giới công nghệ thế giới phải chứng kiến một sự “bán mình” của một cây đa cây đề công nghệ nữa. Riêng những người lâu nay sử dụng dịch vụ webmail Yahoo Mail cả bản miễn phí lẫn bản có phí cho doanh nghiệp đang lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao khi dịch vụ này về tay ông chủ mới Verizon. Dịch vụ Yahoo Mail này ra đời ngày 8-10-1997 (từ 19 năm rồi) và hiện có số lượng người dùng thực tế hàng tháng tới 1 tỷ người (vào tháng 2-2016).
Nhưng chấn động toàn cầu là chuyện trong những tháng cuối năm 2016, Yahoo đã mấy lần phải khai thiệt trong những năm qua họ đã bị tin tặc nhiều phen tấn công xâm nhập đánh cắp thông tin tài khoản người dùng Yahoo. Vào cuối năm 2016, Yahoo cho biết có tổng cộng hơn 1 tỷ tài khoản người dùng Yahoo đã lọt vào tay bọn tin tặc. Sự cố này làm ảnh hưởng tới cả tỷ người dùng Yahoo Mail trên thế giới. Họ không hề biết lâu nay mình đã nằm trong tay tin tặc và các thông tin cá nhân quan trọng và nhạy cảm có thể đã bị đánh cắp.
Tin tặc Nga bị Mỹ tố phá cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Trong hàng hà sa số những chuyện xảy ra sau khi nhà tỷ phú bất động sản Donald Trump bất ngờ đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2016, nổi cộm lên những lời cáo giác của cơ quan an ninh Mỹ hồ nghi bọn tin tặc Nga đã phá hoại cuộc bầu cử quan trọng 4 năm một lần này của Mỹ.
Thậm chí Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama đã phải thề rằng Mỹ sẽ trả đũa Nga vì cho rằng chính quyền Nga đã hậu thuẫn cho bọn tin tặc Nga trong những âm mưu làm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Những người ủng hộ điều này nói rằng nếu không có sự nhúng tay của tin tặc Nga, nữ ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ không thể nào đang cầm chắc chiến thắng trong tay lại bị thua trắng tay trước ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.
Ngày 28-10-2016, khi chỉ còn 11 ngày nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống, Giám đốc FBI James Comey bất ngờ gửi thư cho các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ cho biết cơ quan này vừa phát hiện các e-mail mới có liên quan tới cuộc điều tra chống lại bà Hillary về cáo buộc bà đã sử dụng tài khoản e-mail cá nhân vào chuyện công trong thời gian làm Ngoại trưởng Mỹ. Có tới 650.000 e-mail như thế cần được xem xét. Bà Hillary có nguy cơ bị khởi tố nếu như FBI tìm thấy chứng cứ bất lợi cho bà trong số e-mail đó. Tất nhiên, bà Hillary lập tức mất điểm về tay ông Trump.
Để rồi khi chỉ còn 2 ngày nữa là tới ngày cử tri Mỹ đi bầu, Giám đốc FBI lại gửi cho các nhà lãnh đạo Quốc hội lá thư mới tuyên bố FBI từ bỏ ý định khởi tố bà Hillary vì họ không tìm thấy gì trong số e-mail đó. Điều đau cho bà Hillary là lúc này có một số không nhỏ cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm xong mất rồi.
Và người ta cho rằng tin tặc đã đánh cắp số e-mail mới đó rồi công bố thông qua mạng Wikileak để có cớ cho FBI vào cuộc hòng cản đường tiến đang như chẻ tre của bà Clinton.
Cuộc khủng hoảng công nghệ Galaxy Note7
Có lẽ hiếm có một vụ sản phẩm công nghệ nào bị lỗi kỹ thuật lại gây nên một cuộc khủng hoảng nóng bỏng như vụ những chiếc smartphone Galaxy Note7 vừa ra đời của Samsung đã xảy ra một loạt những vụ cháy nổ pin.
Ngày 1-9-2016, chỉ gần nửa tháng sau khi Note7 bắt đầu chính thức mở bán trên thị trường, hãng Samsung đã phải quyết định tạm dừng bán tiếp sản phẩm này và sau đó tiến hành thu hồi toàn bộ số Note7 đã bán ra tại 10 thị trường trong đợt 1 để tiến hành đổi lại phiên bản mới sản xuất sau khi khắc phục lỗi. Tổng cộng có 2,5 triệu chiếc Note7 đã được bán ra. Cuối cùng vẫn không thể khắc phục triệt để lỗi kỹ thuật để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dùng, Samsung ngày 11-10 đã tuyên bố chính thức ngừng sản xuất Note7 để thu hồi. Note7 chiếm kỷ lục thế giới về tuổi thọ quá ngắn của một sản phẩm công nghệ cao, vòng đời chỉ có 2 tháng 8 ngày.
Cuộc khủng hoảng này, theo trang Tech Advisor của Công ty IDG, đã làm Tập đoàn Samsung thiệt mất hơn 5 tỷ USD. Nhưng nhờ cách xử lý khủng hoảng coi quyền lợi và sự an toàn của người dùng là trên hết của Samsung mà hãng công nghệ Hàn Quốc này không bị mất mát quá nặng nề về hình ảnh và giá trị thương hiệu.
Trước thềm năm mới Đinh Dậu, chúng tôi xin chúc cho thế giới công nghệ năm 2017 mưa thuận gió hòa và bình an vô sự.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.
+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 22-1-2017 và trên báo Pháp Luật Online