Tôi không còn bán than ngày Tết
PHP RỦ RỈ RÙ RÌ:
Tết Đinh Dậu cầm tinh con Gà 2017 lục thập hoa giáp này, tôi đã giác ngồ ngộ. Tôi hiểu thấu thêm cái lẽ đời mà cũng có thể gọi là chân lý: Đời là vô thường, cần biết buông xả (buông bỏ và xả stress, đó là theo tôi nghĩ). Bởi vậy, tôi không còn âm mưu chuyển hộ khẩu ra tận Quảng Ninh mà bán than nữa.
Hồi mấy năm trước, tôi sợ Tết tới mức lấy mấy câu thơ trong bài thơ Xuân mà nhà thơ Chế Lan Viên làm thời tiền chiến làm lá chắn cho mình thập diện mai phục:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.”
Thiệt ra nào có phải do khổ đau gì ghê gớm lắm đâu. Lúc đó chưa có Vietlott xổ số kiểu Mỹ. Bất quá chỉ giận số phận mình không có “hồng” như cái tên cúng cơm cha mẹ đặt, cho tới giờ vẫn chưa có ai giới thiệu mình vào White House ít nhất cũng được một nhiệm kỳ cho biết với người ta.
Mà thiệt ra là do tôi chán Tết thôi. Một nỗi chán không tên không tuổi giống như nhà thơ Xuân Diệu từng thốt lên trong bài thơ Chiều (1938) rằng: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn“. Một nỗi chán vô duyên vô cớ mà đôi lúc tôi nghĩ không lẽ lại là cái sự chập cheng của thời “tiền… mãn kinh” (tôi cố ý viết vậy á).
Ngay khi đã vào những ngày “tiền Tết” (10 ngày trước Tết cũng có nghĩa là những ngày xài tiền tiêu Tết dữ dằn nhất – cứ như gió vào nhà trống), tôi càng hiểu thêm sự vô thường của cuộc đời. Người xưa nói công danh phú quý chẳng dài hơn thời gian nấu một nồi cháo kê. Còn bây giờ, nghe nói có một giấc mơ hàng trăm triệu USD đã tan thành mây khói chỉ sau trên dưới một tháng hun nóng thế giới mạng vốn có tính nhiều chuyện, lắm điều và cũng thu gom được gạch đá đủ để xây một cây cầu nối liền hai bờ Thái Bình Dương. Thái Bình Dương những tưởng yên bình sao mà Biển Đông cứ hoài dậy sóng?
Nói lòng vòng thì cũng tập trung lại kết luận rằng: tôi đã chấp nhận chung sống hòa bình với Tết. Ngày đầu năm mới là quy luật của đất trời, là cột mốc của thời gian. Tết là lễ hội truyền thống của cả dân tộc Việt gồm 54 dân tộc anh em chung một bào thai (cho tới nay chương trình “Như chưa có cuộc chia ly” vẫn chưa tìm thấy 46 người kia sau cuộc ly hôn truyền thống của dân tộc Việt – có lẽ cuộc chia tay chia con của tổ tiên Lạc Long Quân và Âu Cơ đã ám vào cả dân tộc Việt khiến những thế hệ con cháu luôn bị dập vùi trong những chuyện ly tán, tha hương). Tết là của cả dân tộc chớ đâu phải của riêng gì tôi, tôi thích hay không là chuyện cá nhân mình sao lại làm ảnh hưởng tới cục diện chung toàn cầu.
Vậy nên, nhân dịp này, trong ngày 28 Tết Đinh Dậu 2017, tôi long trọng tuyên bố sẽ Unfriend bất cứ ai quởn quá nên đặt tới đặt lui cái chuyện có nên ăn Tết hay không? Tết âm lịch là lễ hội truyền thống lớn nhất và quan trọng nhất trong các thể loại lễ hội truyền thống của người Việt. Nếu tin rằng người Việt có lịch sử 4.000 năm thì tuổi đời của Tết cũng tương đương. Mấy ngàn năm nay, biết bao nhiêu thế hệ người Việt vẫn ăn Tết mà có sao đâu và Tết vẫn được bảo tồn tới nay. Hà cớ gì mà ta lại đặt vấn đề nên ăn Tết Tây hay Tết ta, có nên bỏ Tết ta gộp chung vào Tết Tây hay ngược lại. Rõ là người Việt mình có cái cố tật là hay đổ thừa và tham dễ bỏ khó. Lẽ ra phải đặt vấn đề là ăn Tết như thế nào cho hợp thời và đúng đắn thì người ta lại theo cái thói “cái gì quản không được thì cấm” mà rắp ranh chuyện xóa sổ Tết dân tộc.
Tôi cũng không Like những ai quan niệm rằng Tết âm lịch là Tết của người Hoa, chớ người Việt làm gì có Tết. Xin vui lòng đọc lại sử sách coi người Việt Nam chúng ta có nguồn gốc xuất phát từ đâu. Trải qua suốt chiều dài lịch sử của một dân tộc có máu “ly khai”, hàm lượng chất Việt trong các phong tục tập quán Tết ngày càng đậm đặc hơn. Trong xu thế hội nhập và phát triển từ muôn đời nay, dân tộc nào cũng phái chấp nhận những sự du nhập văn hóa từ bên ngoài để rồi tuyển chọn, cọ xát theo thời gian mà cải biên và giữ lại những cái tốt đẹp và phù hợp.
Tết là tên ta gọi cho lễ hội đón mừng đầu một năm mới. Chúng ta dùng cả dương lịch và âm lịch nên lẽ đương nhiên có thể ăn mừng cả hai dịp đầu năm mới của cõi trên và cõi dưới. Do ngày xưa dân tộc Việt có bề dày lịch sử quá lâu dài dùng âm lịch nên Tết âm lịch trở thành lễ hội truyền thống của dân tộc. Tết dương lịch là một lễ hội quốc tế mà ta có thể ăn mừng như bao lễ hội của thiên hạ khác.
Chúng ta chỉ có thể bỏ vui Tết dương lịch hay bỏ ăn Tết âm lịch nếu như không xài hai loại lịch này nữa. Nói gọn vậy cho nó đơn giản.
Vấn đề ở đây là ăn Tết như thế nào cho nó đúng đắn và hợp thời.
Ghét ghê vậy đó!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.