Thứ Năm ngày 31 tháng 10 năm 2024

Người phụ nữ dám chống lệnh Tổng thống Trump

Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Q. Yates ngày 30-1-2017 đã ra lệnh cho Bộ Tư pháp không được bảo vệ tại tòa án lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump về cấm nhập cảnh mà ông ký ngày 27-1-2017. Trong lá thư gửi cho các luật sư của Bộ Tư pháp, bà viết: “Tôi có trách nhiệm bảo đảm rằng các vị trí mà chúng ta có ở tòa án vẫn còn phù hợp với bổn phận uy nghiêm của bộ này để luôn luôn mưu cầu công lý và bảo vệ những gì là đúng đắn.” Bà nói rõ: “Vào thời điểm này, tôi không thấy thuyết phục rằng việc bảo vệ sắc lệnh đó là phù hợp với các trách nhiệm này, cũng như tôi không thấy thuyết phục rằng lệnh tư pháp đó là hợp pháp.”

Bà Yales là Thứ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Barack Obama. Bà đã chấp nhận yêu cầu của tân Tổng thống Trump tiếp tục ở lại Bộ Tư pháp với chức Quyền Bộ trưởng trong thời gian chờ Thượng viện phê chuẩn người mà ông Trump bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Tư pháp là Jeff Sessions. Với tư cách quan chức chính quyền được Thượng viện phê chuẩn cao cấp nhất ở Bộ Tư pháp hiện nay (bà Yales được Thượng viện phê chuẩn giữ chức Thứ trưởng Tư pháp hồi tháng 5-2015), bà là người duy nhất có quyền ký các lệnh giám sát nước ngoài, một chức năng cốt yếu của Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Tư pháp còn được gọi là Tổng chưởng lý (Attorney General) và bà Yales một công công tố viên chuyên nghiệp.

Nghe nói bà Yates đã thông báo quyết định “vuốt râu hùm” này cho Nhà Trắng vào đầu giờ chiều 30-1. Nhiều người tin rằng bà sẽ phải trả giá và ngay trong ngày Mùng 4 Tết Đinh Dậu (31-1) sẽ bắt đầu… kiếm job khác.

Tổng thống Trump có quyền sa thải bà Yates về tội chống lệnh. Người ta nhớ lại sự kiện được gọi là “Cuộc thảm sát Đêm thứ Bảy” (Saturday Night Massacre) xcảy ra năm 1973, khi Tổng thống Richard M. Nixon sa thải Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tư pháp vì họ dám từ chối việc sa thải công tố viên đặc biệt Archibald Cox trong vụ án Nhà Trắng nghe lén được gọi là Watergate. Chính vụ bê bối chính trị này đã khiến ông Nixon vào tháng 8-1974 trở thành Tổng thống Mỹ duy nhất đến nay phải từ chức. Ông đã phải nhường Nhà Trắng lại cho Phó tổng thống Genal Ford sau khi chiến thắng vẻ vang bước vào nhiệm kỳ thứ 2 được 1 năm 8 tháng.

Hành động phản kháng của Quyền Bộ trưởng Tư pháp Yales có lẽ sẽ khiến Thượng viện do đảng Cộng hòa của ông Trump nắm giữ phải đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn tân Bộ trưởng Tư pháp, nghe nói sẽ diễn ra trong ngày 31-1. Hy vọng các quân sư máy lạnh của Tổng thống Trump sẽ khuyên nhà tỷ phú địa ốc trở thành chủ Nhà Trắng này khôn ngoan để cho Thượng viện “xử” bà Yales bằng ông Sessions.

Thiệt ra, quyết định của Quyền Bộ trưởng Tư pháp chống lệnh Tổng thống mang tính biểu tượng là chính. Bởi trong mấy ngày trước, nhiều thẩm phán liên bang (có nguồn tin nói rằng có tới 16 vị) đã ra phán quyết ngăn chặn một phần sắc lệnh về nhập cảnh do Tổng thống Trump ký để bảo vệ những thường trú nhân Mỹ, những người đã có thẻ xanh (green card). Tổng thống Trump ký lệnh vào thứ Sáu và từ thứ Bảy, các sân bay ở Mỹ và trên khắp thế giới bị xáo trộn, thậm chí náo động, do nhà chức trách phải xử lý các hành khách bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân 7 nước Syria, Iraq, Iran, Sudan, Somalia, Yemen và Libya trong vòng 90 ngày. Mặc dù đang là cuối tuần, khi những luật sư đại diện cho những người có giấy tờ hợp pháp bị chặn lại không cho nhập cảnh vào Mỹ hay bị trục xuất về nơi xuất phát nhanh chóng đệ đơn kiện, nhiều quan tòa cũng cấp tốc xét xử. Tuy có thể không thể giải quyết cho những người bị giữ lại được tiếp tục vào Mỹ, các quan tòa này đã phán quyết ngăn chặn nhà chức trách Mỹ trục xuất họ về nơi xuất phát.

Hệ thống điều hành Hoa Kỳ là một điển hình của cơ chế tam quyền phân lập rõ ràng và dân chủ “tới tận cơ sở” khi “phép vua” có thể phải chấp nhận “thua lệ làng” do các bang có những quyền riêng của họ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.