Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

“Phụ nữ mà” – buồn nhiều hơn vui

 

“Phụ nữ mà” là một câu nói cửa miệng của nhiều người mỗi khi xảy ra vụ một người phụ nữ làm một việc gì đó bị coi là không ổn. Câu nói hàm ý phụ nữ cần được thể tất, du di, giảm nhẹ trách nhiệm vì giới tính khác… đàn ông của họ. Tin tôi đi, bất cứ một phụ nữ có ý thức nào cũng chẳng hề lấy làm vui – thậm chí có khi coi như bị xúc phạm khi nghe người ta “phán” vậy.

Hai chữ “phụ nữ” là để giúp phân biệt giới tính chứ không là một yếu tố để nhân nhượng, để được thương hại đâu.

Từ lâu rồi, không ít người – cả nam lẫn nữ – hiểu bình đẳng giới, nam nữ bình quyền theo ý nghĩa bên tám lạng, người nửa cân, phụ nữ được đối xử và làm mọi việc mà đàn ông có thể làm. Nếu đàn ông và đàn bà giống như nhau thì hà cớ gì phải tốn công 12 bà mụ trời, đặc biệt là bà mụ Lưu Thất Nương, phải nắn nam riêng, nữ riêng cho mệt?

Bình đẳng giới ở đây là đòi hỏi chủ yếu đàn ông chớ có cái thói coi thường phụ nữ, o ép phụ nữ, ở nhà thì xiềng xích phụ nữ vào cái xó bếp gia đình, ở ngoài xã hội thì giành ngồi những ghế cao nhất và trả lương cho phụ nữ thấp hơn đàn ông làm cùng công việc. Khổ ghê, có những phụ nữ mụ mị bị ông chồng “tấn phong” cho cái hư danh “nội tướng” để rồi bị ấn cho cái trọng trách “nội trợ” mụ người tới ná thở. Chớ có ham hố cái hư danh ảo mà gánh nặng thật đó, bởi một khi đã đội chiếc vương miện nội tướng và choàng qua vai tấm băng nội trợ, người phụ nữ chỉ còn thấy cái bầu trời mình từng bay nhảy giờ là cái trần nhà và cái thế giới mình từng tung tăng giờ là cái diện tích giới hạn trong 4 bức tường nhà hay ai may mắn rộng hơn thì cũng được khuyến mãi thêm cái vuông sân vườn. Đành rằng lấy chồng để làm vợ người dưng rồi làm mẹ người ta, người phụ nữ phải có những trách nhiệm mới, nhưng đó phải là những trọng trách chung của đồng vợ đồng chồng tát Biển Đông cũng cạn. Chỉ có được như vậy thì trọng trách hôn nhân mới trở thành hạnh phúc gia đình.

Tôi không hoan hỉ chào mừng ngày 8-3 mà chỉ rón rén xin chúc mừng ngày 8-3. Bởi trong thâm tâm của tôi, tôi đã tuốt tuồn tuột mọi lớp xiêm áo chính trị của ngày này để chỉ đơn thuần coi đây là một ngày dành riêng cho 3,7 tỷ phụ nữ đang sống trên hành tinh này (chiếm 49,6% dân số toàn cầu). Nó quý hiếm vì đàn ông chỉ dành 1 ngày này cho phụ nữ trong khi có tới 364 ngày còn lại của năm là của đàn ông. Nó đáng giá vì là ngày duy nhất trong năm mà phụ nữ được nhà nước công nhận quyền tự mình phục vụ chính mình sau 364 ngày phục vụ đàn ông. Ở cái năm thứ 17 của thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn để phải nhắc tới nhắc lui chuyện giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới thì hỡi các thể loại đàn ông đang cầm cương trên cõi đời này thiệt là đáng xấu chàng hổ thiếp biết bao. Nghĩ xuôi nghĩ ngược cũng khá khen cho quý vị phụ nữ có lòng khoan dung độ lượng, khoái được hy sinh chấp nhận theo quy trình và cái gọi là nền nếp truyền thống để cam chịu lép vế trước đàn ông. Cho tới nay, nhiều rất nhiều phụ nữ châu Á vẫn coi chuyện chịu lùi bước phía sau chồng là một phẩm giá giới tính. Mà sự chênh lệch về quân số giữa đàn ông (chiếm 50,4% dân số toàn cầu) và phụ nữ (49,6%) chỉ có 0,8%. Tuổi “khôn” của nữ thường cao hơn 2 năm so với nam. Nữ thọ hơn nam (hiện sống lâu hơn 4,2 năm). Sức mạnh của phụ nữ là vô song. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây hầu như chỉ có anh hùng lụy ải mỹ nhân thôi, quân vương dại gái mà khuynh thành (có lẽ chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy là hiếm hoi). Vậy thì sao… nên sao thì vậy? Một câu hỏi phi giới tính (unisex)!

Bữa rồi, một bạn đồng nghiệp nữ trẻ tuổi phỏng vấn tôi rằng ngày 8-3 ở nhà anh ra sao? Ôi, một câu hỏi khó ghê vậy đó, chủ yếu bởi tính nhạy cảm của nó. Nếu muốn có thêm gạch đá để xây nhà mồ, tôi chỉ cần trả lời: “Nhà anh không quan tâm tới các thể loại ngày kỷ niệm, lễ hội như ngày 8-3”. Còn nếu muốn câu view, câu like, tôi đáp: “Với nhà anh thì ngày nào cũng là ngày 8-3.” Bạn ắt thắc mắc tôi trả lời thế nào. Giống như một con lươn uốn éo vuột ra hai đôi bàn tay ngà ngọc đang chực chờ tóm lấy mình, tôi vọt miệng ngay như thể nó nằm sẵn trong tâm trí và ngay cửa miệng mình: “Nhà anh cũng giống như nhà em thôi mà.”

Đâu phải chỉ có ngày 8-3 mà là mọi ngày tôi còn sống, tôi luôn nhận thức được mình mắc nợ – mà ngày càng thêm nặng cả vốn lẫn lãi – đối với phụ nữ. Nói các đồng giới đừng cho rằng tôi phản bội chớ sống trên cõi hồng trần này mà Hồng Phước chỉ nhìn thấy toàn những bản mặt đờn ông thì cuộc đời hết còn đáng để sống nữa. Phụ nữ chính là lẽ sống, nguồn sống để tôi sống vui, sống khỏe, luôn nỗ lực tự hoàn thiện mình, là đối tượng để tôi phục vụ hết cả thể xác, linh hồn và cả trí khôn. Tôi mắc nợ và mang ơn phụ nữ. Với các phụ nữ ân nhân, tôi thậm chí không quỵt nợ mà còn tự nguyện xin trả nợ suốt đời. Thiệt mà…

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh gốc: Internet. Thanks.