Thứ Bảy ngày 28 tháng 12 năm 2024

Khởi nghiệp online: làm chơi ăn thiệt, làm thiệt sạt nghiệp

Phải nói ngay rằng chưa bao giờ cái chuyện xưa giờ đại sự là khởi nghiệp lại dễ dàng và ít tốn kém như ở thời thương mại điện tử trên nền Internet này. Chỉ cần 5 hay 10 phút thao tác là bạn có thể trở thành chủ một cửa hàng rồi. Vốn cỡ nào cũng làm được, thậm chí rỗng túi cũng có thể khởi sự bằng một tài khoản miễn phí chào bán hàng trên mạng xã hội. Cái mà người ta cần chỉ là có ý tưởng – nhưng cũng lưu ý đây mới chỉ là điều kiện tiên quyết cho việc khởi hành của một cuộc phiêu lưu lành ít dữ nhiều giữa thương trường nhiễu loạn và điên loạn.

 

Khởi đầu từ mạng xã hội, chợ trời online

Loại hình khởi nghiệp online phổ biến nhất là chào bán hàng. Chỉ cần có hàng hóa, dịch vụ là bạn có thể chào mời khách trên vô số chợ trời online, siêu thị online,… có cái chuyên ngành nghề, cái bách hóa. Bạn chọn nơi mình muốn bán, đăng ký một tài khoản thành viên miễn phí, rồi bắt đầu tung hàng lên chào bán.

Ngày càng có thêm nhiều người chọn các mạng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Zalo,… để khởi nghiệp. Thông dụng nhất là người ta sử dụng chính tài khoản cá nhân để chào bán hàng, có thể ban đầu trong vòng bạn bè (Friends) coi như tập dượt) rồi mở rộng ra công khai (public). Những người muốn làm ăn lớn hơn một chút thì hoặc chọn nhóm (Group) tương ứng để tham gia hay tự tạo nhóm riêng của mình. Còn làm ăn lớn thiệt thì có thể lập trang Fanpage.

Sướng lắm đó. Bạn chỉ cần có nguồn hàng và dịch vụ. Còn việc thanh toán và chuyển giao hàng đã có 500 anh em dịch vụ chuyển phát (shipper) luôn sẵn sàng phục vụ bạn. Thì người ăn cơm, kẻ ăn cháo và khai thác tính chất phân công xã hội thôi mà. Các dịch vụ chuyển hàng này, Nhà nước có, tư nhân có, có thể chuyển bình thường hay chuyển phát nhanh, giao hàng trong nước và trên khắp thế giới, có khi nếu thuận mua vừa bán, họ có thể giao hàng cho các phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế ISS đó chứ. Thay vì tiền thuê mặt bằng và vô số chi phí khác nếu mở cửa hàng thực tế, người bán hàng có thể dùng khoản tiền đó để giảm hay miễn phí giao hàng cho thêm sức hấp dẫn người tiêu dùng. Thanh toán giờ rất linh hoạt. Nếu không muốn sử dụng Internet bank, các loại thẻ ngân hàng,… người ta có thể dùng các loại ngân lượng, ví điện tử,… hoặc theo đúng thói quen mua sắm của người Việt là tiền trao cháo múc thông qua hình thức thanh toán khi nhận hàng COD (Cash on Delivery).

Do đặc thù của loại hình mua bán trên mạng, thậm chí từ các website, những kẻ xấu có thể dở trò lừa bịp khách hàng để bán hàng giả, hàng gian, hàng nhái, hàng kém chất lượng,… Vì thế gần đây đã phát sinh ra hình thức bán hàng trong vòng bạn bè, bán hàng chia sẻ. Đây cũng là một xu thế của thế giới trong kinh doanh trên mạng xã hội. Vào năm 2012, một nghiên cứu với hơn 1.000 người mua hàng online được Sociable Labs công bố cho thấy có tới 62% trong tổng số người mua hàng online được thăm dò đã đọc các chia sẻ có liên quan tới sản phẩm đó từ bạn bè trên Facebook, để rồi có tới 75% số người đó đã click chuột vào thăm trang sản phẩm của website bán lẻ được giới thiệu. Kết quả là có tới 53% số người mua hàng online đã mua sản phẩm được bạn bè chia sẻ thay vì trên các cửa hàng online, website.

Nền tảng kinh doanh online

Bây giờ, người khởi nghiệp không còn nỗi lo đi sông ra biển mồ côi một mình nữa rồi. Vô số tổ chức quốc gia và quốc tế đã được thành lập để hỗ trợ những người khởi nghiệp, thậm chí cả về vốn chứ không phải chỉ có phương tiện và kỹ năng. Còn các dịch vụ khởi nghiệp thì nhiều như nấm sau mưa. Có cả những doanh nghiệp khởi nghiệp về dịch vụ trợ giúp người khởi nghiệp. Haravan của Việt Nam là một thí dụ. Đây là một nền tảng cho người kinh doanh online. Người dùng tự tạo website bán hàng, có thể mở rộng bằng kho ứng dụng và kết nối với nhiều chuyên gia mọi lĩnh vực để hỗ trợ kinh doanh. Chỉ cần 4 bước khởi tạo là bạn sẽ có ngay một website kính doanh rất là ra dáng. Điều đáng chú ý ở Haravan là họ không chỉ đơn thuần là một dịch vụ mà là cả một nền tảng. Họ cung cấp tất tần tật từ A tới Z các thứ mà người khởi nghiệp cần để có thể bắt đầu làm ông chủ, bà chủ cửa hàng ngay và luôn, kể cả đội ngũ chuyên gia sẵn sàng tư vấn, gỡ rối tơ lòng thòng cho người mới khởi nghiệp.

 

Tưởng dễ ăn mà lại là khó nuốt

Như đã nói, chỉ cần có ý tưởng là bạn có thể khởi nghiệp được ngay với cây đũa thần online. Nhưng thực tế thì bạo phát bạo tàn, càng dễ dựng lên bao nhiêu, càng có nhiều nguy cơ sụp đổ bấy nhiêu. Sinh thì dễ, mà dưỡng mới khó, và sinh lời càng khó hơn.

Trên môi trường mạng, cái hiện tượng trớ trêu trong kinh doanh là làm chơi ăn thiệt, làm thiệt sạt nghiệp dễ xuất hiện hơn. Vô số các nhà kinh doanh có đầu óc bao la bát ngát với những ý tưởng vươn ra khỏi Thái Dương Hệ xây dựng những website hoành tráng bán các loại hàng cao cấp cũng chỉ sống được chưa hết một suất cúng thất (7 x 7 = 49 ngày). Không ít trong đó trở thành những “zombie” (xác sống) vật vờ trên mạng trôi theo dòng thời gian. Trong khi đó, có những người khỏi nghiệp bằng những ý tưởng có thể gọi là “tào lao”… hay từ những món hàng chạp phô lục cục lòn hòn lại thắng lợi vẻ vang.

Tạp chí kinh doanh Mỹ nổi tiếng Forbes đã đưa ra những con số thống kê, không phải để làm nản lòng chiến sĩ, mà chủ yếu cảnh tỉnh những ai sống ảo. Trên thế giới chỉ có 10% những nhà khởi nghiệp thành công. Trong số 90% dự án khởi nghiệp thất bại đó, có 30% chết ngay lập tức và 60% sống mà như chết. Một báo cáo của CB Insight cho biết tính chung có 71% dự án khởi nghiệp phải phá sản sau ít hơn 2 năm kể từ khi hoàn thành vòng huy động vốn đầu tiên và tính trung bình các doanh nghiệp khởi nghiệp rút khỏi thị trường sau 20 tháng chào đời.

Các chuyên gia tốn nhiều công sức để giải mã cái ẩn số nhan nhản trong thế giới kinh doanh: làm cùng quy mô, cùng mặt hàng, nhưng chị X tiền vô như nước, còn các anh Y, anh Z,…. vốn liếng bị “lạc trôi”.

Giới chuyên gia giải thích lý do cơ bản mà hầu hết các nhà khởi nghiệp thất bại là họ bán cái mà người ta không muốn mua và họ bán theo cách mà người khác không thích dùng.

Công ty khởi nghiệp tiếp thị số Dijiwan ở Bordeaux (Pháp) vào tháng 1-2012 đã huy động được 500.000 euro từ các nhà đầu tư công nhưng tới tháng 9-2012 đã phải làm thủ tục phá sản. Vụ này đã trở thành một trong những điển hình (case study) về khởi nghiệp thất bại được tham chiếu nhiều nhất. Các nhà lãnh đạo Dijiwan rút ra được bài học: “Có một ý tưởng sản phẩm tốt và một đội ngũ kỹ thuật mạnh mẽ cũng chưa là một bảo đảm cho doanh nghiệp bền vững. Người ta phải không được phớt lờ tiến trình doanh nghiệp và các vấn đề của một công ty bởi vì nó không phải là việc của họ.” Trong bài chia sẻ kinh nghiệm “Vì sao doanh nghiệp khởi nghiệp chúng tôi thất bại?” của Giám đốc Kỹ thuật (CTO) của Dijiwan xuất bản năm 2014 và tới nay có hơn 16 triệu lượt đọc, ông này thú nhận mình chưa bao giờ truy cập các kết quả kế toán của công ty. Ông đã không có hành động gì bởi vì không bao giờ nghĩ công ty mình lại thất bại và chết nhanh đến như vậy.

Nửa đùa, nửa thiệt khi nói rằng bạn may mắn là người đi sau vì có thể học được kinh nghiệm của 90% những người đi trước bị vấp ngã. Một là, không để cho doanh nghiệp phát triển quá nóng, nhanh vượt quá tầm kiểm soát của bạn. Hai là chi tiêu và đầu tư cẩn trọng và đúng kế hoạch để không bị đứt vốn nửa chừng hay khi sắp lên tới đỉnh. Ba là luôn suy nghĩ những điều mới lạ và tạo sự khác biệt mà chúng đem lại lợi ích cho khách hàng và làm khách hàng thấy sướng hơn đối thủ của bạn. Bốn là đội ngũ phải biết cách để khắc phục các sự cố và thậm chí phục hồi khi sụp lỗ chân trâu.

Bất luận thế nào, bạn cứ mạnh dạn mà khởi nghiệp khi chung quanh đang có quá nhiều bàn tay nâng đỡ bạn. Chỉ có điều, bạn chớ quá ảo tưởng và đừng bao giờ nản lòng, bỏ cuộc chơi khi thất bại. Tương lai luôn nằm trong tay những người biết “failing-forward” (ngã xuống mà vẫn đứng lên để đi tiếp) – nhất là khi bạn có nguồn vốn trời cho là sức trẻ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 26-3-2017 và trên báo Pháp Luật TP Online