Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Trí tuệ nhân tạo: mừng và lo

 

Những gì vừa diễn ra trong Quý 1 năm 2017 cho thấy năm nay sẽ là một năm nóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, AI). Ngày càng có thêm nhiều sản phẩm công nghệ được tích hợp AI. Công nghệ AI nâng cấp thiết bị lên từ thông minh (smart, chủ yếu có nghĩa là tự động và kết nối) lên mức tự học và hiểu được môi trường làm việc.

Tại sự kiện WWDC 2016 (tháng 6-2016), Apple đã giới thiệu việc ứng dụng AI trong các phiên bản hệ điều hành và các thế hệ thiết bị mới. Giống như nhiều ông lớn công nghệ khác, Apple đang triển khai các hệ thống deep neural của AI, cho phép các hệ thống phần cứng và phần mềm có thể học được bằng cách phân tích các dữ liệu mà chúng thu nhận được trong quá trình hoạt động. QuickType là một tính năng ứng dụng AI. Cũng trong tháng 6-2016, Apple đã công bố giao diện lập trình Basic Neural NetworkSubroutines API cho phép các nhà lập trình khác sử dụng hệ thống AI của Apple để phát triển các ứng dụng cho thiết bị Apple.

Nhà Google cũng phát triển công nghệ AI tương tự Apple trong tính năng Smart Reply, có khả năng đề xuất những câu trả lời cho các e-mail.

Tháng 12-2016, hãng Huawei đã giới thiệu tại thị trường Trung Quốc chiếc smartphone Honor Magic mà họ nói rằng mình đã mất tới 4 năm để phát triển. Chiếc smartphone giá 3.700 nhân dân tệ (khoảng 531 USD) được tích hợp công nghệ AI. Trước đó, vào tháng 10-2016, Huawei đầu tư 1 triệu USD cho một dự án đối tác nghiên cứu phát triển AI với Đại học UC Berkeley (Mỹ). Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2017 ở Las Vegas (Mỹ) hồi tháng 1-2017, Huawei đã giới thiệu chiếc smartphone Mate 9 phiên bản cho thị trường Mỹ được tích hợp sẵn trợ lý giọng nói Alexa của Amazon có công nghệ AI.

Microsoft cũng phát triển trợ lý cá nhân là Cortana được tích hợp vào hệ điều hành Windows 10. Hồi tháng 12-2016, Microsoft đã cung cấp bộ công cụ Skills Kit và Devices SDK cho phép các nhà sản xuất bên ngoài phát triển ứng dụng Cortana. Người ta hy vọng có một nàng trợ lý Cortana diễm lệ kỳ tình hơn nữa trong phiên bản cập nhật mới Creators Update for Windows 10 sẽ được Microsoft đưa ra trong năm 2017.

Mới nhất là hôm 29-3-2017, Samsung ra mắt bộ đôi smartphone Galaxy S8 và S8+ có tích hợp trợ lý cá nhân Bixby với công nghệ AI. Còn nhớ, vào tháng 10-2016, Samsung loan báo việc mua lại Viv, một hệ thống trợ lý cá nhân và AI. Sáng lập ra Viv vào năm 2012 chính là bộ ba Dag Kittlaus, Adam Cheyer và Chris Brigham – những người đã phát triển ra trợ lý cá nhân Siri mà Apple mua lại vào năm 2010. Ra đời sau, Viv được đánh giá là một phiên bản linh hoạt và mạnh mẽ của Siri. Và Samsung đã dựa trên nền tảng Viv để phát triển Bixby.

Để có thể hiểu được một trợ lý AI như thế nào, chúng ta thử kiểm tra công cụ Bixby mới nhất này. Đây là một hệ thống AI được thiết kế để làm cho việc tương tác với thiết bị dễ dàng hơn, đặc biệt là tránh sự phức tạp, rắc rối đang ngày một gia tăng làm khó người dùng ở những thiết bị đa chức năng. Người ta có thể dùng Bixby để điều khiển các thiết bị trong ngôi nhà thông minh Smart Home của mình, đơn giản hơn là các thiết bị như TV, máy lạnh,…

Trợ lý Bixby

Trợ lý Bixby được xây dựng trên 3 cột trụ:

– Một giải pháp hoàn chỉnh với đầy đủ chức năng của một trợ lý ảo.

– Nhận thức được môi trường thực tế mà ứng dụng đang hoạt động và có những hành động đúng dựa trên các yêu cầu của người chủ.

– Hiểu được tiếng nói của con người. Bạn có thể nói “hãy chiếu cái này lên TV của tôi”, và Bixby sẽ lập tức chiếu những gì đang hiển thị trên màn hình Galaxy S8 lên một chiếc TV Samsung hỗ trợ. Bạn có thể ra lệnh cho Bixby quay số gọi điện thoại cho ai đó.

Tính năng Bixby Vision kết hợp với camera cho người dùng những trải nghiệm thú vị. Khi đi siêu thị, thấy một món hàng nào đó mà mình không biết rõ, bạn chỉ việc hỏi Bixby và đưa camera lên chụp món hàng đó. Tương tự như vậy, chỉ cần cho thấy hình ảnh nào đó: một danh thắng, một tòa nhà, một món ăn,… Bixby sẽ lập tức kết nối Internet và cung cấp cho bạn những thông tin mà bạn cần.

Xin mời xem video về cách Bixby làm việc:

 

Trong khi đó tính năng Bixby Home sẽ học và ghi nhận các thói quen của bạn, cập nhật cách bạn sử dụng điện thoại. Như có phiên bản được tích hợp sẵn một thẻ Uber, cho phép bạn chỉ cần ra lệnh: “Bixby, gọi cho tôi một chiếc Uber” là xong.

Có thể nói rằng, với AI, thiết bị sẽ ngày càng gần với con người hơn. Nó hiểu bạn, càng xài lâu, càng hiểu sâu. Tới một lúc nào đó, thiết bị AI thật sự là một người giúp việc, một người bạn đồng hành của người dùng. Mục đích của các nhà phát triển là dùng AI để phục vụ người dùng tốt hơn, hợp ý hơn.

Với công nghệ Smart, thiết bị thông minh như một robot. Và với AI, thiết bị sẽ là một robot gần giống con người.

Bên cạnh những phấn khích khi được sử dụng những thiết bị AI bảo đảm là sướng hơn, tiện dụng hơn, người ta không thể không nghĩ xa hơn về việc lạm dụng công nghệ “hiểu và suy nghĩ gần như con người” này.

Cái cảm giác mà nhiều người sẽ có là như thể mình đang bị theo dõi 24/7. Bạn có nhớ cái cảm giác của mình khi vào một cửa hàng cao cấp có một cô nhân viên luôn theo mình, hoặc kè kè, hoặc đứng xa xa, dù rằng chỉ để coi khách hàng cần gì là có thể trợ giúp ngay. Trong thời buổi môi trường mạng đầy rẫy những nguy cơ, bất trắc, các thiết bị có kết nối Internet luôn như con dao hai lưỡi, có thể bị kẻ xấu sử dụng như một kẻ nằm vùng theo dõi nhất cử nhất động của bạn và thu thập mọi thông tin. Và thiết bị càng thông minh, càng nguy hiểm hơn.

Với tính năng AI, thiết bị sẽ càng mang tính cá nhân hơn đối với người dùng. Không thể loại trừ khả năng tới một lúc nào đó, thiết bị AI sẽ hòa nhập vào người sử dụng nó như hồn và xác. Khi thiết bị AI được kết hợp khả năng máy học (machine learning) xuất xưởng, nó như được xổ lồng mà có lẽ chính nhà sản xuất cũng không thể biết được nó sẽ “học” được tới mức độ nào từ người sử dụng. Ngay bản thân người dùng cũng không thể biết được mình “bị học” những gì. Những bí mật riêng tư mang tính cá nhân của người dùng sẽ bị thiết bị xâm phạm. Và không phải không có nguy cơ mọi tập tính, lối sống của bạn sẽ bị lồ lộ ra khi có ai khác sử dụng thiết bị của bạn.

Bất luận thế nào, cho dù siêu tới đâu, AI vẫn là một phần mềm, một thuật toán. Có nghĩa là nó vẫn có thể bị chập cheng như bất cứ phần mềm nào.

Vào đầu năm 2015, một nhóm các nhà khoa học và doanh nhân nổi tiếng, trong đó có nhà bác học Stephen Hawking và tỷ phú công nghệ Elon Musk, đã ký vào một bức thư ngỏ cam kết bảo đảm rằng việc nghiên cứu về AI sẽ chỉ tập trung vào các lợi ích của con người. Bức thư do Viện Tương lai Cuộc sống (Future of Life Institute) ở Cambridge (Massachusetts, Mỹ) soạn thảo đã mô tả AI như một mối đe dọa có thể còn nguy hiểm hơn bom nguyên tử. Nó khuyến cáo rằng nếu loài người không sớm có được những quy chuẩn ràng buộc và bảo vệ về các cỗ máy AI, loài người có thể đi tới một tương lai đen tối. Cụ thể hơn, các nhà khoa học và doanh nhân này kêu gọi đừng để cho AI cướp mất công ăn việc làm hay có thể giết chết con người.

Các nhà làm phim ở Hollywood (Mỹ) trong nhiều năm qua đã làm vô số bộ phim cho thấy con người gặp nguy hiểm ra sao khi người máy nổi loạn. Đó không phải là giả tưởng mà là viễn tưởng – những nguy cơ có thể nhìn thấy được trong tương lai.

Hồi tháng 11-2014, tỷ phú Elon Musk sáng lập Công ty Space-X với những dự án du hành vũ trụ và Tesla nổi tiếng với những dòng xe ôtô điện, cảnh báo rằng “một số mối nguy hiểm nghiêm trọng” như hệ lụy của những cỗ máy AI có thể xảy ra sớm nhất là trong vòng 5 năm tới.

Có lẽ với đầu óc vươn tới Sao Hỏa, doanh nhân tỷ phú công nghệ Musk đã nhìn thấy được thị trường công nghệ thế giới vào năm 2017 chộn rộn những thiết bị AI. Khi các nhà sản xuất chạy đua nhau phát triển AI như một lợi thế cạnh tranh, chẳng ai lường trước được những gì sẽ xảy ra. Tất nhiên, các ông lớn công nghệ có những cách làm cẩn trọng hơn. Như nhà Google đã thành lập cả một ủy ban đạo đức để giám sát công cuộc nghiên cứu và phát triển AI của Google.

Deep Mind là một hãng Anh chuyên phát triển phần mềm giúp máy tính suy nghĩ như con người. Shane Legg, một trong các nhà sáng lập Deep Mind, cho rằng AI sẽ là “mối nguy hiểm số 1 của con người trong thế kỷ 21”. Thậm chí ông tin rằng AI có thể đóng một vai trò quan trọng trong nguy cơ khiến loài người bị tuyệt chủng.

Trang công nghệ Tech Crunch hồi tháng 3-2017 đưa tin Brian Chesky, CEO của Airbnb, một dịch vụ chợ và lưu trú online quốc tế của Mỹ, đã cam kết với mọi người rằng họ sẽ không thay thế cộng đồng con người bằng AI. Dịch vụ này hiện có thể book phòng, nhà nghỉ tại hơn 34.000 thành phố ở hơn 190 nước. Trong những tháng tới, đích thân nhà lãnh đạo Airbnb sẽ đi tới các thành phố London (Anh), New York (Mỹ), Cape Town (Nam Phi), Delhi (Ấn Độ), và Bắc Kinh (Trung Quốc) để gặp gỡ các cộng đồng. Ông sẽ trấn an mọi người về nỗi lo dịch vụ online này sẽ nêu lý do tiết kiệm chi phí hoạt động để thay thế nhiều công việc từ người làm sang cho ứng dụng AI làm. Thừa nhận rằng việc sử dụng nhân công sẽ tốn chi phí gấp bội lần dùng “người máy”, nhưng Chesky nhấn mạnh rằng không phải bất cứ công việc nào cũng có thể dùng “người máy” được. CEO của Airbnb nói rằng: “Một người máy có thể mở cửa và cho phép bạn vào nhà, nhưng nó sẽ không thể làm cho bạn có được cảm giác được hoan nghênh, đón chào ấm áp.”

Thực tế, sự nổi lên của ứng dụng AI càng làm nghiêm trọng hơn và hiện thực hơn nỗi lo lâu nay của người lao động là họ đã bị máy móc rồi tiếp đó sẽ là người máy cướp mất công ăn việc làm của mình. Từ dây chuyền do con người làm chuyển sang dây chuyền tự động đã làm biết bao người lao động phải mất việc. Với AI, những công việc văn phòng, bàn giấy sẽ bị những ứng dụng thông minh thay thế. Trong một chuyến thăm trụ sở của Microsoft ở Mỹ, người viết bài này đã được giới thiệu một ứng dụng AI có thể thay thế những nhân viên lễ tân online của khách sạn. Khi khách gọi điện tới hay chat trực tiếp online, ban đầu, ứng dụng này giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng khi nghe giới thiệu quốc tịch, nó sẽ lập tức chuyển sang giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của khác. Nó có thể phục vụ khách mọi nhu cầu, thậm chí còn hơn cả nhân viên con người nữa.

Với các thiết bị tiêu dùng cá nhân ứng dụng AI, có thể ban đầu bạn rất thích thú vì chúng “thông minh như người” có thể hiểu được bạn. Qua quá trình phục vụ bạn, chúng học nhiều hơn từ bạn và tới mức có thể đoán trước cả ý định của bạn nữa. Lúc đó, bạn có thể đâm ra sợ chính cái thiết bị AI mà mình từng tâm đắc.

Stuart Armstrong, nhà triết học và nhà nghiên cứu tại Viện Tương lai Nhân loại (The Future of Humanity Institute) thuộc Đại học Oxford (Anh) cũng nhấn mạnh rằng việc lạm dụng AI sẽ gây nên tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Chẳng hạn, người ta chỉ cần tạo ra một thiết bị AI rồi trang bị và huấn luyện cho nó các kỹ năng để làm một nghề nào đó; sau khi nó thuần thục, họ chỉ cần sao chép hàng loạt là có ngay vô số những “người lao động” làm việc thay vì tuyển dụng con người. Trong trường hợp những kẻ xấu sản xuất hàng loạt những người máy có trình độ AI gần giống con người đó để làm quân lính cho chúng thì thế giới lâm nguy.

Khai thác các lợi thế của AI để phục vụ con người là cần thiết. Đó là một xu thế phát triển công nghệ. Nhưng vẫn cần có những giới hạn, đặc biệt khi ở trên những thiết bị thương mại. Ngay chính người dùng đầu cuối cũng không nên lạm dụng AI, nhất là khi mình chẳng có khả năng kiểm soát nó. Một điều quan trọng nữa là người dùng sẽ phải trả thêm tiền cho công nghệ AI được tích hợp trên thiết bị của mình.

Trong bộ phim khoa học viễn tưởng I, Robot phát hành năm 2014 của đạo diễn Alex Proyas kể về thế giới năm 2035, khi những robot hình người (humanoid robots) phục vụ loài người, con người đã phải tự bảo vệ mình bằng cách cài đặt vào robot việc tuân thủ 3 điều luật Robot. Điều luật quan trọng sống còn là Luật Zero’th Law quy định robot không được phép làm hại con người.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động Thứ Tư 5-4-2017 và trên báo Người Lao Động Online

 

cof