Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Uber được chơi tiếp ở Việt Nam

 

 

Cô bạn Dung Hanh Long Le mới hồi sáng này (10-4-2017) rao trên tường Facebook của mình về cuộc tọa đàm “Taxi truyền thống chấp nhận cạnh tranh cùng Uber, Grab” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào sáng 11-4 tại tòa soạn của báo. Cô đồng nghiệp viết: “Một số hãng taxi truyền thống cũng đã tự thay đổi để bước vào một cuộc cạnh tranh, giữ thị phần. Họ đã nỗ lực ứng dụng công nghệ vào kinh doanh (sử dụng app kết nối qua smartphone), cải tiến việc vận hành, tăng chất lượng phục vụ… Tuy nhiên, họ còn nhiều điều mong muốn kiến nghị với các cơ quan chức năng để cuộc cạnh tranh thật sự bình đẳng, công bằng.”

Buổi chiều 10-4, tôi nhận được thông cáo báo chí của Uber phát đi từ Hà Nội cho biết: “Hôm nay, Uber vui mừng thông báo Bộ Giao thông – Vận tải (Bộ GTVT) đã chính thức thông qua và đưa vào hiệu lực Đề án Thí điểm của Uber tại Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng của Uber, cũng như thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ghi nhận những đóng góp tích cực của nền kinh tế chia sẻ nói chung và công nghệ chia sẻ chuyến đi nói riêng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội tại Việt Nam.”

Đây quả là một tin vui cho Uber và là một tin mừng cho những người lâu nay vẫn sử dụng các dịch vụ của Uber. Trước hết, cả người lái xe lẫn hành khách không còn phải “trải nghiệm” cái cảm giác hồi hộp vì “xài lậu” nữa.

Số là hôm 18-1-2017, Bộ GTVT đã có công văn gửi Uber Việt Nam thông báo ý kiến của bộ rằng đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải hành khách do Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber VN) xây dựng có nhiều nội dung chưa phù hợp với công văn số 1850/TTg của Thủ tướng và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Có nghĩa là Uber phải ngừng các hoạt động vận chuyển hành khách ở Việt Nam.

Như vậy, cho tới lúc đó chỉ mới có các đơn vị như Grabcar, V.car, Thanhcong.car, S.Car, Vic.Car đáp ứng yêu cầu theo quy định và được phép triển khai thí điểm theo Quyết định 24.

Tất nhiên, Uber muốn hoạt động danh chính ngôn thuận ở đâu thì phải đáp ứng được luật chơi ở nước đó. Chẳng cứ gì ở Việt Nam.

Và cũng vì lẽ đó, một khi đã được Bộ GTVT chỉ rõ những điểm chưa đạt yêu cầu, Uber có quyền chỉnh sửa lại đề án cho “vừa lòng nhau” để có thể tiếp tục “con đường xưa em đi”.

Trước đó trong một comment cho một status của bạn Dung Hanh Long Le, tôi viết: “Theo ý anh, cần đa dạng hóa để người tiêu dùng có thể lựa chọn cái nào lợi nhất cho mình. Anh đi Uber X từ nhà ra sân bay giá rẻ bằng một nửa taxi. Còn đi UberMoto trong TP, tiết kiệm được từ 1/2 tới 1/3 so với xe ôm. Tính mấy chục năm qua, anh đã thiệt hại biết bao nhiêu tiền. Vấn đề là nhà nước có cơ chế quản lý như thế nào để các loại hình cạnh tranh nhau công bằng (tất nhiên chỉ tương đối chấp nhận được) và tuân thủ pháp luật. Bản thân các hãng taxi sau bao năm thu lợi khủng (không khủng sao luôn có các hãng mới và các hãng luôn mua thêm hàng ngàn xe mới) phải cải tổ cách kinh doanh của mình. Đừng nhân danh bảo vệ quyền lợi tài xế taxi (lâu nay tài xế taxi bị thiệt thòi là vì đâu), vì người chạy Uber và Grab cũng là người lao động Việt thôi. Tham khảo thêm: lâu nay người ta vẫn nghe tin hãng xe taxi là sân sau của ai đó nọ kia.”

Và để có thêm dữ liệu, tôi cũng đã dẫn đường link tới bài viết “Kêu ca Uber, Grab nhưng taxi đóng thuế còn thấp hơn” trên báo điện tử Vietnamnet ngày 13-3-2017. Theo đó, dựa theo số liệu của ngành Thuế, Bộ Tài chính cho biết: Tại địa bàn TP.HCM, trong số 10 doanh nghiệp taxi có doanh thu lớn thì có 2 doanh nghiệp phát sinh số thuế giá trị gia tăng (GTGT) được khấu trừ, không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đó là Mai Linh và Thành Bưởi. Một số hãng taxi khác có tỷ lệ nộp thuế GTGT trên doanh thu dưới 3%, như Gia Định, Saigon Tourist (taxi), Hợp tác xã vận tải số 10. Theo Bộ Tài chính, hầu hết các hãng taxi đều có tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên doanh thu thấp hoặc không phát sinh thuế TNDN phải nộp. Nếu phải nộp thuế TNDN thì tỷ lệ nộp chỉ vào khoảng 0,01 đến 0,06% doanh thu. Một số doanh nghiệp khác có mức tỷ lệ nộp thuế GTGT trên doanh thu cũng chỉ dưới 3%. Như vậy, tỷ lệ thuế GTGT thực tế mà các hãng taxi ở TP.HCM nộp thấp hơn mức thuế khoán cho Uber (3%). Riêng Vinasun có tỷ lệ nộp thuế TNDN là 1,97% doanh thu, tương đương mức thuế TNDN khoán cho Uber (2%).

Thêm tin cho biết sau lần đầu nộp thuế cho năm 2014 vào cuối tháng 8-2016, đến cuối năm 2016, Uber Việt Nam đã hoàn tất nghĩa vụ thuế của năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 theo yêu cầu của cơ quan thuế. Theo số liệu do Tổng cục Thuế đưa ra tại Bàn tròn trực tuyến ngày 20-2-2017 của báo Vietnamnet, tính tới lúc đó, Uber Việt Nam đã nộp đủ 30 tỷ đồng thuế các loại theo yêu cầu của ngành Thuế.

Ảnh: Internet. Thanks.

 

Uber ra đời tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ) tháng 3-2009 và hiện nay đang hoạt động tại hơn 570 thành phố ở 80 quốc gia trên khắp thế giới. Hầu như ở đâu, Uber kinh doanh vận tải dựa trên công nghệ cũng là “kẻ thù không đội trời chung” với các hãng vận tải hành khách truyền thống.

Dù là truyền thống hay công nghệ, các hãng vận tải đều là làm ăn kinh doanh. Chuyện của họ là làm sao có nhiều khách để có lãi và không làm gì sai trái pháp luật sở tại. Còn hành khách phải được quyền lựa chọn phương tiện nào mà mình cảm thấy ưng cái bụng nhất và có lợi nhất. Uber, Grab, Lyft, Hailo, Whisk,… và các dịch vụ tương tự không phải là hãng taxi mà là làm dịch vụ vận chuyển trên nền tảng công nghệ với hình thức kết nối và chia sẻ. Họ hoàn toàn khác về bản chất lẫn hình thức với các app ứng dụng di động và Internet của các hãng taxi truyền thống. Đó là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ mà nếu không muốn bị tụt hậu hay bị lạc trôi khỏi dòng đời công nghệ, người ta phải chấp nhận chung sống với nhau, có ấm ức thì cứ việc mở karaoke hát bài Duyên Phận. 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC