Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Bỗng dưng mất tiền trong tài khoản ngân hàng: lỗi ải lỗi ai?

 

Cử đôi ba tháng, các kênh truyền thông lại rộ lên tin một nạn nhân nào đó đã bị mất tiền từ tài khoản ngân hàng của mình. Phổ biến nhất là bị ai đó rút mất tiền bằng thẻ ngân hàng, cũng có một số vụ bị “bốc hơi” mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Ít thì mất vài ba triệu đồng, nhiều thì có vụ mất tới 32 tỷ đồng (vụ một nữ khách hàng ở Đà Lạt trình báo mất 32 tỷ đồng tiền tiết kiệm ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV)  hồi giữa năm 2016). Danh sách các nạn nhân ngày càng dài thêm và chắc chắn là không thể nào dừng lại.

Nổi cộm từ đầu năm 2017 tới nay là vụ hồi đầu tháng 2-2017, một phụ nữ ở Hà Nội đã khiếu nại việc mình tuy không trực tiếp thực hiện giao dịch rút tiền nhưng đã bị “bay mất” gần 9 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Mới đây nhất là vụ một nam khách hàng ở Hà Nội đã bị ai đó dùng thẻ giả rút mất gần 95 triệu đồng tại TP.HCM. Khuya 24-4-2017, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) gửi hàng loạt tin nhắn tới điện thoại của anh báo tin các giao dịch rút tiền qua máy ATM đã thực hiện thành công. Theo quy định của Sacombank, mỗi lần giao dịch được rút tối đa 10 triệu đồng. Sau 9 giao dịch, ai đó đã rút được 90 triệu đồng. Và trong giao dịch thứ 10, kẻ đó đã rút hết số tiền 4,9 triệu đồng còn lại. Do lúc đó vào nửa khuya nên tới sáng hôm sau nạn nhân mới mở tin nhắn và “ôi thôi rồi”. Nạn nhân đã lập tức báo cho Sacombank và chỉ hơn 1 ngày sau, trong khi công an đang điều tra, ngân hàng đã hoàn lại đầy đủ số tiền đó vào tài khoản của khách hàng.

Thật ra, những vụ việc “bỗng dưng mất tiền” ở ngân hàng như thế này không phải chuyện lạ, và chúng xảy ra khắp thế giới có hoạt động ngân hàng. Vấn đề chỉ trở thành vấn đề và đáng nói khi những vụ việc này xảy ra thường xuyên một cách bất thường, cho thấy có những lỗ hổng trong hoạt động của các ngân hàng. Tất nhiên người ta phải xem xét trách nhiệm từ cả hai phía: ngân hàng (nơi mở tài khoản hay phát hành thẻ ngân hàng) và khách hàng. Và “kẻ thù chung” của cả hai đối tượng này chính là bọn tội phạm công nghệ cao đang ngày càng tinh vi và lộng hành trên toàn cầu. Mấu chốt vấn đề ở đây là “hồn ai nấy giữ”, ngân hàng và khách hàng đều phải có những biện pháp để tự bảo vệ mình càng chặt chẽ bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Còn lại thì giống như chủ nhà, họ cần phải khóa cửa thiệt chắc, còn kẻ trộm quá cao tay ấn lọt vào được thì… hên xui. Nói vậy để thấy rằng, ngân hàng và khách hàng càng chủ động tự bảo vệ mình thì xác suất bị “tai ương” càng thấp hơn.

Năm 2016 được coi là một trong những năm “nóng”nhất ở Việt Nam về những vụ “bốc hơi” tiền ở ngân hàng. Hàng loạt ngân hàng đã bị dính. Và điều đáng trách hơn cả là đã để xảy ra những vụ tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng, chủ yếu là do ngân hàng đẩy trách nhiệm về phía khách hàng. Tình hình phát triển xấu tới mức Ngân hàng Nhà nước ngày 14-10-2016 đã phải ra Thông tư số 30/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, thời hạn tra soát, khiếu nại đối với từng dịch vụ. Thời hạn chủ thẻ được quyền đề nghị tra soát, khiếu nại không ít hơn 60 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch đề nghị tra soát, khiếu nại. Thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại của tổ chức phát hành thẻ tối đa không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của chủ thẻ. Trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại cho khách hàng, tổ chức phát hành thẻ phải thực hiện bồi hoàn cho chủ thẻ theo thỏa thuận và quy định của pháp luật hiện hành đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của chủ thẻ và/hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng thỏa thuận tại hợp đồng. Những sửa đổi, bổ sung này nhằm cập nhật những quy định đã có và giảm bớt những tranh chấp do những bất cập, thiếu rõ ràng trong luật định.

Ngoài việc rà soát lại các quy trình của mình, các ngân hàng cũng đã thông báo cho khách hàng những lưu ý để sử dụng thẻ ngân hàng an toàn hơn. Chẳng hạn như hồi hạ tuần tháng 4-2017, sau vụ một khách hàng bị rút mất gần 95 triệu đồng, Sacombank đã đưa ra 6 khuyến cáo cho khách hàng dùng thẻ. Chúng tôi nghĩ rằng 3 lưu ý quan trọng nhất mà bất cứ người dùng thẻ ngân hàng nào cũng phải “luôn ghi khắc trong tim” là:

1- Không để lộ thông tin thẻ. Không tiết lộ mật khẩu hay cho người khác mượn thẻ ngân hàng của mình (kể cả mượn coi chơi). Không đặt mật khẩu bằng các thông tin dễ đoán như ngày sinh, số CMND, số điện thoại, biển số xe… để tránh tình trạng người khác nhặt được thẻ có thể lợi dụng lấy cắp tiền. Nên thường xuyên đổi mật khẩu thẻ. Giữ kín không để cho ai thấy số thẻ, đặc biệt là phần mã CVV (3 chữ số cuối ở mặt sau thẻ). Lâu nay vẫn có những người “hớ hênh” chụp ảnh thẻ ngân hàng của mình rồi khoe lên mạng xã hội.

2- Cẩn thận khi rút tiền tại máy ATM. Trước khi tiến hành rút tiền ở đâu, bạn nên kiểm tra máy ATM đó có bị gắn thiết bị lạ gì không, như đầu đọc cắm bên ngoài khe đọc thẻ để lấy cắp thông tin thẻ. Rồi khi nhập mã PIN, bạn cần dùng tay che chắn để tránh lộ PIN. Rút tiền xong, bạn nên kiểm tra đã lấy thẻ và tiền chưa và nán lại chờ trên màn hình ATM hiện thông báo kết quả giao dịch hoàn tất, sẵn sàng cho giao dịch kế tiếp rồi hãy rời đi.

3- Cẩn trọng hơn khi giao dịch thanh toán trực tuyến. Khi cần phải giao dịch trực tuyến, bạn nên dùng thiết bị có cài đặt phần mềm phòng chống virus trên máy tính, điện thoại và dùng trình duyệt web được bảo mật cao. Không trả lời các e-mail lạ, không bấm vào các đường link không rõ ràng hoặc yêu cầu nhập thông tin cá nhân, thông tin thẻ… Nên gõ địa chỉ của ngân hàng điện tử trực tiếp vào trình duyệt khi giao dịch trực tuyến, không nên bấm vào đường link được gửi qua e-mail hay các đường link Google đề xuất (trường hợp tìm kiếm bằng Google) vì các đường link có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thực tế. Chỉ mua sắm, thanh toán trực tuyến tại những website uy tín, chính thức của các ngân hàng và các đơn vị bán hàng online đáng tin cậy, nhất là có dùng giao thức bảo mật web https. Trong bất kỳ trường hợp nào, chủ thẻ tuyệt đối không cung cấp các thông tin thẻ qua các mạng xã hội (Facebook, Skype, Viber, Zalo…). Để giảm bớt rủi ro, bạn hạn chế tới mức thấp nhất có thể được việc sử dụng thẻ tín dụng (credit card, thẻ trả sau) trong thanh toán trực tuyến. Bạn nên dùng thẻ trả trước quốc tế (debit card) và tốt nhất là chỉ nộp trước vào thẻ đúng số tiền cần giao dịch để có thể chủ động kiểm soát được khoản tiền trong thẻ. Đành rằng rất là phiền hà, nhưng nó sẽ giúp bạn an lành khi bắt buộc phải dùng thẻ ngân hàng, hay có thể tận hưởng được những tiện lợi khi được “cà thẻ”.

Ba khuyến cáo khác của Sacombank là giám sát khi thanh toán trực tiếp bằng thẻ, luôn bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, và sử dụng dịch vụ thông báo giao dịch tự động. Chúng tôi đánh giá cao tính hữu dụng của dịch vụ thông báo bằng tin nhắn SMS từ ngân hàng phát hành thẻ ngay sau mỗi giao dịch bằng thẻ hay thay đổi số dư trong tài khoản ngân hàng. Nếu điện thoại có đăng ký chuyển vùng quốc tế (roaming), bạn vẫn có thể nhận được các tin nhắn này ngay cả khi đang ở nước ngoài.

Có lẽ vấn đề mà người ta quan tâm và cần nhất vẫn là thái độ và tinh thần trách nhiệm của ngân hàng mỗi khi xảy ra sự cố về tài khoản khách hàng. Người dùng sợ nhất và có lẽ cũng không nên dính líu gì tới những ngân hàng nào hễ xảy ra chuyện là lập tức đẩy hết trách nhiệm về khách hàng, chí ít là cũng dây dưa kéo dài thời gian “đau khổ và lo sợ” của khách hàng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài trên báo Phụ Nữ TP.HCM Online