Thứ Năm ngày 31 tháng 10 năm 2024

Tin tức giả, thiệt hại thật

 

Thật ra tin tức giả (fake news) là một vấn nạn từ nhiều năm nay, nhưng người ta đã cố tình bỏ qua, dù sao lúc đó nó cũng chưa gây tác hại nghiêm trọng cho lắm. Vấn đề này gần đây đã trở nên nóng hơn bao giờ hết khi người ta tố cáo tin tức giả đã được khai thác để làm rối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016. Cụ thể là tin tức giả bị chỉ đích danh là một trong những nguyên nhân của sự thất bại truyền thông dẫn tới kết quả thất cử bất ngờ và choáng váng của bả Hillary Clinton. Trước áp lực của công luận và sự trở bộ của các cơ quan chức năng, vấn nạn tin tức giả trên mạng đang được xới lên từ Mỹ cho tới nhiều nước khác.

Phải nói rằng sự phổ cập ngày càng rộng của các mạng truyền thông xã hội đã tạo mảnh đất màu mỡ cho tin tức giả lộng hành. Ngoài những tin tức bịa ra chủ yếu để câu like, câu view, gây chú ý vốn chiếm đa số, ngày càng xuất hiện nhiều tin tức giả có âm mưu, phục vụ cho những mục đích cụ thể, thậm chí cả về chính trị. Điều càng nguy hiểm hơn khi gần đây râm ran có những tin rằng một số chính phủ đã sử dụng đòn phép tin tức giả để chống phá lại những nước, những đối tượng gây nguy hại cho mình. Cụ thể là Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ FBI đang tiếp tục điều tra những cáo buộc Nga đã dùng các chiêu trò tung hỏa mù, dẫn dắt thông tin trên mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.

Hai ông lớn nhất trong giới mạng truyền thông xã hội là Facebook và Google (với YouTube) đã lên tiếng cảnh báo về tệ nạn tin giả đang tràn lan trên các mạng xã hội. Một mặt chỉnh sửa lại các chính sách có liên quan kèm những hình thức chế tài những kẻ vi phạm, mặt khác họ đang nghiên cứu những thuật toán, công cụ để lọc, phát hiện và ngăn chặn những tin tức giả. Có hai giải pháp mà Facebook và Google đã cho tiến hành ở bên ngoài là chấp nhận cộng tác với chính phủ những nước mà họ hoạt động để phòng chống tin tức giả, tin tức xấu; song song với việc hợp tác với những nguồn cung cấp tin tức có uy tín và các tổ chức có khả năng phát hiện tin tức giả để chung tay cùng mình. Tóm gọn là cuộc chiến chống tin tức giả đang căng thẳng hơn và quyết liệt hơn.

Tất nhiên, các mạng xã hội phải xử lý cho vẹn toàn cả hai vế mà tưởng như xung đột với nhau: bảo vệ họ mà không làm mất lòng người dùng. Và cũng không ai có thể buộc họ phải triệt để như ý mình. Với những đặc thù riêng của mạng xã hội, coi như xử được tới đâu là vui tới đó.

Mà cũng không chỉ có tin tức giả, hai mạng Facebook và Google cũng đang phải ráo riết xử lý một số vấn đề khác còn nhạy cảm hơn và ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu của họ. Chẳng hạn như chuyện những quảng cáo xấu bị chèn vô tội vạ vào những nội dung nghiêm túc của khách hàng đang khiến một số khách hàng cắt đứt quan hệ với YouTube, Facebook,… Lại là chuyện khó xử đôi bên. Quảng cáo đem lại lợi nhuận và những người sản xuất nội dung tốt thu hút thêm người xem. Xin lưu ý là các mạng xã hội tồn tại được chủ yếu nhờ nguồn tiền quảng cáo. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, nguồn doanh thu từ quảng cáo trong năm 2017 của Google có thể đạt tới 72,69 tỷ USD và của Facebook là 33,76 tỷ USD. Nguồn thu quảng cáo của hai ông lớn mạng xã hội này chiếm tới 46,4% tổng chi phí quảng cáo số toàn cầu.

Trở lại chuyện tin tức giả, nếu không có có các biện pháp giảm thiểu hiệu quả, các mạng xã hội không chỉ mất uy tín, bị làm xấu hình ảnh mà còn có nguy cơ bị các nạn nhân khởi kiện hay các chính quyền gây khó khăn. Nếu nói là tin tức giả, tin tức xấu sẽ làm giảm số lượng người dùng các mạng xã hội thì có lẽ chưa hiểu rõ người dùng Internet ngày nay. Thực tế là những tin tức giật gân, nóng sốt lại thu hút được nhiều người coi hơn. Chết là ở chỗ đó.

Và những “chuyên gia” tạo tin tức giả cũng ngày càng tinh vi hơn. Có nhiều chiêu trò để tung hỏa mù, lộng giả thành chân. Họ cắt cúp cắt xén những hình ảnh, video ra khỏi ngữ cảnh thật của chúng để phục vụ cho kịch bản của mình. Họ “khai quật” những vụ việc từ nhiều năm trước nhưng có liên quan hay na ná như tình hình hiện tại để đánh lận con đen. Chiêu thức râu ông nọ cắm cằm bà kia được khai thác để dùng ảnh ở nơi này gán ghép cho nơi kia. Vào YouTube bây giờ, bạn thấy xuất hiện ngày càng nhiều video clip thông tin giựt gân và “độc quyền” được dàn dựng theo lối đọc hay chạy chữ nội dung.

Những kẻ tung tin tức giả áp dụng bài bản của bộ máy tuyên truyền thời Đức quốc xã ngày trước hay xa hơn nữa là giống như chuyện “Tăng Sâm giết người” thời Xuân Thu ghi trong sách Cổ học Tinh hoa. Cứ theo kiểu nhồi sọ, nói riết và nghe đọc riết rồi chuyện giả cũng tin là thật. Các nạn nhân của tin tức giả luôn lâm vào tình cảnh “được vạ thì má đã sưng”, có khi phải tốn nhiều tiền để “nói lại cho đúng” mà đâu phải những người đã nghe qua lại có cơ hội nghe lại.

Vì thế, việc chống tin tức giả phải được tiến hành từ nhiều phía. Nhà chức trách có những luật định chi phối. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (ở đây là mạng xã hội) phải có cơ chế kiểm soát và chế tài nghiêm khắc đối với những kẻ vi phạm. Nguồn báo cáo tin xấu từ cộng đồng vẫn cần được khai thác tối đa. Còn bản thân người đọc cũng phải luôn cảnh giác với những tin lạ, bất thường và hấp dẫn. Tốt nhất là biết cách kiểm tra chéo từ nhiều nguồn khác nhau và dựa vào những nguồn tin chính thống, có uy tín, đáng tin cậy. Không nên tiêu cực tẩy chay các mạng xã hội như YouTube, Facebook vì thực tế tin giả, tin xấu chỉ là những cỏ rác trong những môi trường mạng mà thôi, và có biết bao điều bổ ích, lý thú mà người vào mạng thông minh có thể hưởng thụ.

Trong thời gian qua, người ta vẫn thường thấy báo chí và mạng xã hội đưa lên những trường hợp khó khăn để vận động cộng đồng giúp đỡ. Nhưng đồng thời cũng xuất hiện những kẻ xấu nhẹ thì ăn theo, nặng thì lợi dụng những người khó khăn đó để giở chiêu trò kiếm lợi cá nhân hay thậm chí tập thể. Chẳng hạn, chúng tìm đến những người cần giúp đỡ để chụp hình, quay phim, phỏng vấn họ rồi đứng ra đưa lên mạng xã hội hòng tiếp nhận các khoản đóng góp rồi hoặc chiếm hết, hoặc chỉ trao lại cho người cần hỗ trợ một phần. Thậm chí có những kẻ đơn giản chỉ cần copy và xào nấu lại những thông tin có trên truyền thông và thay số tài khoản tiếp nhận của mình vào. Có cả những chiêu trò, thậm chí mang tính công nghệ, để mạo danh, chiếm tài khoản mạng xã hội của những người có uy tín để kêu gọi đóng góp rồi tìm cách chiếm đoạt hết. Cũng có những trường hợp do suy tính gì đó, bị choáng ngợp trước những khoản trợ giúp trên trời rơi xuống, chính đối tượng được trợ giúp đã “diễn” với những tờ báo, những cây bút khác để “mở rộng nguồn tài trợ”.  Đây có thể coi là những tin tức giả được tạo ra một cách tinh vi, do kẻ xấu trích dẫn, sử dụng những dữ liệu có thật nhưng bào chế lại, tung hỏa mù, biến thật giả lẫn lộn để đánh lừa và dẫn dắt người đọc, phục vụ cho ý đồ riêng của mình. Thật đó mà cũng giả đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động TP.HCM ngày 24-5-2017 và trên báo Người Lao Động Online