Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Chơi chiêu chi mà lầy lội quá ta…

PHP RỦ RỈ RÚ RÌ

 

Một vài hôm trước, tôi phải thú nhận là mình bị ngứa ngáy khi đọc báo thấy một cơ số không ít xe taxi ở thủ đô Haris một hôm bỗng dưng muốn… dán những tấm decal in nội dung phản đối Chính phủ xứ Việt cho phép thử nghiệm đề án phương tiên giao thông chia sẻ trên nền công nghệ của hai thương hiệu Grab (châu Á) và Uber (Mỹ). Vậy mà, sáng 8-10-2017, cái dịch lầy lội này đã lan tới tận thành phố Saigonpore vốn lịch lãm, nhìn xa trông rộng, kể cả giang hồ cũng phải đạo.

Từ Hà Nội….

… lan tới TP.HCM

Phàm thì là mà rằng kinh doanh, làm ăn không thể thiếu cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh lại có 36 kiểu. Kẻ theo hắc đạo, người dùng chánh pháp. Bất luận cạnh tranh kiểu nào thì mục đích cũng là để nâng mình vượt trội hơn đối thủ và thuyết phục được nhiều khách hàng ủng hộ mình. Nhưng cạnh tranh theo thói bày mưu chước nhận chìm đối thủ, chơi sau lưng và đánh bên dưới thắt lưng đối thủ thì không thể nào nói là quang minh chánh đại và bền vững được. Đó là chưa kể có những khi bị đá giò lái, lãnh cú hồi mã thương, những tưởng hại người ai dè lại nối giáo cho giặc.

Nhưng thôi, tôi chớ phải là dân kinh doanh nên không dám lạm bàn chi cái sở đoản của mình.

Nhưng cái mà tôi đang hận nè. Trước khi có G rồi U, tôi đi taxi từ nhà ra sân bay khoảng 10km mất gần 200.000 đồng. Đã vậy nhiều lần từ Tân Sơn Nhất về, tôi cứ bị tài xế ca cẩm xin bo thêm với những lý do như phải đợi tài lâu. Trong khi nhiều bạn bè tôi “lỡ dại” có nhà gần sân bay, mỗi lần kêu taxi là bị tài xế chù ụ, lẩm bẩm, kêu ca rồi vòi vĩnh.

Sau này có em U, tôi đi U 4 bánh giữa nhà ở Quận 5 và sân bay TSN rẻ hơn từ 60.000 đến 90 000 đồng/chuyến so với đi taxi truyền thống. Hóa ra mấy chục niên nay tôi đã bị các thể loại taxi cuỗm mất không ít tiền. Cứ tính bình quân tôi đi 100 chuyến/năm. Bị mất khoảng 7 triệu đồng/năm. Đi 10 năm mất 70 triệu đồng. 20 năm…. Hic được cá góc tư chiếc xe taxi rồi. Đó là chưa tính tôi đi taxi trong thành phố còn nhiều hơn.

Đành rằng taxi có những loại chi phí đặc thù, nhưng đó là chuyện xoay xở của hãng, sao bắt hành khách phải trả. Tôi đâu có muốn phải chi 500 loại chi phí làm màu mè, làm thương hiệu và cho các thể loại sếp taxi hưởng thụ làm người sang chảnh, làm việc ở những tòa building hoành tráng của hãng taxi. Họ cứ vung tay mà chi rồi bắt hành khách phải trả. Chơi vậy coi sao được. Kiểu này chỉ có thể tồn tại trong môi trường độc quyền, một mình một chợ.

Kêu ca taxi truyền thống phải gánh thuế nặng hơn taxi công nghiệp ư? Hồi tháng 3-2017, trả lời kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM, Bộ Tài chính lật bài ngửa rằng: Trong số 10 doanh nghiệp vận tải công cộng tại TP.HCM có doanh thu lớn nhất, chỉ có 2 đơn vị là Mai Linh và Thành Bưởi có phát sinh thuế giá trị gia tăng (GTGT) được khấu trừ, chớ không phát sinh thuế GTGT phải nộp. Hầu hết doanh nghiệp vận tải công cộng đều có tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên doanh thu thấp hoặc không phát sinh thuế TNDN. Thậm chí nếu có nộp thì cũng chỉ ở mức cực thấp, chiếm 0,01% đến 0,06% doanh thu. Trong khi mức thuế khoán cho Uber là 3%, các hãng taxi tại TP.HCM thực nộp thuế GTGT trên doanh thu còn thấp hơn (chỉ khoảng 2%).

Vậy thì giá thành của cước taxi cao chủ yếu là do chi phí vận hành.

Nói Uber và Grab cướp chén cơm của tài xế taxi thì cũng thiệt là tức cười. Vì tài xế taxi công nghệ cũng là người lao động Việt Nam.

Nhiều lần viết trên các báo, tôi khẳng định rằng các hãng taxi truyền thống muốn tồn tại thì phải chấp nhận thách thức và chuyển đổi mình cho phù hợp với thời đại mới có những cách chơi và luật chơi mới. Họ phải làm sao cho người tiêu dùng thấy rõ được mình hưởng lợi nhiều hơn khi đi taxi truyền thống. Phần nhà nước thì phải có trách nhiệm duy trì được môi trường làm ăn đúng pháp luật, bình đẳng và công bằng, đồng thời tạo cho người dân của mình có nhiều lựa chọn. Dù là công nghệ hay truyền thống, hễ ai đã kinh doanh thì phải làm đúng, tuân thủ pháp luật và làm đầy đủ nghĩa vụ thuế. Dĩ nhiên phần mình, nhà nước không thể áp đặt ý muốn chủ quan duy ý chí trong quản lý – điều hành đất nước.

Hai thách thức chủ chốt của taxi truyền thống là giá cước và cung cách, thái độ phục vụ mà cụ thể là tài xế. Giá cước chỉ có thể giảm cho hợp lý một khi hãng taxi cải tiến cung cách hoạt động của mình, lấy hiệu quả kinh tế là nền tảng. Phải trả ngay giá cước taxi về đúng bản chất của nó, không thể bắt giá cước taxi cõng hằm bà lằng xá cấu chi phí hoạt động của hãng.

Trên xe taxi Vinasun gần đây có dán decal nói rằng gọi xe bằng ứng dụng di động có thể biết trước số tiền phải trả. Đây quả là gãi đúng chỗ ngứa của hành khách, giúp họ thoát khỏi kiếp nạn bị tài xế taxi vẽ đường, chạy đường vòng cho xa để lấy thêm tiền hành khách. Điều này trái ngược với taxi công nghệ, do tài xế phải chạy đường nào ngắn nhất, nhanh nhất để giảm tiền xăng nhớt.

Nhưng cũng xin nói rõ, việc ứng dụng công nghệ chỉ là để giúp cho hoạt động của taxi truyền thống tiện lợi và tiện dụng hơn thôi. Không phải tăng cường ứng dụng công nghệ có thể chuyển đổi taxi truyền thống thành taxi công nghệ. Bởi bản chất hai loại hình taxi này hoàn toàn khác nhau. Trong đó, taxi trên nền ứng dụng công nghệ là loại hình kinh tế chia sẻ.

Nói ai đó có thương được thì thương, chớ mỗi lần nghĩ tới tổng số tiền mà bao nhiêu năm nay tôi phải cống nạp phụ trội cho các thể loại taxi truyền thống là tôi… hận!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.

Ở TP.HCM…

VÀ Ở HÀ NỘI….