Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Bữa cơm 2.000 đồng dành cho ai?

 

 

Mấy bữa nay, thiên hạ lại có việc để mà tranh cãi với nhau chung quanh vụ một vị nào đó viết trên Facebook chê trách có những bạn trẻ (sinh viên) sức dài vai rộng, thậm chí ăn mặc hàng ngon vào ăn cơm trưa trong Quán cơm Nụ Cười, loại hình quán cơm xã hội tại TP.HCM hoạt động từ ngày 12-10-2012. Ý tác giả nói rằng những thanh niên đó đã “cướp cơm” của những người nghèo.

Ở đây, tôi không có ý phản bác ý định cảnh báo của tác giả mà chỉ không đồng tình với việc quy chụp cụ thể số bạn trẻ mà tác giả nói tới. Bởi thực tế xã hội thì ở đâu, lĩnh vực nào cũng có những kẻ lợi dụng. Góp một lời cảnh báo là một điều nên làm. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta có quyền xúc phạm tất cả những ai bị coi là có liên quan mà chưa thể rõ ngọn nguồn.

Một trong các quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng tại TP.HCM. (Ảnh: Internet.Thanks)

Thiệt ra thì tôi đọc thấy trước những quán cơm Nụ Cười (hiện ở TP.HCM đã mở được 6 quán) có ghi đối tượng phục vụ hoặc là “sinh viên nghèo và người nghèo”, hoặc “người lao động và sinh viên nghèo”, hoặc “công nhân, người lao động nghèo – sinh viên, học sinh hoàn cảnh khó khăn”. Vậy nên các sinh viên, học sinh nào cảm thấy mình đúng đối tượng của hệ thống quán xã hội này thì cứ đến ăn cơm. Còn bạn trẻ nào không phải sinh viên, học sinh mà nếu thuộc diện người nghèo thì cũng là đối tượng được phục vụ.

Một trong các quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng tại TP.HCM. (Ảnh: Internet.Thanks)

Vậy đối với những người lợi dụng các quán cơm xã hội thì sao? Tôi không bao giờ dám nghĩ loại người này có số lượng đáng để phải quan tâm. Bất luận thế nào, một khi họ đã chấp nhận vào ăn cơm ở các quán này, có nghĩa là họ đã tự xếp mình vào đối tượng người nghèo. Hơn nữa, các quán chỉ ghi “người nghèo” chung chung chớ đâu có phân biệt người nghèo tiền với kẻ nghèo nhân cách. Tất cả chỉ dựa trên ý thức và lòng tự trọng của từng người. Chẳng lẽ phải có quy định về chuẩn ăn mặc hay thậm chí phải có giấy chứng nhận người nghèo mới có thể vào quán này? Thôi, khó quá, cho qua đi.

Cũng xin mở ngoặc lưu ý là chớ nên hồ đồ.Thỉnh thoảng trong quán Nụ Cười vẫn có những vị ăn mặc bảnh bao, sang trọng vào ăn. Đó thường là khách đặc biệt hay những nhà hảo tâm muốn ăn thử để vừa hòa đồng mọi người, vừa trải nghiệm coi chất lượng bữa ăn ra sao. Thường thì họ ăn một bữa cơm mà sau đó tiếp sức hàng ngàn suất cơm.

Điều tôi lo ngại nhất hỗm rày là những dư luận trái chiều – vốn dĩ bình thường trên mạng xã hội – có thể làm tổn thương các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cần phải được cộng đồng nâng đỡ. Thiệt tình là tôi cũng chẳng thích cái ý kiến rằng vì sao họ không tìm thêm việc gì đó mà làm hầu có tiền ăn, khỏi trở thành gánh nặng cho hệ thống quán này. Cách nghĩ đó chỉ mang tính lý thuyết và phiến diện. Tôi tin rằng, nếu có thể được, các bạn trẻ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không phải đi ăn cơm 2.000 đồng đâu. Ai chứ giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ nghèo, có thể nghèo rớt mồng tơi, nghèo kiết xác nhưng luôn giàu sụ cái tính tự ái.

Có người nghĩ rằng hệ thống quán cơm Nụ Cười là những cơ sở nhân đạo hay từ thiện. Tôi thấy và thích nhìn chúng như những quán cơm xã hội ở miền Nam trước năm 1975. Đó là những quán cơm giá rẻ, dành cho những người cơ nhỡ, khó khăn. Hồi đó ở tỉnh Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường thuộc tỉnh Long An), thường sau khi đi sinh hoạt hướng đạo về lỡ bữa, tôi vẫn thường ghé quán cơm xã hội bên bờ sông Vàm Cỏ Tây ăn. Học sinh hoàn cảnh khó khăn lại còn là hướng đạo sinh nghèo mà. Có lẽ nhờ được nuôi bằng cơm xã hội mà sau này trong máu tôi đầy chất xã hội, lớn lên luôn sẵn sàng và tự nhận cho mình cái sứ mạng tự phong (không có quan hệ gì với Nhà nước Hồi giáo tự phong à nghen) là chia sẻ những tri thức – mà tôi coi là Lộc Trời – cho tha nhân.

Một trong các quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng tại TP.HCM. (Ảnh: Internet.Thanks)

Khi anh Nam Đồng, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM nghỉ hưu, mở quán cơm Nụ Cười, anh ấy đã định hướng đây là một dạng quán cơm xã hội, phục vụ người nghèo chớ không phải là làm từ thiện. Thay vì miễn phí, anh lấy giá 2.000 đồng một bữa cơm để những người nghèo tiền mà giàu tự ái không có cái mặc cảm là mình phải được “bố thí”, mà là được ăn cơm giá rẻ – cho dù rẻ như cho không. (Giá 2.000 đồng là cao rồi đó nghen, bởi hồi anh Nam Đồng còn làm ở báo Tuổi Trẻ, anh bị tụi tôi đọc trệch là “Năm Đồng”). Thậm chí có những quán còn tránh cái chữ “nghèo” nhạy cảm mà thay bằng “hoàn cảnh khó khăn” hay dễ thương hơn là “thu nhập chưa cao”. Triết lý và tính nhân văn của quán cơm Nụ Cười nói chung và cha đẻ của nó nói riêng nằm ở chỗ này.

PHẠM HỒNG PHƯỚC