Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Già dú khí đá, trẻ chất bảo quản

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Anh bạn luật sư “trẻ mà hay khó chịu” Nguyễn Tấn Thi sáng nay bức xúc xích: “Muốn đứa trẻ xin lỗi công khai trên truyền thông là bất nhân. Vì, vừa muốn làm nhục người ta lại còn muốn PR cho mình.”

Nói mí mí mấp mé vậy là ai cũng biết “who is who” rồi hén. Còn nếu chưa xui xẻo được biết thì cứ đè gã “gu-gồ” ra mà tra khảo. (Search thì tìm sớm sớm nghen, kẻo sau này tía má gã bị truy thuế thì hết cho mình sờ xả giao miễn phí đó).

Dĩ nhiên, có người sẽ thắc mắc vì sao 19 tuổi rồi mà vẫn bị gọi là “đứa trẻ”. Luật quy định người đủ 18 tuổi là tự chịu trách nhiệm pháp luật về các hành vi của mình. Nhưng tôi thiệt ưng cái bụng khi bạn Thi tưng tửng mà rằng “20 tuổi mới được công khai cưới vợ”. Hỗng biết bạn Thi có thâm ý gì, chớ tôi vốn rất đơn giản nên nghĩ theo kiểu “người đờn ông chưa thể trưởng thành nếu chưa được vợ dạy dỗ”.

Tôi có tham gia góp vốn công đồng (crowdfunding) với bạn Thi rằng: ”Là người lớn hay con nít thì tuổi tác chỉ có giá trị pháp lý. Cách giáo dục của ta lâu nay có khuynh hướng đào tạo ra 2 lớp người: hoặc già trước tuổi (cụ non), hoặc không chịu lớn (trẻ trâu – với nghĩa như chửa trâu). Các bạn may mắn thoát khỏi 2 cánh cửa phân luồng đó bằng cách nào đó (đào tường khoét vách độn thổ thăng thiêng) thì tôi gọi là phiên bản trưởng thành thành công. Ấy là tôi nghĩ vậy.”

Một cô bạn bếp núc một tờ báo ở Saigon nhờ tôi cong cái mỏ “rất cưng” angelina jolie (không viết hoa à nghen) lên mà có một góc nhìn về vụ này. Tôi từ chối với lời giải thích: ban đầu, cái vụ này đúng và cần, nhưng rồi đã bị ai đó đẩy đi quá lố nên bị lên men chua làm giảm đi phần nào ý nghĩa ban đầu. Tôi chỉ mong những người có “quyền lợi và trách nhiệm” giơ cao đánh khẽ trong vụ này. Thay vì để được giới trong nghề khoái (chắc gì trong cái nghề mà cái tôi luôn ở trên cao nhất này người ta thật lòng thông nhau), tốt cho tất cả là làm sao để được công chúng – tức khán giả – thương. Có thương thì họ mới đem tiền về cho mình. Người thanh tao, cao thượng và có văn minh, văn hóa là người biết được những cái ngưỡng để mà dừng đúng nơi đúng lúc.

Nhưng tôi ủng hộ các thể loại truyền thông nhân vụ việc “giọt nước tràn ly” (ly thứ mấy mấy) và “bắt tận tay, day tận trán” này mà làm chiến dịch tổng lực và tổng hợp cảnh báo sâu rộng cho cộng đồng. (Chỉ có điều là không được đào sâu, phá nát tương lai người ta.) Điều này là cần thiết vì chỉ còn tháng rưỡi nữa là tới ngày 1-1-2018, ngày hiệu lực của Bộ Luật hình sự 2015, trong đó quy định xử rất gắt chuyện xâm phạm bản quyền công nghiệp, theo hướng hễ gây thiệt hại là bị xử lý hình sự chớ không cần có những điều kiện mở như trước. Cụ thể, Luật sư Hoàng Trung Sỹ (Đoàn LS TP.HCM) trả lời báo Thanh Niên rằng: theo Điều 226 thì không cần chứng minh người phạm tội cố ý xâm phạm với quy mô thương mại, mà chỉ cần “người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…”

Ghét ghê vậy đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.