Black Friday ở Việt Nam rẻ thiệt, nhưng chưa chắc rẻ hơn quảng cáo…
Ông thầy của tôi ở Colorado (Mỹ) trong một lần chở tôi đi shopping hàng giảm giá ở mấy cái mall có cảnh báo tôi rằng: có những cửa hàng chơi chiêu lặng lẽ tăng giá mấy bữa trước sau đó công bố giảm giá cho thiên hạ khoái. Giá bán khuyến mãi thấy có giảm nhiều so với giá niêm yết trước đó, nhưng thực tế không giảm bao nhiêu so với giá thiệt.
Tôi cười, cái chiêu nâng giá lên rồi hạ xuống này tưởng chỉ là đặc sản ở xứ Việt.
Sáng ngày Black Friday 24-11-2017, khi lướt Facebook ngay lúc vừa mở mắt ra chào ngày mới, tôi đã nhận được tin chào hàng khuyến mãi từ một dịch vụ bán hàng online nổi tiếng của Việt Nam. Vốn dân ghiền công nghệ, thấy rao giảm giá khủng cho hàng công nghệ, tôi tỉnh cả ngủ.
Tôi vào ngay trang web của họ, lướt trên lướt dưới thấy quả thật là giá ngon. Nhưng khi nhìn thấy cái giá thị trường mà họ công bố để làm mốc cho thấy họ giảm giá “khủng”, tôi như chạy xe trên mấy cái gờ giảm tốc.
Vậy là tôi bèn vào trang web của một siêu thị điện máy nổi tiếng ở TP.HCM so sánh giá những mặt hàng tương ứng. Ô kìa kìa, giá đang bán ở siêu thị này quả là cao hơn giá cửa hàng online kia đang giảm, nhưng lại rẻ hơn mức giá thị trường mà cửa hàng online niêm yết, đó là chưa kể khách hàng mua ở đây còn được khuyến mãi, trong đó có khoản giảm 10% giá nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế.
Tất nhiên, trong ngày Black Friday, hàng công nghệ bán trên cửa hàng online kia có giá ngon thiệt là ngon, tôi thích. Nhưng việc ghi mức giá thị trường quá cao để cho khách hàng sướng tê người vì được mua hàng quá hời thì giống như ăn chén cơm gạo Nhật Bản nấu bằng nồi cao tần IH nội địa Nhật Bản mà bị dính sạn vậy á.
Đó là nếu không rành hay tham khảo kỹ, người ta còn có thể mua phải những sản phẩm thế hệ cũ đang tồn kho nay được dịp tung ra vàng thau lẫn lộn. Mà xưa nay chỉ có người mua lộn chớ người bán nào có lộn.
Vậy nên sáng nay tôi nghêu ngao bài hát của nhạc sĩ Bảo Thu “Đừng hỏi vì sao tôi buồn”. Ghét ghê vậy đó!
PHẠM HỒNG PHƯỚC